Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Hiện hữu những đổi thay

Nguyễn Mai| 10/12/2017 07:00

(HNM) - Đã ít hơn những phận người lam lũ, căn nhà xiêu vẹo, con đường đất bị xẻ ngang, cắt dọc từng ám ảnh chúng tôi khi đến những bản làng người Mường, người Dao ở vùng khó khăn, xa xôi nhất của Hà Nội như cách đây ít năm.


Đường giao thông ở thôn Thanh Hà (xã An Phú, huyện Mỹ Đức) thông thoáng, sạch sẽ.


Đã ít hơn những phận người lam lũ, căn nhà xiêu vẹo, con đường đất bị xẻ ngang, cắt dọc từng ám ảnh chúng tôi khi đến những bản làng người Mường, người Dao ở vùng khó khăn, xa xôi nhất của Hà Nội như cách đây ít năm. Thay vào đó, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, những mô hình làm kinh tế hiệu quả ngày càng nhiều, đời sống nhân dân đã có những đổi thay căn bản... là những gì đang hiện hữu ở 2 xã An Phú và Ba Vì.

Sơn cước "bừng sáng"

Chúng tôi cùng Bí thư Đoàn Thanh niên, kiêm cán bộ văn hóa xã An Phú (huyện Mỹ Đức) Trần Văn Thụ đến thôn Thanh Hà - thôn xa nhất, cách trung tâm xã chừng 5km. Vốn là thôn đặc biệt khó khăn nhưng nay Thanh Hà đã có nhiều hộ khá, hộ giàu. Đường đến thôn Thanh Hà xa ngái, lầy lội ngày nào giờ đây khang trang, sạch đẹp. Không ít nhà dân trong thôn được xây dựng bề thế, hiện đại.

Trưởng thôn Thanh Hà Lê Văn Tiến hồ hởi đón khách, giới thiệu những trang trại chăn nuôi nằm sâu trong núi - nơi đang nuôi hàng nghìn con dê, bò, lợn rừng bán hoang dã... Anh Tiến cho biết, sau dồn điền đổi thửa, nhân dân thôn Thanh Hà đã chuyển 80ha lúa bấp bênh sang trồng sen, nuôi cá. Ngoài ra, hầu hết các hộ đều phát triển chăn nuôi gà, vịt, dê, lợn với quy mô hàng vạn con. “Lợn rẻ quá, bà con chuyển sang nuôi dê hiệu quả hơn hẳn. Giá thịt dê bán tại hộ là 130 nghìn đồng/kg, chăn nuôi dê lại phù hợp với địa hình miền núi. Thức ăn của dê là cây cỏ trong rừng và không cần chăm sóc cầu kỳ” - anh Tiến chia sẻ. Gia đình Trưởng thôn Lê Văn Tiến cũng là một trong những hộ chăn nuôi lớn ở xã với quy mô trang trại trên 10ha bao trọn cả một quả núi. Hiện anh Tiến đang nuôi thả hơn 1 vạn gà thịt và gà đẻ trứng; 2.000 vịt đẻ, 100 lợn rừng và 70 con dê cùng gần 13ha ao thả cá. Mỗi năm, doanh thu từ trang trại của hộ anh Tiến đạt khoảng 5 tỷ đồng, trừ chi phí, cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Mạnh Ngự vui mừng thông tin: Gần 260ha lúa của xã trước đây chỉ cấy 1 vụ thì giờ đã ăn chắc 2 vụ. Đối với khu đồng trũng, xã vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển từ lúa sang trồng sen, thả cá được 118ha. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 360ha diện tích mặt nước ao đầm chuyên canh cá... Bên cạnh đó, nhiều lao động đi làm công nhân, buôn bán dịch vụ nên kinh tế ổn định. Nếu như đầu năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã là 26%, thì nay chỉ còn 19,6%...

Ngược lên vùng núi cao xã Ba Vì (huyện Ba Vì) có đặc thù 100% dân số là đồng bào dân tộc Dao, chúng tôi cũng nhận thấy rõ sự thay đổi ở nơi đây: Đường đi thuận lợi hơn, nhiều công trình phúc lợi xã hội như nhà văn hóa thôn, trường học, nước sạch… đã được xây dựng khang trang. Thôn Yên Sơn đông dân nhất xã Ba Vì với hơn 240 nóc nhà, thì có 140 nhà có nghề thuốc Nam. Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lý Sinh Vượng cho biết, những hộ có nghề làm thuốc Nam đều không nghèo. Người dân Yên Sơn đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc mua lá thuốc về bào chế, vừa chữa bệnh cứu người vừa có thu nhập khá. Trò chuyện với Trưởng thôn Yên Sơn Lý Thị Lân mới thấy, người Dao đang nỗ lực vươn lên, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Không chỉ bốc thuốc chữa bệnh theo kinh nghiệm tổ tiên truyền dạy, nhiều người còn theo học tại các trường y học cổ truyền để trang bị thêm kiến thức cơ bản về dược lý, chữa bệnh hiệu quả hơn...

