Nghị quyết và Cuộc sống

Bài cuối: Phát huy vai trò hạt nhân chính trị của chi bộ nông thôn

Nhóm phóng viên 29/10/2023 12:10

Thời gian qua, chi bộ nông thôn luôn thể hiện vai trò là hạt nhân chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo khẳng định, chi bộ nông thôn đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội đi vào cuộc sống; chăm lo hiệu quả việc của Đảng, việc nước và việc dân.

bai5hnm-5-desktop.jpg

- Diện mạo nông thôn của thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến rõ nét; đời sống người dân ngày càng được nâng cao về vật chất và tinh thần. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của các “hạt nhân” là chi bộ Đảng ở nông thôn. Đồng chí có thể đánh giá vai trò của chi bộ nông thôn trong bối cảnh hiện nay?

- Đảng bộ thành phố Hà Nội có 50 Đảng bộ cấp trên cơ sở, với 2.381 tổ chức cơ sở Đảng. Riêng 30 Đảng bộ quận, huyện, thị xã có 1.632 tổ chức cơ sở Đảng và có hơn 2.000 chi bộ thôn.

Từ thực tế của Đảng bộ thành phố Hà Nội cho thấy, chi bộ nông thôn giữ vai trò hết sức quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Chi bộ nông thôn là cầu nối trực tiếp, liên hệ chặt chẽ, gắn bó mật thiết và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân; lãnh đạo, động viên nhân dân phát huy các hình thức tự quản, làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

ongbao1.jpg
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo.

Điểm nổi bật của chi bộ nông thôn trong thời gian qua là vai trò hạt nhân lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng trong xây dựng nông thôn mới.

Hầu hết các chi bộ đã nắm chắc tình hình thực tiễn và mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới của địa phương để lựa chọn vấn đề, nội dung đưa vào nghị quyết lãnh đạo phù hợp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức hội, đoàn thể và đảng viên tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện. Đặc biệt, các chi bộ nông thôn đã phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khơi dậy sức mạnh cộng đồng; phát huy tinh thần trách nhiệm, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, khẳng định vai trò và nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng ở mỗi thôn, xóm để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Một bài học sâu sắc rút ra trong công tác xây dựng Đảng ở khu vực nông thôn, đó là ở đâu chi bộ trong sạch, vững mạnh, thì ở đó các phong trào hoạt động hiệu quả, góp phần làm cho Đảng mạnh, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

- Theo đồng chí, chi bộ nông thôn hiện còn những hạn chế, yếu kém gì?

- Như đã phân tích ở trên, chi bộ nông thôn đã khẳng định, phát huy được vai trò của mình tại cơ sở, song chi bộ nông thôn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém nhất định cần khắc phục.

Thứ nhất, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số chi bộ nông thôn không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ tại cơ sở trong bối cảnh hiện nay.

Thứ hai, còn có những biểu hiện buông lỏng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương; ở đâu đó còn xảy ra sai phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở.

Thứ ba, không ít chi bộ còn để xảy ra mất đoàn kết nội bộ, chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa cao, công tác phê bình và tự phê bình còn chiếu lệ, chưa phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu của cấp ủy Đảng, đảng viên chi bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

- Để tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, xin đồng chí cho biết những giải pháp căn cơ để khắc phục hạn chế, nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của các chi bộ nông thôn, củng cố “nền móng” vững chắc?

- Trước hết, phải thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt chi bộ. Cần thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, bí thư chi bộ.

Một vấn đề cần đặc biệt quan tâm hiện nay là nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Chất lượng sinh hoạt của chi bộ là một trong những yếu tố quyết định sức sống, sự tồn tại, phát triển của chi bộ.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII); Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đều xác định một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những hạn chế, yếu kém của công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng thời gian qua là chưa quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Đề án số 11-ĐA/TU, ngày 6-12-2021 về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới”. Đây là sự cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, thực hiện định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên là tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Phát triển Đảng ở các chi bộ nông thôn cũng là một nhiệm vụ then chốt. Song, nhiệm vụ này đang gặp rất nhiều khó khăn, khi hầu hết đảng viên ở độ tuổi cao; trong khi đó, tầng lớp kế cận là thanh niên thì phần lớn lại đi làm ăn xa. Do vậy, quá trình phát triển Đảng cần chú trọng cả về số lượng và chất lượng, trong đó lấy chất lượng làm chính, bởi sự vững mạnh của đội ngũ đảng viên sẽ giúp chi bộ vững mạnh.

vucducbao.jpg
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo làm việc với huyện Quốc Oai về công tác xây dựng Đảng. Ảnh: Hoàng Sơn.

