Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Lan tỏa nếp sống văn minh

Minh Ngọc| 26/03/2017 06:28

LTS: Với những quy định và gợi mở được đánh giá là phù hợp với tình hình thực tế, việc triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội sẽ góp phần tạo dựng chuẩn mực ứng xử mới, ý thức mới cho mỗi tổ chức, cá nhân nơi công cộng.

Bài đầu: Lan tỏa nếp sống văn minh

Thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017”, tiếp tục thực hiện “Năm trật tự, văn minh đô thị”, nhiều đơn vị, cộng đồng dân cư trên địa bàn Thủ đô đã chủ động xây dựng nội quy ứng xử nơi công cộng. Các nội quy này dù mới triển khai ở phạm vi hẹp, song đã có tác dụng điều chỉnh thái độ, lời nói, hành vi lệch chuẩn khá hiệu quả, từng bước lan tỏa nếp sống văn minh đến từng tổ chức và người dân.


Văn hóa giao thông là một trong những “tiêu chí” ứng xử nơi công cộng.Ảnh: Anh Tuấn


Tín hiệu vui

Trong vai khách tham quan, ngày 22-3, phóng viên Báo Hànộimới về khu danh thắng Hương Sơn (Mỹ Đức) lễ chùa. Sau khi mua vé tham quan, chủ đò mang biển số HN-HS 1129 niềm nở mời khách lên đò. Chị lái đò vừa chèo, vừa kể cho chúng tôi nghe những quy định mới của lễ hội chùa Hương năm 2017. Nào là thuyền, đò sơn màu xanh cho thân thiện với môi trường, phải có thùng rác, phao cứu sinh; nào là quy định cấm sử dụng thuyền gắn động cơ chở khách... Rồi, chuyện lực lượng phục vụ lễ hội chùa Hương được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, về thái độ ứng xử với du khách từ trước mùa lễ hội thế nào, trong lễ hội bị nhắc nhở, kiểm tra, xử phạt ra sao…

Đúng như lời kể của chị lái đò, mùa lễ hội chùa Hương năm nay có nhiều thay đổi. Hệ thống dịch vụ, hàng quán tuy chưa được quy hoạch thành khu vực riêng, nhưng gọn gàng, ngăn nắp hơn hẳn những năm trước. Trước chùa Thiên Trù, nhà chùa đặt nhiều biển hướng dẫn khách hành hương thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự. Trên biển có hình ảnh minh họa về những việc không nên làm như: Không lễ chín, không dâng cúng đồ mã, không mặc trang phục phản cảm vào hành lễ… Tương tự, khi đi thực tế ở nhiều di tích, lễ hội khác, chúng tôi cũng cảm nhận nếp sống văn minh nơi thờ tự đang từng bước được hình thành. Tại phủ Tây Hồ (Tây Hồ), đền Bạch Mã (Hoàn Kiếm), đền Kim Liên (Đống Đa)… không còn tình trạng thắp nhiều hương, nến, đốt nhiều vàng mã.

Nhìn lại hơn 1.000 lễ hội dân gian diễn ra đầu xuân Đinh Dậu, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động khẳng định, về cơ bản công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở các địa phương có sự chuyển biến theo hướng văn minh. Những vụ việc gây xôn xao dư luận xuất phát từ hành động tự phát của một vài cá nhân, không phải là xu hướng. Những hạn chế, thiếu sót về khâu tổ chức trong một vài lễ hội đã được Sở VH-TT Hà Nội phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng nhắc nhở, yêu cầu rút kinh nghiệm.

Điều chỉnh những hành vi lệch chuẩn

Thực hiện “Một số quy tắc ứng xử (QTƯX) của người dân khu phố cổ”, những năm gần đây, các hộ kinh doanh, buôn bán, sinh sống trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có ý thức hơn trong xây dựng, giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Trong những ngày cao điểm ra quân lấy lại vỉa hè, lòng đường, đa số người dân ở đây có thái độ hợp tác với các lực lượng chức năng. Trên nhiều tuyến phố, các hộ kinh doanh tự giác nhắc nhở, hướng dẫn khách để xe đúng quy định. Hiện tượng cãi vã, nói thách, chèo kéo khách mua hàng ít xảy ra. Lòng đường, vỉa hè một số tuyến phố thông thoáng, sạch sẽ để lại ấn tượng đẹp cho khách tham quan.

Tại quận Đống Đa, nhiều hộ kinh doanh tự giác tháo dỡ mái che, mái vẩy, điều chỉnh kích thước biển hiệu, biển quảng cáo. Đến thời điểm này, hầu hết đường, phố trên địa bàn quận không còn mái che, mái vẩy, biển dọc, biển vẫy nhếch nhác. Tương tự, các hộ dân mặt tiền tuyến phố Kim Mã, Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình); Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự (quận Long Biên)… đang cùng với chính quyền sở tại xây dựng thành những tuyến phố đạt chuẩn về văn minh đô thị. Ông Nguyễn Trọng Duy, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Long Biên cho rằng, QTƯX nơi công cộng định hướng rất rõ những việc không nên làm như chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; treo, đặt biển hiệu, biển quảng cáo trái phép; tự ý thay đổi hiện trạng vỉa hè, lòng đường…, sẽ tạo thành barie ngăn những hành vi vi phạm.

Anh Gabriel Kang - du khách đến từ Singapore, cho hay: “Điều chúng tôi e ngại trước khi đến Hà Nội là tình trạng giao thông lộn xộn, không có đường dành riêng cho người đi bộ. Thật bất ngờ, đến Hà Nội lần này, chúng tôi được chứng kiến một khu phố cổ hoàn toàn khác với những gì đã hình dung. Chúng tôi không những được tìm hiểu, khám phá Thăng Long - Hà Nội qua những tuyến phố, mà còn có thể đi dạo, thưởng thức văn hóa, nghệ thuật trên những tuyến phố đi bộ dịp cuối tuần”.

Một vấn đề nhức nhối khác là hiện tượng mua bán hàng giả, kém chất lượng, nói sai, cân đong gian dối; ăn uống, vứt rác tùy tiện… tại các cửa hàng ăn, chợ, bến tàu, bến xe và các điểm công cộng khác cũng được định hướng điều chỉnh bởi các QTƯX. TS Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long cho rằng, xưa nay, các cộng đồng dân cư dù ít hay nhiều người vẫn xây dựng các quy ước, quy tắc để điều chỉnh các mối quan hệ cộng đồng. Thủ đô Hà Nội là một cộng đồng lớn, gồm hàng triệu con người với những mối quan hệ đa dạng, nên việc triển khai QTƯX nơi công cộng trên địa bàn thành phố sẽ góp phần xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa trong thời kỳ mới.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Lan tỏa nếp sống văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.