(HNM) - Có thể thấy, Hà Nội là
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: Hoài Nam |
Còn nhiều gian nan
Theo ông Chu Xuân Kiên, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, dù nhiều vụ việc được phát hiện, tuy nhiên, công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng nhái vẫn còn nhiều gian nan. Ngoài những mặt hàng giả sản xuất trong nước là vô số hàng giả, hàng nhái được nhập lậu về. Do vậy, kết quả xử lý chưa thể phản ánh hết thực tế vi phạm.
Một trong những khó khăn đó là hệ thống quy định pháp luật còn nhiều chồng chéo và chưa thống nhất. Chẳng hạn, cùng một khái niệm hàng giả nhưng được quy định tại các văn bản khác nhau, đã vô tình gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong xác định trách nhiệm của người có thẩm quyền xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Công tác giám định về sở hữu trí tuệ gặp khó khăn do thiếu nguồn nhân lực. Hiện nay, chỉ có một giám định viên của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ làm nhiệm vụ, trong khi đó, các kết luận giám định thường mất nhiều thời gian, các cơ quan chức năng lại bị giới hạn thời hạn nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác xử lý vi phạm.
Nói thêm về những vướng mắc, bà Nguyễn Thu Hằng, Tổ trưởng Ngành hàng, chợ Hôm - Đức Viên cho biết, Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389) quận Hai Bà Trưng thường tổ chức kiểm tra nguồn gốc, hóa đơn tại hơn 600 gian hàng ở chợ. Ban Quản lý chợ cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương bán hàng chính hãng, ký cam kết không bán hàng nhái, hàng giả. Tuy nhiên, việc kiểm soát bán hàng giả tại chợ vẫn rất khó vì Ban Quản lý chợ không có chức năng xử lý. Để ngăn chặn thì phải triệt tiêu hàng giả, hàng nhái từ khu vực biên giới hoặc ngăn chặn từ chính các cơ sở sản xuất trong nước.
Ở góc độ cơ sở, ông Nguyễn Huy Cường, Quyền Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) chia sẻ, khó khăn nhất trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả là địa bàn do đội phụ trách rộng (huyện Hoài Đức có 20 xã, nhiều làng nghề) trong khi lực lượng quản lý thị trường chỉ có 15 người. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, địa điểm hoạt động liên tục thay đổi; sự phối hợp của chính quyền từ xã đến thôn với cơ quan chức năng chưa thường xuyên, gây nhiều khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ.
Theo luật sư Quách Thành Lực, Trưởng Văn phòng Luật sư Hà Nội Tinh Hoa, tùy mức độ, người vi phạm có thể bị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Mặc dù mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng giả cao nhất lên đến 100.000.000 đồng, nếu có dấu hiệu hình sự có thể bị phạt tù từ 7 năm đến chung thân nhưng trên thực tế việc phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng sự phức tạp, đa dạng của hoạt động này.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, mức xử phạt vi phạm hành chính khi kinh doanh hàng giả không đủ mạnh để răn đe, các đối tượng sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu đồng để nộp phạt rồi tiếp tục "hành trình" sai phạm, thu lời bất chính. Đứng trước những thách thức này, Cục Quản lý thị trường Hà Nội luôn xác định công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ trọng tâm và đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Cụ thể, Cục chỉ đạo các đội nghiệp vụ ở các quận, huyện, thị xã, địa bàn bám sát tình hình thị trường; chỉ đạo Đội Quản lý thị trường cơ động (Đội 14) kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, ngoài vận động các tiểu thương tại phố Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm) - nơi chuyên buôn bán tem, nhãn, bao bì giả mạo, các lực lượng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm.
Tại một số điểm nóng như chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), làng nghề sản xuất giày dép Phú Yên (huyện Phú Xuyên)... lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Công an TP Hà Nội thực hiện các biện pháp kiểm soát đặc biệt trong dịp Tết. Đồng thời, kiểm soát hoạt động vận chuyển qua các cửa khẩu hàng không, đường sắt để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Được biết, một trong những giải pháp tối ưu để đối phó với nạn hàng giả, hàng nhái là áp dụng mã số, mã vạch vào quản lý hàng hóa. Ngoài việc thanh toán tiền hàng, mã số, mã vạch còn giúp quản lý giá, quản lý chất lượng hàng hóa và hạn sử dụng, phát hiện hàng giả, hàng nhái. Hiện có 23.000 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký sử dụng mã vạch. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm khoảng 6% so với số doanh nghiệp hiện có.
Có thể thấy, công tác đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng nhái không thể đạt hiệu quả cao nếu không có sự tham gia, phối hợp của doanh nghiệp và sự chung tay của cộng đồng. Do vậy, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm, cũng như có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa và chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm nhãn hiệu. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người tiêu dùng trang bị kiến thức “tiêu dùng thông minh” và nhận thức rõ nhiệm vụ trong việc đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vì quyền lợi của bản thân, xã hội...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.