(HNM) - Thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đẩy mạnh thực hiện chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Trong đó, nội dung cần lưu tâm là xây dựng văn hóa Đảng - nhân lõi cho khát vọng dân tộc hùng cường, để Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” như Bác Hồ mong muốn.
1. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định rõ chặng đường lịch sử của dân tộc Việt Nam hướng tới là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu, mang lại phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân. Đây là tầm nhìn mới của Đảng trong bối cảnh mới, là đường chỉ đỏ tuyệt đối trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh: Độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đó cũng là 2 điểm mấu chốt trong toàn bộ những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hoàn cảnh lịch sử luôn biến đổi, nhưng dù ở bất cứ điều kiện nào thì trong trái tim, khối óc Hồ Chí Minh cũng vẫn cháy bỏng khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc cho Tổ quốc và nhân dân. Trong những trước tác của Người, nhất là “Đường Kách mệnh”, “Tuyên ngôn độc lập”, “Di chúc” đều lấp lánh giá trị nhân văn cao cả: Tổ quốc trên hết, nhân dân tối thượng, con người là tinh hoa trời đất, của chế độ. Với Bác Hồ, không chỉ dừng lại ở lý tưởng cách mạng, mà toàn bộ cuộc đời của Người là sự hy sinh cao cả cho hiện thực hóa lý tưởng cao đẹp. Suy nghĩ cho nước, cho dân, sống vì dân vì nước, không mảy may màng danh lợi cho riêng mình. Tư tưởng Hồ Chí Minh là giá trị hướng đạo cho con người và xã hội, mở lối ra cho lịch sử dân tộc, góp phần khai phá văn minh đích thực cho nhân loại. “Tôi hiến cả cuộc đời tôi cho dân tộc tôi” là câu trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với một nhà báo nước ngoài khi sức Người đã yếu, dự báo sắp đi “gặp cụ Các Mác, cụ Lênin”.
Nhìn lại hơn nửa thế kỷ thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng thêm tự hào vì các giá trị tư tưởng tự lực, tự cường, độc lập, tự do, dân chủ, khát vọng phát triển đất nước mà Người đã căn dặn đều được Đảng, nhân dân ta bền gan quyết chí làm theo. Cơ đồ Việt Nam có được như ngày hôm nay chính là sự đơm hoa, kết trái từ tinh thần “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tính mạng và của cải, tinh thần và lực lượng để bảo vệ cho được quyền độc lập tự do ấy”.
Thành công rất tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có phần tác động tích cực của việc thực hiện tự giác, thường xuyên, thiết thực Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII). Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã mở ra tầm nhìn thời đại, với 2 mục tiêu chiến lược phát triển đất nước vào dịp 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước. Đây là khát vọng dân tộc trường tồn, cường thịnh, được thai nghén trong quá trình Nguyễn Ái Quốc tìm đường cứu nước, được hình thành và định vị trong quá trình Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
2. Ngày 12-6-2021, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu đưa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, nhu cầu văn hóa tinh thần trong Đảng, tạo dấu ấn rõ rệt về xây dựng văn hóa Đảng, để Đảng ta thật sự "là đạo đức, là văn minh". Qua đó góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng với đất nước.
Có thể thấy, xây dựng văn hóa Đảng ở nước ta hiện nay là làm cho văn hóa thâm nhập sâu sắc, bền vững vào trong đời sống Đảng. Văn hóa Đảng nghĩa là văn hóa Việt Nam được tỏa rạng trong đời sống chính trị của đất nước, được cán bộ, đảng viên nêu gương. Văn hóa Đảng là những chuẩn mực giá trị đạo đức cách mạng được thấm sâu vào những giá trị văn hóa dân tộc, soi sáng hoạt động của cả hệ thống chính trị, thể hiện trong sinh hoạt Đảng, thấm vào các quan hệ tổ chức, thể chế, phương thức hoạt động, phương thức lãnh đạo của Đảng, giữa Đảng với nhân dân, giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng. Có như vậy, Đảng mới khắc phục được căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản”, trở thành công bộc của nhân dân, lãnh đạo nhân dân bằng định hướng giá trị sống nhân văn cao cả.
Nói đến văn hóa Đảng phải xét trên cả phương diện tổ chức, từ chi bộ Đảng đến toàn Đảng và đảng viên, được xác định bởi sự thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động, tính nghiêm minh, chặt chẽ của tổ chức và kỷ luật, tình đoàn kết của những người đồng chí cùng phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng cộng sản chủ nghĩa dựa trên đấu tranh tự phê bình và phê bình, có lý có tình, trong tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, có sự tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Văn hóa Đảng còn thể hiện ở tình cảm quốc tế trong sáng, vốn là một phẩm chất đặc biệt của Đảng cách mạng mang bản chất giai cấp công nhân. Tư tưởng Hồ Chí Minh hội tụ đầy đủ các giá trị sống để sớm trở thành một giá trị văn hóa phổ quát, giá trị văn hóa có tính định hướng đạo đức chính trị, giúp cho Đảng ta thực sự là Đảng của nhân dân, của dân tộc, của giai cấp vô sản chân chính.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và lối sống, cũng đồng thời là xây dựng văn hóa Đảng, làm cho Đảng đạt tới trình độ khoa học cao, làm chủ lý luận, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn cách mạng. Đấy cũng là kim chỉ nam cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhờ vậy, suốt 91 năm qua, Đảng đã đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện được đội ngũ cán bộ, đảng viên tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Với tất cả sự khiêm tốn của người Cộng sản, chúng ta vẫn có quyền tự hào “Đảng ta vĩ đại thật”. Nhựa sống làm nên sự bất diệt và niềm vinh quang của Đảng trước hết là do văn hóa chính trị của Đảng luôn toát lên mối quan hệ gắn bó máu thịt với Tổ quốc và nhân dân.
Thế kỷ XXI, khi cách mạng nước ta hòa cùng dòng chảy thời đại là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quyết tâm của toàn Đảng là sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc. Để biến quyết tâm chính trị này thành hành động và đạt hiệu quả thực tiễn, Đảng cần tạo được bước đột phá mới về lý luận và đổi mới mạnh mẽ công tác tư tưởng của Đảng. Để cho Đảng ta ngang tầm với nhiệm vụ, tổ chức Đảng và mỗi đảng viên phải tự mình nâng cao năng lực trí tuệ và trình độ khoa học, bản lĩnh chính trị và đạo đức cách mạng. Xét đến cùng đó chính là bồi đắp và nâng tầm phông văn hóa chính trị của Đảng, lấy đó là ánh sáng “soi đường cho quốc dân” đi tới mục tiêu dân tộc hùng cường.
Hơn lúc nào hết, di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức và văn hóa Hồ Chí Minh cần được khai thác, vận dụng sáng tạo trong Đảng, trong xã hội, trở thành bệ đỡ góp sức xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Xây dựng văn hóa, giáo dục và thực hành văn hóa trong Đảng theo tư tưởng, văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh cần phải làm cho mỗi đảng viên và toàn Đảng trong sạch, vững mạnh hơn, thực sự đem lại cho quần chúng cảm nhận thực tế: “Việc của Đảng cũng là việc của dân”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.