LTS: Sau nhiều lần thực hiện tinh giản biên chế nhưng kết quả vẫn
LTS: Sau nhiều lần thực hiện tinh giản biên chế nhưng kết quả vẫn "giậm chân tại chỗ", cuối năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế (có hiệu lực từ ngày 10-1-2015) và tháng 4-2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng triển khai thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất khi nhiều vấn đề vướng mắc chưa được tháo gỡ?
Bài đầu: Chưa giảm được người cần giảm
Bước sang năm 2015, công tác tinh giản biên chế bắt đầu khởi động ở mức cao. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không tăng biên chế công chức trong năm 2015 và các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực này đang được hoàn thiện. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, các cơ quan, đơn vị đang tìm cách "thích ứng" khác nhau.
Tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu quả công việc của cán bộ, công chức. Ảnh: Như Ý |
Biên chế vẫn tăng...
Nhìn lại kết quả tinh giản biên chế thời gian qua có thể thấy: Chưa giảm được những người cần giảm. Các cơ quan đã thực hiện Nghị định 132/2007/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện chính sách tinh giản biên chế, nhưng hiệu quả rất hạn chế. Cụ thể là biên chế cán bộ, công chức (CBCC) từ cấp huyện trở lên (không kể Công an, Quân đội) năm 2007 là 346.379 người thì năm 2014 là 396.371 người (tăng 49.992 người). Tính riêng khối cơ quan hành chính thì từ 238.668 người năm 2007 lên 275.620 năm 2014 (tăng 36.952 người). Biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập cũng tăng nhanh: Từ 1,63 triệu người năm 2010 đã lên 2,31 triệu người năm 2014. Theo lý giải của Bộ Nội vụ, nguyên nhân tăng chủ yếu là do bổ sung chức năng nhiệm vụ, thành lập mới tổ chức để tăng cường quản lý nhà nước. Số lượng người ra khỏi biên chế (69.269 CBCCVC) chủ yếu là nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc, chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách. Điều đó cho thấy, việc tinh giản biên chế chưa thực sự hiệu quả.
Đáng chú ý, trong khi dư luận xã hội có luồng ý kiến cho rằng, có tới 30% CBCC không làm được việc thì các bộ, ngành, địa phương báo cáo về Bộ Nội vụ đều là hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Theo tổng hợp của Bộ Nội vụ cũng chỉ có 1% CBCC không làm được việc. Điều đáng nói, hệ lụy từ việc tinh giản biên chế không hiệu quả là sự ì ạch trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC. Các điều tra xã hội học từ nhiều kênh khác nhau cho thấy, vẫn xảy ra tình trạng hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu, thiếu nhiệt tình, trách nhiệm, tham nhũng vặt… Điều đó phản ánh, kết quả đánh giá CB CCVC dường như chưa sát với thực tế, còn tình trạng cào bằng dẫn tới khó xác định đối tượng cần tinh giản.
Việc đánh giá cán bộ, viên chức vẫn chưa sát thực tế, dẫn tới khó xác định đối tượng cần tinh giản. Ảnh: Thái Hiền |
Chỗ thiếu vẫn thiếu
Theo báo cáo ngày 10-10-2014, Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ, tổng biên chế CC trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế CC của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế CC trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế CC cấp xã) của năm 2015 là 281.714, bằng đúng số biên chế đã được Thủ tướng giao năm 2014. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, biên chế CC tiếp tục được giữ ổn định như các năm trước.
