(HNM) - Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ để công tác quản lý và thực hiện quy hoạch trên địa bàn Hà Nội thu được hiệu quả cao.
Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quy hoạch, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống cơ sở hạ tầng để tiếp tục thay đổi diện mạo theo hướng văn minh, hiện đại. Ảnh: Trung Kiên |
Cần phân cấp đồng bộ, thống nhất
Luật Quy hoạch đô thị có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Trong luật này, Điều 19 đã quy định rõ thẩm quyền của UBND quận, huyện trong việc lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính quản lý. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn thực hiện nên không ít quận, huyện, thị xã lúng túng khi triển khai. Bên cạnh đó là việc các địa phương chưa thực hiện thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị theo đúng quy định tại Điều 44; chưa ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị theo Điều 60. Nhiều quận, huyện chưa thực hiện quy định tại khoản 3, Điều 3 Quyết định số 48/2006/QĐ-UBND về xây dựng kế hoạch lập quy hoạch chi tiết trên địa bàn thuộc thẩm quyền phê duyệt của quận, huyện để trình UBND thành phố phê duyệt làm cơ sở tổ chức thực hiện.
Việc tổ chức thực hiện và quản lý theo quy hoạch cũng còn nhiều bất cập, trước hết là chưa tổ chức cắm mốc giới quy hoạch ngoài thực địa theo quy định sau khi quy hoạch được phê duyệt (hầu hết chỉ tiến hành cắm mốc giới khi giao đất dự án cụ thể). Công tác lưu trữ, quản lý hồ sơ quy hoạch còn chưa tốt, một số chủ đầu tư không thực hiện bàn giao hồ sơ quy hoạch chi tiết cho địa phương. Cá biệt, có đồ án quy hoạch chính quyền địa phương thiếu hồ sơ gốc để quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng. Công tác bàn giao hạ tầng kỹ thuật ở các khu đô thị cho chính quyền địa phương quản lý còn chậm…
Đặc biệt, việc xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, công trình công cộng như trường học, bệnh viện, khu cây xanh… tại một số khu đô thị triển khai chậm, không tuân thủ theo tiến độ được phê duyệt, nhất là khu đô thị có nhiều nhà đầu tư thứ phát. Cùng với đó, qua giám sát còn xuất hiện tình trạng nhiều quy hoạch được duyệt thực hiện dở dang, một số quy hoạch đã nhiều năm không được thực hiện song chậm được rà soát, điều chỉnh làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống người dân (không cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không cấp giấy phép xây dựng…).
Có thể thấy, dù có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng việc triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô còn chậm so với kế hoạch, nhất là việc triển khai lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu đang ảnh hưởng tới tiến độ quy hoạch chung của cả thành phố (hiện mới phê duyệt 10/34 đồ án quy hoạch phân khu). Thực tế, do chưa được phê duyệt bản đồ phân vùng và phân khu quy hoạch nên các quận, huyện đang thiếu cơ sở lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500. Kiến nghị với Đoàn giám sát, nhiều địa phương đề xuất UBND thành phố phân cấp cho cấp huyện được phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 những khu chức năng trong khu vực đã có quy hoạch nông thôn mới; phân cấp cụ thể về lập thẩm định và phê duyệt quy hoạch, quy hoạch chỉ giới đường đỏ. Lãnh đạo các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, huyện Mê Linh đều tự tin khẳng định hoàn toàn có khả năng thực hiện được nhiệm vụ phân cấp như Luật Quy hoạch đô thị đề ra. Trong khi đó, đại diện của Sở Quy hoạch - Kiến trúc lại lo ngại chính quyền địa phương không đảm đương được việc này. Sở cũng dẫn giải do tính phức tạp của các đồ án quy hoạch, do đặc thù phân vùng kiểm soát phát triển đô thị, các khu vực lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng các huyện, thị trấn đều nằm trong ranh giới hành chính nhiều quận, huyện nên UBND các quận, huyện không đủ điều kiện để thực hiện…
Tuy nhiên, theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam: Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị đã quy định rất rõ thẩm quyền của UBND quận, huyện khi lập quy hoạch trong phạm vi địa giới hành chính. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch, nhất là quy hoạch phân khu, thành phố cần sớm phân cấp cho cơ sở.
Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện quy hoạch
Như đã trình bày trong các bài viết trước, công tác quản lý và thực hiện quy hoạch hiện nay là đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của mọi địa phương. Riêng với địa bàn Thủ đô, vấn đề này đặt ra với những đòi hỏi, yêu cầu khắt khe hơn cả về quy mô cũng như chất lượng, tính khả thi trong thực tế của từng quy hoạch cho tới tổng thể quy hoạch toàn thành phố. Những vấn đề chúng ta đã thực hiện được trong thời gian qua về công tác quy hoạch là rất đáng ghi nhận. Điều đó đã có những tác động tích cực tới sự phát triển chung của toàn thành phố, góp phần làm cho Hà Nội "thay da, đổi thịt", hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, đồng thời bảo tồn được những nét truyền thống của một thành phố có bề dày cả nghìn năm văn hiến.
Trong một khối lượng công việc đồ sộ và phức tạp như vậy, việc xuất hiện những bất cập, vướng mắc là điều không thể tránh khỏi. Thậm chí có những vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội mà chưa từng có tiền lệ. Do đó, mấu chốt ở đây là tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả cho công tác quản lý và thực hiện quy hoạch trên địa bàn Hà Nội. Đó cũng chính là mục tiêu xuyên suốt trong đợt giám sát chuyên đề đầu tiên thuộc năm 2013 của HĐND thành phố. Trên tinh thần đó, Đoàn giám sát đã có nhiều kiến nghị quan trọng. Trước hết là việc cần khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Quy hoạch đô thị trên địa bàn Hà Nội, nhất là các nội dung liên quan đến trách nhiệm của UBND quận, huyện, thị xã trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm rõ nội dung, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, rõ chế tài xử lý vi phạm. Đồng thời sớm ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc trên địa bàn và chỉ đạo UBND các cấp thực hiện nhiệm vụ này.
Đặc biệt là cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các quy hoạch cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, hoàn thành quy hoạch phân khu trong năm 2013 theo kế hoạch đề ra. Nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện phối hợp tốt trong việc lấy ý kiến nhân dân, chính quyền cơ sở về các đồ án quy hoạch, bảo đảm tính đồng bộ của quy hoạch xây dựng với quy hoạch chuyên ngành, sự khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Xây dựng phân kỳ đầu tư thực hiện quy hoạch; chỉ đạo các ngành, các quận, huyện chú trọng công tác điều chỉnh quy hoạch, rà soát thật kỹ việc điều chỉnh các công trình công cộng, công trình xã hội sang xây dựng nhà ở trong khu vực nội đô. Tập trung rà soát các quy hoạch đã có, không khả thi, chậm thực hiện theo đúng quy định của luật, kịp thời điều chỉnh bảo đảm quyền lợi chính đáng người dân trong khu vực quy hoạch. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình công cộng trong các khu đô thị. Kiên quyết xử lý thu hồi quyết định giao chủ đầu tư, thu hồi đất đối với những chủ đầu tư chậm thực hiện dự án theo quy hoạch, vi phạm Luật Đất đai…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.