Nghị quyết và Cuộc sống

Bài 4: Củng cố cơ sở từ “Chi bộ bốn tốt”

Nhóm phóng viên 29/10/2023 08:56

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong công tác xây dựng Đảng, cái gốc là chi bộ. Phải làm sao cho chi bộ vững để lúc thuận lợi cũng như khi gặp khó khăn, họ biết phát huy thắng lợi, khắc phục trở ngại, vững vàng tiến lên”. Thấm nhuần lời dạy của Người, thời gian qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn chú trọng xây dựng “Chi bộ bốn tốt” để củng cố vững chắc cơ sở, nâng cao chất lượng chi bộ nông thôn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.

cover4.jpg

ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG

Theo Hướng dẫn số 06-HD/TU ngày 18-7-2023 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện mô hình “Chi bộ bốn tốt”, một trong những nội dung trọng tâm là chất lượng sinh hoạt tốt.

box-4-tieu-chi-bai4.jpg

Dự sinh hoạt ở Chi bộ 2, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất vào buổi tối đầu tháng 10-2023, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, nội dung sinh hoạt sát với vấn đề đặt ra tại địa phương, ý kiến đảng viên đều đúng và trúng. Đảng viên Nguyễn Thanh Hải, Chi bộ 2 chia sẻ: “Tôi rất đồng tình với 4 nhóm nội dung chính được Chi bộ 2 đề ra vào nhiệm vụ trọng tâm tháng 10. Đó là, tiếp tục triển khai “Chi bộ bốn tốt”; tập trung chỉ đạo, lãnh đạo về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn; xây dựng thôn kiểu mẫu và các vấn đề phát triển kinh tế”.

Theo Bí thư Chi bộ 2, xã Hương Ngải Nguyễn Văn Hoa, để xây dựng “Chi bộ bốn tốt”, trước hết phải đổi mới chất lượng sinh hoạt và nâng cao tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của mỗi đảng viên. Các nhóm vấn đề đưa ra thảo luận trong sinh hoạt chi bộ phải gắn với thực tế, những vấn đề đang tồn tại ở địa phương. Ban Chi ủy cần nêu cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, tích cực đổi mới. Cùng với đó là thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”; Chỉ thị số 11-CT/HU của Huyện ủy Thạch Thất về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, các đảng viên trong chi bộ phải đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng”…

nguyenvanhoathachthat.jpg
Bí thư Chi bộ 2, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất Nguyễn Văn Hoa tại buổi sinh hoạt chi bộ tối 5-10-2023.

Để xây dựng “Chi bộ bốn tốt”, trước hết phải đổi mới chất lượng sinh hoạt và nâng cao tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của mỗi đảng viên.

Tương tự, buổi sinh hoạt chuyên đề Chi bộ thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai đã tập trung vào vấn đề “nóng” là phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Bí thư Chi bộ thôn Tảo Dương Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, trên địa bàn thôn mấy năm gần đây đều có ổ dịch sốt xuất huyết, trong khi người dân đi làm ăn xa, từ sáng sớm đến chiều tối mới về, không quan tâm vệ sinh môi trường, tiềm ẩn phát sinh nhiều ổ dịch…, nên Chi bộ xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng.

Để đổi mới công tác sinh hoạt chi bộ, bí thư chi bộ phải chuẩn bị tốt và thường xuyên đổi mới nội dung sinh hoạt. Nội dung sinh hoạt định kỳ cần cụ thể, thiết thực, sát với nhiệm vụ của địa phương.

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thạch Thất Đào Xuân Ban

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thạch Thất Đào Xuân Ban cho rằng, để đổi mới công tác sinh hoạt chi bộ, bí thư chi bộ phải chuẩn bị tốt và thường xuyên đổi mới nội dung sinh hoạt. Nội dung sinh hoạt định kỳ cần cụ thể, thiết thực, sát với nhiệm vụ của địa phương. Do vậy, việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt phải thực sự chu đáo, hiệu quả, tránh hình thức. Chi ủy, trước hết là bí thư chi bộ phải xác định đúng những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần lãnh đạo, chỉ đạo. Đảng viên trong chi bộ tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong các buổi sinh hoạt và thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.

Triển khai Đề án số 11-ĐA/TU của Thành ủy Hà Nội về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Oai Nguyễn Nguyên Hùng cho hay, Thanh Oai đặc biệt chú trọng hoạt động của chi bộ nông thôn. Huyện ủy đã xây dựng đề án và triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nông thôn, như: Nâng cao năng lực lãnh đạo của chi ủy, chi bộ và bí thư chi bộ; xác định đúng nhiệm vụ chính trị, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng đối với đảng viên. Đặc biệt là đổi mới phương thức, phong cách làm việc của chi ủy, chi bộ, cùng với việc ra nghị quyết sát với yêu cầu thực tế, cần phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ và kết quả thực hiện. Mặt khác, chú trọng lựa chọn, bố trí bí thư chi bộ đủ phẩm chất đạo đức, năng lực và trình độ, uy tín.