Tuy nhiên, trên thực tế, đã có việc, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ phê duyệt cao hơn số biên chế CBCC được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao và cũng đang tồn tại thực trạng, nhiều địa phương, đơn vị không sử dụng hết số biên chế được giao. Điển hình ngay tại TP Hà Nội, năm 2014 được giao 10.234 biên chế hành chính, số thực hiện là 9.728. Trên địa bàn thành phố, có rất nhiều đơn vị không thực hiện hết chỉ tiêu biên chế. Huyện Đông Anh, năm 2014 cả khối hành chính và sự nghiệp đều thiếu, thậm chí khối sự nghiệp đang thiếu hàng trăm biên chế. Huyện Mê Linh còn thiếu 19 biên chế CC trong cơ quan hành chính, thiếu 342 biên chế VC trong đơn vị sự nghiệp. Quận Hà Đông thiếu 226 biên chế sự nghiệp… Nghịch lý là các đơn vị không sử dụng hết số biên chế được giao nhưng lại có số lao động hợp đồng (LĐHĐ) vượt quá quy định. Tính riêng năm 2014, khối cơ quan hành chính tự ký 1.128 LĐHĐ; đơn vị sự nghiệp tự ký 9.243 LĐHĐ. Lý giải cho việc tự ký LĐHĐ, đại diện UBND huyện Mê Linh cho biết: Do việc thực hiện chưa đủ chỉ tiêu biên chế, trong khi khối lượng công việc quá lớn nên huyện phải thực hiện hợp đồng lao động để có cán bộ làm công tác bồi thường GPMB, phát triển quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất cũng cho biết lý do huyện sử dụng nhiều LĐHĐ là nhiệm vụ GPMB các dự án trên địa bàn rất lớn. Tình trạng LĐHĐ làm công tác chuyên môn của công chức cũng đang diễn ra tại Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật. Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT) khi có tới 60 người trong tổng số 450 biên chế VC của 3 đơn vị được tuyển dụng từ trước năm 1993 đang được giao nhiệm vụ như CC khác trong cùng cơ quan. Đại diện Sở Giao thông - Vận tải cũng cho rằng: Việc giữ nguyên số lượng biên chế trong thời gian qua trong khi nhiệm vụ giao cho Sở hằng năm đều tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thực hiện các nhiệm vụ của CBCCVC một số đơn vị trực thuộc. Đơn cử như đối với lực lượng Thanh tra giao thông vận tải Hà Nội, dù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải" (tại Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 5-3-2010 của Thủ tướng Chính phủ) với tổng biên chế hành chính là 809 biên chế, nhưng đến nay Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đang được giao 591 biên chế.
Không chỉ Hà Nội, một số địa phương, đơn vị khác cũng trong tình trạng tương tự. Thế nên, dù muốn, dù không, chuyện tinh giản biên chế luôn được dư luận quan tâm. Sâu xa, nghịch lý không tăng biên chế nhưng “phình” cán bộ nói lên nhiều điều. Đó là lượng biên chế hiện có của nhiều đơn vị chưa tương xứng với khối lượng công việc được giao (điển hình là một số đơn vị của Hà Nội) nên buộc phải "phá rào". Không những “phình” cán bộ là nhân viên một số bộ, ngành, địa phương, số lượng cấp phó ở các đơn vị khác nhau cũng không đồng đều. Nhìn tổng thể, cấp bộ quy định có 4 thứ trưởng, nhưng bình quân là 5,4 thứ trưởng. Cấp tổng cục, quy định 3 cấp phó nhưng bình quân là 3,69. Cấp vụ, quy định là 3 cấp phó nhưng bình quân 3,04. Cấp sở, quy định 3 cấp phó nhưng bình quân 3,06 khiến bộ máy càng cồng kềnh. Trong bổ nhiệm cán bộ, có trường hợp ký tùy tiện...
Trong khi nút thắt giữ biên chế, phình về số lượng hợp đồng, nhiều cấp phó chưa được tháo gỡ thì qua giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội lại cho thấy thêm một vấn đề khác: Tiền lương chưa bảo đảm mức sống tối thiểu; không có tác động nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC và người hưởng lương từ ngân sách. Cơ quan này khuyến cáo, chừng nào đội ngũ CB thực sự giảm đi đôi với tăng năng suất lao động, mới bảo đảm cho họ và gia đình đủ sống ở mức cần thiết, không tìm cách sống ngoài lương. Nhưng qua nhiều lần cải cách tiền lương đến nay vấn đề này vẫn để ngỏ. Đã đến lúc cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ đối với những người có quyền hạn trong bổ nhiệm, đề bạt CB, làm sao để họ muốn lạm dụng quyền lực cũng không lạm dụng được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.