Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Lợi ích của bệnh nhân - Mục tiêu cao nhất

Việt Tuấn| 29/04/2014 06:13

(HNM) - Phải có lợi nhuận thì doanh nghiệp mới đầu tư nhưng uy tín của bệnh viện chính là điều cốt yếu thu hút người bệnh. Dù vậy, kết quả xã hội hóa trong bệnh viện công lập trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, hầu như lợi nhuận thu được nghiêng về phía đối tác, một số bệnh viện còn yếu trong thỏa thuận...


Bệnh viện "lép vế" trước đối tác

Kết quả giám sát 4 loại hình gồm bệnh viện cấp I, cấp II, bệnh viện tự chủ tài chính toàn phần và bệnh viện chuyên ngành đều cho thấy tỷ lệ chia lợi nhuận nghiêng về đối tác. Cụ thể, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, trong số 14 đề án phân chia tỷ lệ, đối tác hưởng 60-85% tổng thu sau khi trừ chi phí; tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, đối tác hưởng 70%; tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, đối tác hưởng 50%; tại Bệnh viện Tim Hà Nội, đối tác hưởng 70%; tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình đối tác hưởng 50%… Điều này cho thấy sự thiệt thòi của các bệnh viện, trong khi bệnh viện có tài sản cố định như đất đai, phòng ốc, thương hiệu và cả nhân lực.

Khám, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Hà Nội. Ảnh: Hồ Như



Theo Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội Vũ Thị Thanh: "Việc phân chia lợi nhuận 50-50 là có lợi cho bệnh viện, cũng phải khó khăn lắm mới đàm phán được tỷ lệ như vậy". Nhưng qua rà soát thực tế, nếu bệnh viện tính hết khấu hao tài sản cố định, thương hiệu của bệnh viện thì lợi nhuận cao lại thuộc về nhà đầu tư. Bởi họ chỉ mang máy đến đặt, bệnh viện phải bố trí phòng ốc, nhân lực và các chi phí khác, trong đó thương hiệu bệnh viện mới là cốt yếu để thu hút bệnh nhân. Nếu so sánh, cũng là máy đó đặt ở bên ngoài bệnh viện thì giá trị sẽ khác xa, vì người bệnh không tin tưởng bằng đặt và điều trị trong bệnh viện. Ở Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, triển khai đề án "Dịch vụ khám, chữa bệnh chuyên khoa mắt kỹ thuật cao", đối tác trang bị toàn bộ trang thiết bị, còn phòng đặt máy và các chi phí khác của bệnh viện. Vậy nhưng lãnh đạo bệnh viện khẳng định "bệnh viện không góp vốn" nên giá mỗi ca phẫu thuật chỉ tính phần khấu hao trang thiết bị y tế.

Một thực trạng nữa cho thấy rõ hạn chế trong xã hội hóa tại bệnh viện công lập ở Hà Nội là chưa tách bạch được công - tư. Đối với những bệnh viện công lập không tự chủ về tài chính, nhân lực của bệnh viện được ngân sách chi trả lương và phụ cấp, nhưng làm việc ở bộ phận xã hội hóa, dẫn đến có sự "cạnh tranh" vì thu nhập tăng thêm. Theo lãnh đạo Bệnh viện mắt Hà Nội, bộ phận xã hội hóa không thuê nhân công ngoài nên các bác sĩ, điều dưỡng sử dụng ngày nghỉ, ngày phép, ngoài giờ để thực hiện dịch vụ xã hội hóa, thu nhập tăng thêm của bác sĩ 3 triệu đồng/ tháng, điều dưỡng viên 1 triệu đồng/ tháng. Nói là vậy, nhưng bệnh viện cũng không thể hạch toán, tách bạch lúc nào là công, lúc nào là tư.

Lúng túng trong chỉ đạo, hướng dẫn

Qua đợt giám sát, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đánh giá, chủ trương xã hội hóa trong các bệnh viện công lập đúng, trúng, đã huy động được nguồn lực của xã hội, chăm sóc tốt hơn sức khỏe của nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cán bộ y tế. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng nguồn lực của xã hội; một số đơn vị nhận thức chưa đầy đủ về công tác xã hội hóa; chính sách, thủ tục vẫn còn bất cập; ngành chủ quản vẫn còn lúng túng trong chỉ đạo, hướng dẫn… Kết quả chưa như mong muốn là do công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo chưa quyết liệt; ngành chủ quản hướng dẫn chưa cụ thể, chính sách không đủ và thiếu đồng bộ. Hầu hết đề án xã hội hóa trong các bệnh viện công lập đều không tính khấu hao tài sản cố định của Nhà nước để đàm phán với đối tác và cấu thành giá dịch vụ. Trong khi đó, theo quy định phải thành lập hội đồng đánh giá tài sản, đưa vào tính khấu hao trong xây dựng cơ cấu giá các dịch vụ.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền thừa nhận trách nhiệm về những bất cập trên thuộc về Sở. Tới đây, Sở sẽ rà soát cụ thể, khắc phục những bất cập. Thiết nghĩ, dù xã hội hóa bằng hình thức nào thì đều cần bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, trong đó lợi ích của người bệnh là trung tâm với quan điểm "tất cả vì người bệnh". Điều đó đòi hỏi, công tác chỉ đạo, giám sát, kiểm tra của Sở Y tế phải sát sao hơn, tránh việc đề án đã triển khai nhưng chưa được thẩm định, gây khiếu kiện, đơn thư rồi mới báo cáo, xin hướng giải quyết. Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh cũng khẳng định, tới đây, Thường trực HĐND thành phố sẽ làm việc với UBND TP, tháo gỡ những chính sách còn bất cập để công tác xã hội hóa trong bệnh viện công lập đạt chất lượng cao hơn, thực sự bảo đảm hài hòa các lợi ích, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Lợi ích của bệnh nhân - Mục tiêu cao nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.