(HNM) - Nhìn đi xét lại, về bản chất thì hành động thái quá của
Với âm nhạc, họ thích "xem", dù phải nghe mới "thủng" là "sao" của mình hay - dở mức nào. Rõ ràng đã đến lúc gia đình, nhà trường và những nhà quản lý, hoạt động nghệ thuật cần có sự can thiệp trước thảm cảnh giới trẻ điên cuồng vì các "ông sao, bà sao" mà chẳng biết tại sao.
Nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam trong một buổi giao lưu với các em học sinh Trường THPT Xuân Đỉnh (Hà Nội). Ảnh: Việt Cường |
"Quản" từ đâu?
Quản lý, ngăn cản, hạn chế hoạt động của fan hay FC là một việc làm phi lý. Bởi hâm mộ, coi ai đó như thần tượng là nhu cầu, là quyền được có của mỗi người. Nhưng nguy cơ xảy ra "thảm cảnh" ở mức độ lớn hơn, sau những hành động quá khích của một bộ phận không nhỏ FC là có thể, nếu không có giải pháp kịp thời.
Một chương trình truyền hình trực tiếp mà fan quá khích ném chai lọ, "vật thể lạ" tới tấp lên sân khấu thì sẽ không thể thực hiện trọn vẹn, nhà đài phải "cắt sóng", khán giả truyền hình tất nhiên khó chịu. Rồi các fan chen lấn để gặp thần tượng, có thể xô đạp lên nhau gây tai nạn đáng tiếc. Cũng dễ xảy ra thái độ dọa dẫm hay sự xô xát giữa các fan với nhau, giữa fan với "sao" đối thủ ở mức độ quyết liệt hơn…
Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD - Bộ VH,TT&DL) Vương Duy Biên cho rằng, về mặt pháp lý thì Cục không có quyền kiểm soát những đối tượng này. Thậm chí, tình trạng mất trật tự cũng không nằm trong quyền xử lý về mặt hành chính của Cục NTBD, mà là trách nhiệm của đơn vị tổ chức, các cơ quan quản lý, giữ gìn trật tự. Nhưng trước tình trạng "fan cuồng", mà theo ông Vương Duy Biên là "đáng lo ngại", Cục NTBD sẽ có những đề xuất, cân nhắc để cho phép đoàn nào và không cho phép đoàn nào biểu diễn: "Chúng tôi không cấm, nhưng sẽ cân nhắc thời điểm để cho phép những đoàn nghệ thuật hoặc nghệ sĩ có khả năng gây "sóng" đến biểu diễn, nhằm hạn chế tối đa tình trạng hỗn loạn".
Song, theo ông Vương Duy Biên, đó chỉ là giải pháp tạm thời và về cơ bản, nó cũng khó có thể giúp kiểm soát tình hình. Mục tiêu lâu dài của Cục NTBD là nỗ lực tổ chức các chương trình nghệ thuật chất lượng cao, cho khán giả "ăn" nhiều món ngon, lành mạnh hơn để họ đi vào chiều sâu thưởng thức. Ví dụ như mời những đoàn nghệ thuật nổi tiếng thế giới về giao hưởng thính phòng, jazz, pop, rock, ballet… đến biểu diễn; tổ chức các liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp miễn phí cho người xem… Một dự án mà Cục NTBD phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc đang thực hiện là "Sân khấu học đường", đưa các bộ môn nghệ thuật truyền thống vào nhà trường. Nhà báo Trần Đức Thọ nhận xét: "Hơn 20 điểm trường đã phát huy rất tốt. Nhìn học sinh cấp hai, cấp ba say sưa tập kịch, hát chèo, ca cải lương, quả thật là những người làm nghệ thuật cảm động lắm. Rõ ràng, chỉ là chúng ta chưa làm, chưa đưa những môn nghệ thuật lành mạnh để các bạn trẻ tiếp cận thôi, chứ các em rất thích". Tiếc là mô hình này vẫn chưa được thực hiện trên cả nước. Bài học "chấn hưng văn hóa" đã thấy thành công ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… khi người dân đã quay về với nghệ thuật dân tộc. Sao chúng ta chưa quyết tâm hơn?
