(HNM) - Những năm qua, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã có rất nhiều đợt ra quân xử lý tình trạng đổ trộm phế thải, lấn chiếm đất bãi, bờ sông Hồng để dựng lều lán, xây nhà.
Cách nào xử lý tồn tại kéo dài?
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong năm 2018, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 167 vụ vi phạm dọc tuyến sông Hồng, song mới xử lý được 20 vụ. Trong 3 tháng đầu năm 2019 đã xảy ra 41 vụ, nhưng mới xử lý được 1 vụ. Mặc dù đã có nhiều đoàn kiểm tra cũng như có nhiều văn bản về việc ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm, tuy nhiên vi phạm vẫn tái diễn.
Hiện trường sau khi tháo dỡ lều lán ở gần chân cầu Long Biên, phường Phúc Xá (quận Ba Đình). |
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Hoàng Văn Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, UBND phường Yên Phụ phối hợp với UBND phường Tứ Liên đồng loạt ra quân xử lý vi phạm trên địa bàn. Sau khi cưỡng chế, trả lại nguyên trạng, phường sẽ tổ chức các cuộc họp nhằm xem xét trách nhiệm của từng cán bộ, lãnh đạo chưa làm tròn phận sự. Đồng thời, giao trực tiếp cho cán bộ quản lý đô thị, xây dựng bám sát địa bàn nhằm phát hiện, xử lý các vụ việc phát sinh. “Chúng tôi sẽ đề xuất làm sân thể thao tại khu đất vừa giải tỏa để nhân dân có chỗ vui chơi, thể dục thể thao, hoặc kêu gọi người dân trồng cây, vườn hoa tạo cảnh quan cho khu vực” - ông Sáng cho biết thêm.
Về việc này, ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, hiện UBND quận chỉ đạo các phường, cơ quan chức năng tập trung khắc phục tồn tại, xử lý dứt điểm các vi phạm trên địa bàn. Đồng thời, quận sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, lên phương án bảo vệ, chống tái phạm san lấp sông Hồng. Với vi phạm về trật tự xây dựng, UBND quận sẽ thiết lập hồ sơ và cưỡng chế theo đúng quy định.
Theo ông Nguyễn Dương Hải, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá (quận Ba Đình), thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, từ ngày 15 đến 20-5, UBND phường Phúc Xá phối hợp với phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) đã tổ chức ra quân xử lý các vi phạm về trật tự đô thị, xây dựng, vệ sinh môi trường. Sau khi giải tỏa khu vực 70 lều, lán dựng trái phép ở sau chợ Long Biên, UBND phường tiếp tục vận động người dân, các tổ chức xã hội hình thành một con đường ven sông.
Ra quân đồng loạt, xử lý kiên quyết
Ngày 17-5 vừa qua, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung về việc kiểm tra, xử lý thông tin san lấp trái phép lòng sông Hồng. Trước đó, có thông tin phản ánh của nhân dân về việc tại khu vực đường 11, tập thể F361 (khu vực giáp ranh giữa 2 phường Yên Phụ - quận Tây Hồ và Phúc Xá - quận Ba Đình) xảy ra tình trạng đổ đất, lấn chiếm lòng sông Hồng. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố giao Chủ tịch UBND quận Ba Đình phối hợp với Chủ tịch UBND quận Tây Hồ kiểm tra, làm rõ thông tin; xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm; yêu cầu tập thể, cá nhân có hành vi lấn chiếm lòng sông phục hồi nguyên trạng ban đầu; chỉ đạo điều tra xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Các cơ quan liên quan cần kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân; xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại UBND 2 phường Phúc Xá và Yên Phụ để xảy ra vi phạm (nếu có).
Ghi nhận thực tế tại hiện trường dọc sông Hồng cho thấy, từ ngày 18 đến 20-5, các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng đã đồng loạt ra quân xử lý nghiêm vi phạm theo chỉ đạo của thành phố. Đồng thời, quận Tây Hồ và Ba Đình đã có báo cáo cụ thể với Chủ tịch UBND thành phố trong ngày 20-5 về việc xử lý và xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể khi để xảy ra sai phạm nêu trên. Thực tế, vi phạm tại khu vực đường 11, tập thể F361 là thuộc khu vực giáp ranh giữa hai phường Phúc Xá (quận Ba Đình) và Tứ Liên (quận Tây Hồ). Vì vậy, UBND quận Tây Hồ đã ra quân tháo dỡ lều lán… Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng, quan điểm của quận là khi nào cưỡng chế hết lều lán, nhà cấp 4, nhà kiên cố… xây dựng trên đất bãi sông và di chuyển hết phế thải thì lực lượng cưỡng chế mới rút quân. Đặc biệt, UBND quận sẽ xem xét trách nhiệm của các tập thể và cá nhân liên quan.
Tại quận Ba Đình, từ ngày 18 đến 20-5, lực lượng chức năng phường Phúc Xá cùng hỗ trợ hơn 70 hộ dân tháo dỡ toàn bộ lều, lán phía dưới lòng sông, đoạn sau chợ Long Biên, giáp với phường Phúc Tân. Sau khi giải tỏa, UBND phường đã dựng hàng rào lưới B40 ngăn cách giữa đường đi với bờ sông để chống đổ trộm phế thải, tái lấn chiếm... Cùng thời điểm, UBND quận Hoàn Kiếm cũng chỉ đạo UBND phường Phúc Tân và Chương Dương, phối hợp với các phường thuộc quận Ba Đình tập trung triển khai xử lý, thiết lập hồ sơ vi phạm, thông báo thời gian tiến hành xử lý giải tỏa. Đồng thời, khôi phục bức tường bảo vệ bờ vở sông Hồng nhằm hạn chế nạn đổ trộm phế thải…
Tương tự, tại phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng), thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, từ năm 2018 đến nay, UBND phường liên tục ra quân kiểm tra, xử lý nạn đổ phế thải xây dựng dọc tuyến đê Nguyễn Khoái, bờ sông Hồng giáp Cảng Hà Nội và đoạn ta luy dưới gầm cầu Vĩnh Tuy với khối lượng lên đến 800 tấn. Sau khi xử lý, UBND phường đã cho dựng hàng rào tôn, lưới B40 tại các điểm có nguy cơ cao xảy ra vi phạm. Cùng với giải pháp công trình đã được thực hiện, UBND phường sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm mới phát sinh.
Có thể thấy, sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND thành phố, các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng đã ra quân, kiên quyết xử lý vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng đổ phế thải lấn chiếm lòng sông, bãi sông Hồng đoạn qua các quận nói trên không phải bây giờ mới "nóng", mà đã diễn ra từ nhiều năm nay. Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngoài việc cần có một chế tài đủ mạnh thì quan trọng hơn cả là các địa phương phải coi công tác kiểm tra, xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm là công việc quan trọng, thường xuyên... mới hy vọng chấm dứt được việc san lấp trái phép lòng sông Hồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.