Khi chính sách đi vào cuộc sống


Nhờ nghề làm thuốc Nam, đời sống đồng bào dân tộc Dao ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì) ngày càng nâng cao.


Ai từng chứng kiến cuộc sống của đồng bào ở 2 xã vốn nghèo nhất, xa nhất Thủ đô cách đây chừng mươi năm mới thấy những đổi thay hôm nay là bước tiến quan trọng, khẳng định hiệu quả của chính sách trong cuộc sống. Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Mạnh Ngự nhớ lại, trước đây, xã có 70% dân số là đồng bào dân tộc Mường, địa hình trải rộng hơn 23km2 với đồi núi, đồng bằng, ao đầm, rừng, ruộng... nhưng vẫn “nghèo quanh năm” bởi chỉ trông vào nghề nông mà lại thường xuyên chịu cảnh thiên tai. Cứ đến tháng 7, tháng 8 hằng năm là nước lũ rừng ngang đổ về, đồng ruộng ngập trắng, nhiều thôn bị cô lập khiến nửa số hộ trong xã là hộ nghèo...

Còn với xã Ba Vì, theo Phó Chủ tịch UBND xã Lý Sinh Vượng, trước năm 1963, người Dao xã Ba Vì sinh sống ở lưng chừng núi Ba Vì, cuộc sống di canh, di cư, không ổn định. Khi Nhà nước có chính sách định canh, định cư, người Dao bắt đầu “hạ sơn”. Xã Ba Vì được thành lập; từ đó, xã Ba Vì có đất canh tác do nhân dân 2 xã Minh Quang và xã Ba Trại “nhường” lại. Tuy nhiên, những năm 1980, dân số phát triển nhanh, thiếu việc làm, bà con lại quay về phát nương, làm rẫy. Cho đến năm 1991, khi Vườn quốc gia Ba Vì được thành lập, không được tự ý phát nương, làm rẫy nữa, đói nghèo tái diễn... Bởi vậy, cao điểm vào các năm 2013-2014, có tới 400 lao động sang Trung Quốc làm thuê "chui", chịu nhiều nhọc nhằn, thiệt thòi...

Hành trình bà con hai xã vươn lên thoát nghèo như một kỳ tích. Kỳ tích ấy bắt nguồn từ những hỗ trợ thiết thực của Nhà nước và ý thức vươn lên của mỗi hộ dân. Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lý Sinh Vượng cho hay, nhờ chính sách hỗ trợ của thành phố, mấy năm gần đây, cơ sở hạ tầng của xã bước đầu được nâng cấp với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. 90% hệ thống đường sá đã được cứng hóa; hệ thống thủy lợi đã được đầu tư; trường học được xây dựng khang trang; trạm y tế đạt chuẩn... Nghề thuốc Nam và một số nghề khác phát triển, cấp ủy, chính quyền đã vận động bà con quay trở lại quê hương làm ăn.

Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Đặng Tiến Hữu cho biết, không chỉ bảo tồn các nét văn hóa, đời sống văn hóa tinh thần của bà con cũng phát triển hơn. Huyện và thành phố đã hỗ trợ bà con mua sắm được một số cồng chiêng và trang phục dân tộc. Hiện nay, ở cả 3 thôn trên địa bàn xã đều có phong trào thể thao: Bóng chuyền da và bóng chuyền hơi phát triển. Riêng với thôn Yên Sơn có 3 sân bóng, chiều chiều lại nhộn nhịp những hoạt động thể thao, giải trí, rèn luyện sức khỏe...

Tương tự, xã An Phú cũng đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng hoàn thiện hạ tầng. Bà con được hỗ trợ vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, được học nghề, tìm kiếm cơ hội việc làm ngoài nông nghiệp ngày một nhiều hơn.

Theo Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh, từ năm 2008 đến nay, cùng với những chính sách hỗ trợ đồng bào theo Chương trình 135 của Chính phủ, Thành ủy Hà Nội đã có nghị quyết, UBND thành phố có các kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô. Theo đó, hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư cho khu vực dân tộc miền núi, trong đó có xã An Phú và xã Ba Vì. Nhờ vậy, 2 xã vốn đặc biệt khó khăn này đã có sự chuyển biến tích cực. Tiềm năng, thế mạnh miền sơn cước đang được khai thác, phát huy hiệu quả rõ rệt...

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Hiện hữu những đổi thay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.