Xây "gốc" vững bền
Xem ra, những giải pháp mà Cục NTBD đưa ra vẫn chưa thể đương đầu với trào lưu thể hiện sự hâm mộ cuồng nhiệt của fan Việt. Theo TS Nguyễn Thị Minh Thái, nên quay trở về cái "gốc" giáo dục. "Phương pháp giản dị thôi, là hãy dạy con trẻ cách sống, cách ứng xử đúng. Có thể từ những chuyện đã diễn ra, hỏi trẻ xem có nên hôn ghế của thần tượng không, có nên lụy tình mà đánh mất sự tự trọng. Hãy dạy chúng phương pháp tư duy, rằng việc gì nên làm và việc gì không, kể cả trong việc yêu quý thần tượng", TS Nguyễn Thị Minh Thái đề xuất.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TƯ đã nhiều lần đề cập đến việc đưa giáo dục thẩm mỹ vào trong nhà trường nhằm tạo lớp công chúng biết yêu nghệ thuật đích thực. Khi lớp trẻ đã có thể phân biệt được đâu là nghệ thuật lành mạnh, đâu là hư danh, hiểu rõ thế nào là người có cống hiến nghệ thuật đáng trân trọng thì chắc chắn họ sẽ không còn hành động thiếu kiểm soát một cách phi lý nữa.
Cũng không thể quên đề cập tới vai trò của gia đình trong việc giáo dục con cái. Thực tế, không ít các ông bố, bà mẹ đang là cán bộ, công chức ở các thành phố lớn hay là những gia đình có kinh tế vững vàng ở các tỉnh, thành đã "ngã ngửa" khi thấy những đứa con yêu quí, hiền lành, chăm ngoan của mình khóc lóc thảm thiết vì không có được tấm vé, bỏ cơm, bỏ học vì thần tượng của mình không được giải thưởng, hét toáng lên trong đêm vì biết tin thần tượng của mình không đến diễn ở Việt Nam nữa… Hiểu rõ những hành động, những xúc cảm điên dại của con, các vị phụ huynh chính là những người sâu sát nhất, có thể ngăn cản con em mình tham gia vào những hoạt động thái quá. Không ít những cuộc tụ tập của FC, những bàn tính đi đón thần tượng của nhóm "fan cuồng"… đã được phụ huynh can thiệp, ngăn chặn kịp thời. Song, sự ngăn cấm chỉ là giải pháp chữa cháy, không thể bằng việc phụ huynh dành nhiều thời gian cùng con trẻ tận hưởng nghệ thuật lành mạnh, giúp chúng nhận rõ hay - dở. Có thế, cùng sự nâng cao chất lượng nghệ thuật thì may chăng, sau này, chúng ta không còn phải hoảng hốt trước làn sóng "fan cuồng".
***
Hiện tượng giới trẻ điên cuồng vì thần tượng còn gợi cho chúng ta một câu hỏi lớn và đáng lưu tâm hơn nhiều: Phải chăng, trong cuộc sống hiện tại không có nhiều giá trị nổi bật, đủ để giới trẻ tôn sùng, say sưa, ngoài hát hò, phim ảnh? Liệu là các ngành y, vật lý, toán, văn học, sinh, hóa, nhân loại học, lịch sử, luật… có cảm thấy tủi thân? Nếu giới trẻ cứ "một lòng" đắm đuối với những chiêu trò giải trí thì tương lai của họ và tương lai đất nước sẽ tới đâu?...
Ra sao và như thế nào nếu chúng ta không tìm ra "phao cứu sinh" cho một vấn đề không còn mới nữa?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.