- Như đã phân tích ở trên, sinh hoạt chi bộ có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ, trong đó có chi bộ nông thôn. Đồng chí có thể chia sẻ những vấn đề chính trong Đề án số 11-ĐA/TU về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới”?

- Ở đâu chi bộ mạnh thì ở đó đảng bộ mạnh. Do vậy, việc nâng cao chất lượng, vai trò của chi bộ nông thôn là vấn đề cấp bách hiện nay. Thực tế đã minh chứng, thời gian qua, nhiều vụ việc, điểm nóng phát sinh đều do cơ sở làm chưa tốt, chi bộ thôn chưa phát huy được vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.

pvbao.jpg
Phóng viên Báo Hànộimới phỏng vấn Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo.

Ðề án số 11-ĐA/TU xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, phạm vi, đối tượng áp dụng và nguyên tắc thực hiện. Trong đó nhấn mạnh đến 6 nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên về vị trí, vai trò của sinh hoạt chi bộ và việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Khi sinh hoạt chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên phải trung thực, thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình…

Thứ hai, thực hiện đúng quy định, nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nâng cao chất lượng điều hành, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ. Trong sinh hoạt chi bộ, cần dành nhiều thời gian cho phần thảo luận, tạo điều kiện để từng đảng viên được phát biểu ý kiến về những nội dung quan trọng, mang tính nổi cộm hoặc những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Người chủ trì cần gợi ý, phân tích, đánh giá đa chiều để đảng viên tập trung thảo luận, thống nhất trước khi kết luận.

Thứ ba, tập trung đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ. Nội dung sinh hoạt cần cụ thể, thiết thực, sát với nhiệm vụ của địa phương. Đối với khu vực nông thôn hiện nay, nhiều đảng viên trẻ đi làm xa cũng cần nghiên cứu thí điểm sinh hoạt chi bộ trực tuyến theo hướng dẫn của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

bao444.jpg
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo

Nội dung sinh hoạt cần cụ thể, thiết thực, sát với nhiệm vụ của địa phương. Đối với khu vực nông thôn hiện nay, nhiều đảng viên trẻ đi làm xa cũng cần nghiên cứu thí điểm sinh hoạt chi bộ trực tuyến theo hướng dẫn của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Thứ tư, nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết (kết luận), tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả nghị quyết (kết luận). Nhiều chi bộ nông thôn hiện nay đưa ra nghị quyết chung chung, không sát với thực tế địa phương. Do vậy, nghị quyết (kết luận) của chi bộ cần xác định đúng vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, gắn với nhiệm vụ của địa phương. Chi ủy, chi bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện; cuối tháng đánh giá kết quả thực hiện.

Thứ năm, quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ chi ủy viên, trước hết là bí thư chi bộ. Đối với khu vực nông thôn hiện nay, vai trò chi bộ, bí thư chi bộ là rất quan trọng và năng lực bí thư chi bộ cần được đặc biệt quan tâm. Theo đó, cấp ủy các cấp cần quan tâm tạo nguồn, củng cố, kiện toàn cấp ủy, nhất là bí thư chi bộ bảo đảm số lượng, chất lượng, có phẩm chất đạo đức, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Đặc biệt, phải thực hiện phân công cán bộ, đảng viên phụ trách hộ gia đình nơi cư trú với các hình thức phù hợp để gắn bó mật thiết với nhân dân. Khi có chủ trương, chính sách, chương trình của trung ương, thành phố đề ra, nhân dân đồng tình ủng hộ, vấn đề được tuyên truyền từ gốc thì sẽ không phát sinh điểm nóng, hạn chế khiếu kiện.

Thứ sáu, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là khối chi bộ nông thôn. Hằng quý, thường trực cấp ủy cấp trên trực tiếp của chi bộ dự sinh hoạt luân phiên ít nhất 1 chi bộ; thường trực cấp ủy cấp huyện mỗi quý dự sinh hoạt với ít nhất 1 chi bộ khó khăn, chi bộ có vấn đề cần quan tâm củng cố… Mỗi năm, mỗi đảng bộ cấp huyện chọn từ 5 đến 10% chi bộ sinh hoạt định kỳ và từ 3 đến 5% chi bộ sinh hoạt chuyên đề để làm điểm chỉ đạo chung. Đặc biệt, phải thực hiện phân công cán bộ, đảng viên phụ trách hộ gia đình nơi cư trú với các hình thức phù hợp để gắn bó mật thiết với nhân dân. Khi có chủ trương, chính sách, chương trình của trung ương, thành phố đề ra, nhân dân đồng tình ủng hộ, vấn đề được tuyên truyền từ gốc thì sẽ không phát sinh điểm nóng, hạn chế khiếu kiện.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nhóm phóng viên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Phát huy vai trò hạt nhân chính trị của chi bộ nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.