Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Thực phẩm "bẩn": Báo động đỏ

Nguyễn Mai| 03/04/2016 06:07

LTS: Thời gian gần đây các ngành chức năng đã xử lý hàng loạt vụ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và thuốc bảo vệ thực vật trong hoa quả, nhưng người dân vẫn phải sử dụng thực phẩm


Bài đầu: Thực phẩm "bẩn": Báo động đỏ

Theo một số liệu thống kê, trong một năm, cả nước xảy ra hơn 170 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 5.000 người mắc. Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong nông nghiệp đang diễn biến phức tạp, mức độ vi phạm ngày càng tăng với nhiều hành vi nghiêm trọng. Trong khi đó, nhiều địa phương tiếp tục buông lỏng công tác quản lý dẫn tới mức độ vi phạm về ATTP ngày càng nghiêm trọng.

Được sử dụng nông phẩm bảo đảm ATVSTP là quyền của người tiêu dùng. Ảnh: Bá Hoạt


Mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng

Triển khai tháng cao điểm về ATTP (từ tháng 12-2015 đến tháng 2-2016), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an phối hợp với Thanh tra Bộ NN&PTNT kiểm tra 40 trang trại và cơ sở chăn nuôi lợn trên cả nước, phát hiện 18 trang trại và cơ sở chăn nuôi vi phạm về sử dụng chất cấm, xử phạt vi phạm hành chính 2,6 tỷ đồng. Chi cục Thú y các địa phương đã lấy 1.457 mẫu nước tiểu và 385 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ, phát hiện 3 mẫu thịt, 157 mẫu nước tiểu dương tính với Salbutamol. Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, chất cấm trong chăn nuôi đến từ 2 nguồn. Nguồn thứ nhất, thương lái kết nối trực tiếp với trang trại, chủ động cung cấp chất cấm, đề nghị trang trại cho lợn ăn để tăng trọng rồi thu mua sản phẩm. Nguồn thứ hai, xuất phát từ các cơ sở sản xuất cám gia công, vừa bán chất cấm vừa bán cám cho người chăn nuôi.

Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2015 đã có gần 32.000 tấn thủy sản Việt Nam xuất khẩu đi các nước bị trả về do sản phẩm có dư lượng chất kháng sinh vượt mức cho phép. Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Tình trạng người dân sử dụng chất cấm và kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã ở mức báo động đỏ. Sử dụng nhiều kháng sinh để phòng chống bệnh cho động vật và phun nhiều thuốc BVTV để diệt sâu bệnh là nhận thức hoàn toàn sai lệch. Việc này không chỉ gây hại cho sức khỏe của nông dân mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Theo khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), có tới 73% người bán rau tại Hà Nội không thể phân biệt được rau bẩn và rau an toàn, tỷ lệ này ở người mua lên tới 95%. Xét nghiệm các mẫu rau trên địa bàn Hà Nội của Bộ Y tế (năm 2015) cho kết quả: 13/120 mẫu xét nghiệm định lượng xác định có tồn dư Carbofuran (thuốc sâu hữu cơ, gây độc với con người) vượt giới hạn cho phép; 12/120 mẫu có tồn dư Cypermethrin (thuốc trừ sâu diệt ruồi, muỗi, kiến gián, có hại với sức khỏe con người); 9/120 mẫu rau tồn dư cùng lúc cả hai loại hóa chất trên. Trong số 40 mẫu tồn dư thuốc BVTV, có 14 mẫu rau muống; 21 mẫu rau ngót và 5 mẫu rau mồng tơi…

Thời gian gần đây, tại Hà Nội, đã xảy ra một loạt vụ việc liên quan đến việc quản lý và tiêu thụ rau an toàn (RAT) như vụ đưa rau không rõ nguồn gốc vào một số trường tiểu học, mầm non trên địa bàn quận Tây Hồ. Bức xúc không chỉ ở việc người trồng và người kinh doanh rau "đánh lận" rau sạch và rau bẩn mà còn ở sự nhập nhèm của các nhà hàng, bếp ăn tập thể để kiếm lợi. Nói về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Hào, Chủ nhiệm HTX RAT Tiền Lệ huyện Hoài Đức cho biết: "Hiện có không ít bếp ăn tập thể tiêu thụ cả tạ rau xanh mỗi ngày nhưng chỉ lấy của HTX khoảng 20 đến 30%, còn lại ra chợ mua rau "trôi nổi" về trộn lẫn, nhưng vẫn xin HTX giấy tờ, hóa đơn để chứng minh nguồn gốc. HTX đã từ chối cung ứng cho các bếp ăn tập thể kiểu này". HTX RAT Hòa Bình quận Hà Đông cũng rơi vào cảnh tương tự, nhiều đơn vị chỉ lấy rau của HTX với mục đích hợp thức hóa chứng từ, đối phó với các đoàn kiểm tra về vệ sinh ATTP của địa phương…

Người tiêu dùng khó có thể phân biệt loại thực phẩm nào sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ảnh: Linh Ngọc


Những bất cập trong công tác quản lý

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang nhận định: Mặc dù, các ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, lấy mẫu giám sát nhưng chỉ như "muối bỏ biển", ATTP trong nông nghiệp vẫn là vấn đề "nóng" và tiếp tục diễn biến phức tạp. Nguyên nhân của tình trạng này là dù Nhà nước đã quy định rõ trách nhiệm, phân cấp quản lý cho các bộ, ngành và chính quyền địa phương, nhưng chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, dẫn tới khó kiểm soát…

Về những bất cập trong công tác quản lý, ông Trần Mạnh Giang - Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội, cho biết: Bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp cấp quận, huyện, xã, phường chưa có; nhân lực triển khai tại quận, huyện đều kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chuyên môn phù hợp nên khó nắm bắt, theo dõi, tham mưu... Hiện nay, công việc liên quan đến ATVSTP ở các xã, phường chủ yếu do cán bộ thú y, bảo vệ thực vật (các quận nội thành không có cán bộ bảo vệ thực vật) đảm nhiệm nên còn không ít bất cập.

Mặt khác, có thể thấy, việc kết nối tiêu thụ rau, thịt sạch trên địa bàn còn nhiều vấn đề do số lượng doanh nghiệp kinh doanh RAT, thực phẩm "sạch" không nhiều, cơ sở sản xuất của các tỉnh mà Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội ký thỏa thuận chưa có bao bì, tem nhận diện để quản lý nguồn gốc… Bên cạnh đó, thành phố vẫn chưa hình thành được hệ thống chính sách đồng bộ nhằm hỗ trợ về cơ sở hạ tầng thương mại cho doanh nghiệp trên địa bàn. Cùng với những bất cập trong công tác quản lý, đây là những nguyên nhân dẫn tới việc người dân phải chấp nhận "sống chung" với thực phẩm "bẩn".

Trong quý I-2016, các cơ quan chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiến hành tịch thu, tiêu hủy gần 1.500kg nội tạng động vật, thủy sản các loại, 30kg thịt và 260kg rau củ; niêm phong chờ xử lý 21 hộp cá kìm nguyên con đông lạnh (10kg/hộp) đã hết hạn sử dụng.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Thực phẩm "bẩn": Báo động đỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.