(HNM) - Thực tế cho thấy, Hà Nội rất thiếu những khu vui chơi rèn luyện thể chất dành cho trẻ em. Nhưng không thể vì lý do này mà cộng đồng xã hội và gia đình không tìm giải pháp giúp các em nhỏ có những ngày hè khỏe, vui và hấp dẫn.
Nơi thiếu đất, nơi thiếu vốn
Mới đầu hè nhưng khu vui chơi thể thao - giải trí ngoài trời ở Công viên Nghĩa Đô, Công viên Cầu Giấy… luôn quá tải, đặc biệt vào những khung giờ cao điểm. Hà Nội không có nhiều, thậm chí có thể nói là rất hiếm những khu vui chơi thể thao miễn phí cho trẻ em, dù rằng Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Quản lý duy tu hạ tầng đô thị (UBND quận Cầu Giấy) Lê Văn Thu từng chia sẻ kinh nghiệm về cách triển khai xã hội hóa đầu tư các khu vui chơi cho trẻ em này. Rằng, UBND quận Cầu Giấy đã huy động nguồn vốn xã hội hóa với hơn 8 tỷ đồng để tạo nên những khu vui chơi thể thao cho các em nhỏ với tiêu chí an toàn, gần gũi, lành mạnh, bổ ích. Rằng, đa phần công trình, thiết bị đều được nhập khẩu từ Nhật Bản, bảo đảm bền, đẹp, an toàn và thích hợp cho trẻ em rèn luyện sức khỏe…
Vì sao mô hình hiệu quả này vẫn chưa thể nhân rộng ra nhiều địa phương khác? Có nhiều nguyên nhân, nhưng trực tiếp nhất là việc địa bàn có khả năng huy động vốn đầu tư thì không có đất, địa bàn có đất thì thiếu vốn! Thêm nữa, không thể không kể đến trách nhiệm, sự quyết liệt của chính quyền địa phương trong chuyện này.
Hà Nội cũng có những khu vui chơi rèn luyện thể chất dành cho trẻ em có mái che, nhưng hầu hết chỉ ở quy mô nhỏ trong các trung tâm thương mại lớn, hoặc khu đô thị mới. Còn ở các khu chung cư cũ và địa bàn dân cư, tình trạng thiếu khu vui chơi, hoặc diện tích hiếm hoi này bị chuyển đổi mục đích sử dụng diễn ra phổ biến. Năm 2012, cuộc khảo sát lớn về hệ thống thiết chế VHTT trên địa bàn Hà Nội cho thấy những con số "giật mình": Các trung tâm TDTT của xã, phường, thị trấn đều chưa có đủ các công trình thiết yếu, cơ bản phục vụ cho nhu cầu TDTT của dân cư. Tỷ lệ trung tâm TDTT có sân tập thể thao chỉ là 52,1%, có nhà luyện tập là 27,4%, có sân chơi trẻ em chỉ… 5,2%! Có 43,3% thôn, tổ dân phố có sân tập thể thao, nhưng đa số được xây dựng cách đây hơn 10 năm, phần lớn là nhà cấp 4 và cấp 3 trở lên, trong đó chỉ 7,3% sân tập ở thôn, tổ dân phố có dụng cụ thể thao.
Từ đó đến nay, gắn với nhu cầu phát triển của xã hội và phong trào xây dựng nông thôn mới, chắc chắn vấn đề này đã có những biến chuyển đáng kể. Nhưng dù có tăng gấp nhiều lần, tỷ lệ sân chơi cho trẻ em ở khu dân cư vẫn là quá thấp. Chuyện thiếu chỗ chơi là tất yếu!
Từ một chủ trương đúng
Với thực trạng như vậy, yêu cầu tiên quyết là phải có bước chuyển trong việc xây dựng thiết chế TDTT tập trung ở xã, phường, thị trấn và điểm dân cư (thôn, tổ dân phố) nhằm bảo đảm cho cộng đồng dân cư, đặc biệt là các em nhỏ, có thể tiếp cận dễ dàng thiết chế TDTT, có điều kiện để hoạt động TDTT, qua đó đẩy mạnh phát triển thể chất, vui chơi lành mạnh dịp hè.