VIDEO: Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Oai Nguyễn Nguyên Hùng.

Từ thực tế ở các địa phương, có thể nhận định, chất lượng sinh hoạt chi bộ là mấu chốt để các chi bộ nông thôn định hướng hoạt động; đồng thời tham mưu cấp trên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là trong giải quyết vấn đề cấp thiết, nổi cộm... Huy động cả hệ thống cùng giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tế hoạt động của chi bộ khu vực nông thôn, qua đó giải quyết những khúc mắc từ khi mới phát sinh, không để trở thành điểm nóng.

NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CÔNG BỘC

Nhiệm vụ trọng tâm, được nhấn mạnh đầu tiên trong xây dựng "Chi bộ bốn tốt" chính là lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; đồng thời cán bộ, đảng viên phải tốt. Đây cũng là nội dung được nhấn mạnh trong nhiều chương trình, chỉ thị của Thành ủy Hà Nội, trong đó có Chỉ thị số 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Chương trình số 01-CTr/TU Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025", Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng từng nhấn mạnh: Trong lãnh đạo, chỉ đạo, từng đơn vị phải thể hiện sự sáng tạo, quyết liệt, sâu sát, kiên trì, đề cao thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; nói đi đôi với làm, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong cả hệ thống chính trị.

Cùng với việc triển khai có hiệu quả Đề án số 11-ĐA/TU ngày 6-12-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới"; Hướng dẫn số 04-HD/TU ngày 6-12-2021 của Thành uỷ Hà Nội về thí điểm sinh hoạt chi bộ thôn, tổ dân phố theo tổ đảng ở khu dân cư, khu chung cư, khu đô thị mới có đông đảng viên..., Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng cán bộ các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”.

xuanminh-chutich-ttin.jpg
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh.

Có những thời điểm 12h đêm lãnh đạo huyện vẫn cùng chính quyền thôn, xã nắm bắt, phân tích tình hình để cùng tuyên truyền, vận động người dân tham gia ủng hộ bàn giao mặt bằng.

Để xây dựng “Chi bộ bốn tốt” thì việc nâng cao trách nhiệm công bộc của người đứng đầu các cấp Đảng ủy và đảng viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chia sẻ về câu chuyện này với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết, đồng hành cùng chính quyền thôn, xã trong việc giải quyết các vấn đề, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế tại địa phương, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy luôn xác định sâu sát với cơ sở. Chỉ riêng với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, có những thời điểm 12h đêm lãnh đạo huyện vẫn cùng chính quyền thôn, xã nắm bắt, phân tích tình hình để cùng tuyên truyền, vận động người dân tham gia ủng hộ bàn giao mặt bằng.

Về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức cho rằng, các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu cần nâng cao nhận thức, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, bảo đảm biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất tốt, gương mẫu, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ được giao phụ trách các đảng bộ, chi bộ cơ sở nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác hướng dẫn, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị, hướng dẫn của Thành ủy; nghị quyết, kế hoạch của Huyện ủy và chương trình hành động của UBND huyện để kịp thời cùng với chi bộ nông thôn giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở.

Không chỉ từ cấp trên, tinh thần đổi mới, trách nhiệm tiên phong của người đứng đầu cũng phải thể hiện ngay tại các chi bộ nông thôn. Bí thư Chi bộ thôn Mạch Lũng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh Cao Thị Huệ đặt vấn đề: Chi bộ có 104 đảng viên, trong đó có 37 đảng viên già yếu và một số đảng viên trẻ đi học. Vậy, làm thế nào để phát huy hiệu quả tiên phong, dẫn đầu của chi bộ, tạo lòng tin đối với người dân luôn là trăn trở của chi ủy.

Cùng với kỹ năng và kiến thức, các đồng chí tham gia chi ủy cần tiên phong trong các hoạt động, làm gương cho đảng viên, khéo léo trong công tác dân vận, qua đó tạo sự đồng tình, đồng thuận ủng hộ của người dân. Đây là chìa khóa của thành công. Đảng bộ huyện Đông Anh luôn băn khoăn lo lắng, bởi thôn Mạch Lũng trước kia vốn là điểm nóng của xã và huyện. Thế nhưng, bằng việc phát huy vai trò của người đứng đầu, nhiều việc khó đã được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, để xây dựng “Chi bộ bốn tốt”, mỗi đảng viên, người đứng đầu cần tích cực học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực công tác của bản thân; không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đặc biệt, cần gương mẫu giữ gìn đạo đức, lối sống, phát huy tính tiền phong của người đảng viên và quan hệ mật thiết với nhân dân…

BÀI TIẾP

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Củng cố cơ sở từ “Chi bộ bốn tốt”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.