(HNM) - Năm học 2019-2020, Hà Nội tiếp tục đối mặt với việc gia tăng về quy mô học sinh, trong đó số học sinh vào lớp 1 tăng 30.000 em và số học sinh vào lớp 6 cũng tăng khoảng 30.000 em so với số học sinh cuối cấp ra trường.
Giải quyết sớm “điểm nóng”
Để thực hiện mục tiêu không để học sinh thiếu chỗ học trong năm học 2019-2020, ngành Giáo dục Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như điều chỉnh tuyến tuyển sinh, mở rộng cơ sở vật chất trường học... Trong đó, việc tham mưu UBND thành phố đầu tư kinh phí để xây dựng bổ sung trường học hoặc cải tạo, mở rộng cơ sở vật chất trường học được coi là giải pháp hữu hiệu, nhằm giải quyết sớm những “điểm nóng” về quá tải trường học.
Trường Trung học cơ sở Thanh Mai (huyện Thanh Oai) đang trong quá trình xây mới. Ảnh: Thái Hiền |
Tại quận Hà Đông, số học sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2019-2020 tăng khoảng 7.500 em so với năm học trước. Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận cho biết: Công tác dự báo đã được triển khai sớm, bởi vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã tích cực tham mưu cho Quận ủy, HĐND, UBND quận về công tác xây dựng trường học, nhất là tại các địa bàn tập trung đông dân cư. Năm học tới, quận Hà Đông sẽ có 3 trường mới đi vào hoạt động, 5 trường được bổ sung hơn 70 phòng học.
Để giải quyết tình trạng sĩ số học sinh/lớp cao hơn quy định xảy ra phổ biến ở các trường học ở khu vực nội thành, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đề xuất phương án nâng tầng các trường học ở 4 quận thuộc khu vực lõi và đã được chấp thuận. Theo ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tùy thuộc vào điều kiện thực tế và nhu cầu học tập, các trường học được phép nâng tầng so với quy định; chẳng hạn, trường mầm non có thể xây quá 3 tầng, tiểu học quá 4 tầng... Tuy nhiên, các nhà trường phải có phương án bảo đảm an toàn cho học sinh.
Đầu tháng 4 vừa qua, UBND quận Ba Đình đã khánh thành việc cải tạo, xây dựng Trường Tiểu học Việt Nam - Cuba cao tới 6 tầng, 1 tầng hầm, có quy mô 28 phòng học với tổng kinh phí đầu tư gần 80 tỷ đồng. Ông Hoàng Anh Tuấn, phụ huynh học sinh nhà trường chia sẻ: Việc cải tạo, nâng tầng trường học đã tạo thêm không gian cho học sinh học tập, vui chơi, đồng thời cũng đáp ứng nhiều hơn về nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương tiếp tục xây dựng, mở rộng thêm trường học để bớt đi mối lo về thiếu chỗ học.
Sớm điều chỉnh quy hoạch
Sự gia tăng dân số cơ học, quá trình đô thị hóa nhanh và việc chậm trễ trong xây dựng trường học ở nhiều khu đô thị là những nguyên nhân gây áp lực về chỗ học cho học sinh. Để giải quyết tình trạng này, việc tăng nguồn lực đầu tư xây dựng, mở rộng cơ sở vật chất trường, lớp học được xác định vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp trọng tâm của ngành Giáo dục Thủ đô và các quận, huyện, thị xã.
Theo ông Nguyễn Viết Cẩn, chỉ tính từ năm 2016 đến nay, thành phố Hà Nội đã dành hơn 14.000 tỷ đồng để xây mới 194 trường, cải tạo 436 trường học. Để tiếp tục giải bài toán thiếu trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm đầu tư kinh phí để xây mới, cải tạo trường, lớp học; tính toán thêm quỹ đất, kinh phí để đề xuất bổ sung vào kế hoạch đầu tư công 5 năm 2016-2020 ở những nơi thiếu trường, lớp học cục bộ. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã tham mưu UBND thành phố thu hồi các dự án đối với nhà đầu tư cố tình trì hoãn việc đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị; công khai các dự án, các ô đất xây dựng trường học để thu hút cá nhân, doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa nhằm giảm tải cho hệ thống trường công lập.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, với số lượng hơn 2.700 trường học như hiện nay, Hà Nội không thiếu trường, hiện tượng quá tải chỉ xảy ra cục bộ. Các phương án giải quyết quá tải cục bộ đang tích cực được triển khai. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh của Thủ đô, trong đó có sự gia tăng dân số, đòi hỏi phải có giải pháp lâu dài để đáp ứng nhu cầu về chỗ học của học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện, trình thành phố phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Lộ trình xây dựng, cải tạo trường học ở từng địa bàn ra sao, kinh phí đầu tư thế nào, nguồn lực ở đâu... đã được xác định rõ. Chủ trương triển khai quy hoạch giai đoạn tới là tăng đầu tư, ưu tiên cho những khu vực khó khăn, nhất là tại các huyện như: Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Mê Linh… để vừa giảm khoảng cách về điều kiện dạy - học, nâng chất lượng giáo dục ở các địa bàn này, vừa tạo cơ hội hưởng thụ bình đẳng về các điều kiện học tập cho học sinh ở mọi địa bàn.
Trên cơ sở “Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đang triển khai, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các đơn vị liên quan đã rà soát cụ thể, tính toán tốc độ gia tăng dân số, số lượng học sinh ra lớp từng năm để điều chỉnh quy hoạch; chỉ rõ các ô đất xây dựng trường học ở từng phường và có kế hoạch giữ đất; đồng thời, kiến nghị thành phố ưu tiên quỹ đất sau khi di dời các trụ sở cơ quan, bệnh viện… dành cho việc xây dựng, mở rộng trường học.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm 2019, nhu cầu xây mới và cải tạo trường, lớp học trên địa bàn toàn thành phố là 434 trường, hơn nửa số trường này nằm tại khu vực các huyện. Tổng kinh phí đầu tư ước tính khoảng 11.600 tỷ đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.