Trao đổi với Báo Hànộimới, Trưởng phòng TDTT quần chúng - Sở VH&TT Hà Nội Đinh Văn Luyến từng nhấn mạnh giải pháp mở rộng không gian cho các hoạt động TDTT quần chúng ở nơi công cộng, ưu tiên dành các diện tích đất xen kẹt cho các hoạt động TDTT và nơi vui chơi, giải trí cho trẻ em. Do vậy, cần tăng cường phối kết hợp với liên ngành trong việc bố trí đất thuộc các công trình công cộng (công viên, khoảng đất trống trong các khu chung cư, khu đô thị…) cho hoạt động TDTT và đầu tư trang thiết bị, dụng cụ phổ cập cho các hoạt động TDTT quần chúng tại cộng đồng. Hai năm nay, chủ trương này đã được triển khai tích cực, nhiều công viên trên địa bàn Thủ đô đã được trang bị những dụng cụ thể thao cộng đồng rất hiệu quả, điển hình là quận Long Biên.
Mô hình này rất cần nhân rộng, bởi như HLV Đỗ Thùy Giang - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Thể dục, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội thì: "Những bài tập đơn giản với dụng cụ nhỏ, phù hợp với trẻ em như cầu thăng bằng (được mở rộng bề mặt, thấp), hoặc xà đơn, xà kép, xà lệch (được bố trí thấp ngang tầm với các em nhỏ) rất hiệu quả cho sự phát triển hệ thần kinh, miễn dịch, cơ xương khớp của trẻ em".
Đây là việc trong tầm tay, bởi khảo sát của Sở VH&TT Hà Nội cho thấy có đến 51,2% người được hỏi sẵn sàng đóng góp tiền, 71,5% sẵn sàng góp ngày công để hỗ trợ xây dựng khu thể thao riêng tại địa phương. Cùng với đó, những mô hình hiệu quả trong việc tổ chức sân chơi cho trẻ em trong thành phố như hoạt động của nhóm Think playgrounds cũng cần tiếp tục nhân rộng. Nhóm này đã kết hợp cùng các nhóm tình nguyện khác huy động nguồn xã hội hóa ở mức độ nhỏ, thi công các sân chơi nhỏ, phối hợp với cộng đồng dân cư tạo ra không gian vui chơi cho con em mình.
Đó là những giải pháp dài hơi, còn trước mắt, cả 30 Trung tâm TDTT quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đều đã xây dựng kế hoạch hoạt động hè với mục tiêu thông qua hoạt động TDTT tạo thói quen rèn luyện thân thể thường xuyên cho các em thiếu nhi. Hầu hết các trung tâm đều có những lớp phổ cập bơi miễn phí, tuy quy mô còn nhỏ lẻ. Trường Thể thao Thiếu niên 10-10 như mọi năm, tiếp tục tuyển sinh 18 môn thể thao, trong đó nổi bật nhất là bơi, cờ vua, bóng đá và các môn võ với mức kinh phí chỉ từ 600 đến 800 nghìn đồng cho cả 3 tháng hè (riêng môn bơi 1,6 triệu đồng/3 tháng). Rất nhiều trung tâm thể thao tư nhân hoặc doanh nghiệp chiêu sinh các môn bóng đá, bóng rổ, bơi, tổ chức các trại hè, festival bóng đá…
Thông điệp "nói không với nghỉ hè trong "lồng kính", hoặc "đừng bỏ quên trẻ trong chính ngôi nhà của mình" đang được lan rộng trên các trang mạng xã hội. Dù rằng "con nghỉ hè nhưng bố mẹ không được nghỉ", nhưng với tâm thế chung vì sự phát triển lành mạnh của con trẻ, mỗi gia đình cần chủ động tìm kiếm thông tin, chọn phương án thích hợp hoàn cảnh để bố trí, hỗ trợ con em mình có những ngày hè vui, bổ ích, sẵn sàng tâm thế bước vào năm học mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.