(HNM) - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng Văn hóa) có tiềm năng rất lớn về du lịch. Thế nhưng, thời gian qua, các công trình tại tổ hợp này chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn mà còn có biểu hiện xuống cấp.
- Có ý kiến cho rằng, Làng Văn hóa dù đã bước vào giai đoạn khai thác, vận hành nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Với tư cách là cơ quan quản lý, Bộ VH, TT&DL đánh giá thế nào về ý kiến trên?
- Trước hết phải đánh giá hiệu quả hoạt động của Làng Văn hóa ở góc nhìn nào. Làng Văn hóa vừa xây dựng, vừa đi vào khai thác, có nghĩa rằng nó chưa phải là một mô hình đã hoàn chỉnh để khai thác. Trên thực tế, rất nhiều hạng mục công trình, chương trình, dự án của Làng Văn hóa chưa được khởi công và xây dựng. Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Làng Văn hóa sẽ được đầu tư 3.256,8 tỷ đồng, nhưng đến nay mới được đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng, bằng 37% số vốn mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Điều đó nói lên một điều là, Làng Văn hóa chưa được hoàn thành, vì vậy nếu nhìn vào góc độ này thì Làng Văn hóa chưa thể khai thác hiệu quả được. Tuy nhiên, với số tiền đã đầu tư, chúng tôi cũng đánh giá việc khai thác vẫn chưa tương xứng.
Một hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. |
- Vậy trong thời gian tới, Bộ VH, TT&DL có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho Làng Văn hóa, thưa Thứ trưởng?
- Để khai thác hiệu quả hơn và phù hợp với mục tiêu của Làng Văn hóa mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng tôi đã chỉ đạo Ban Quản lý Làng Văn hóa tập trung vào một số việc. Trước hết, tiếp tục hoàn thiện những hạng mục công trình còn dở dang tại hai dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước, đó là hạ tầng kỹ thuật chung và khu làng dân tộc. Với 5 khu chức năng còn lại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là khu vui chơi, giải trí, các khu dịch vụ, nghỉ ngơi, nhà hàng thì phải kêu gọi các nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp hay nói cách khác là phải xã hội hóa. Đến thời điểm hiện tại, ở các khu vực này chưa dự án nào có nhà đầu tư. Đây là một vấn đề rất cấp bách, chúng tôi đang chỉ đạo Ban Quản lý Làng Văn hóa khẩn trương làm việc với các nhà đầu tư và hiện có một số nhà đầu tư quan tâm. Hy vọng trong năm 2016, Làng Văn hóa sẽ tìm được nhà đầu tư đủ tầm và phù hợp. Còn lại ở những khu tương đối hoàn chỉnh, Bộ cũng chỉ đạo Làng Văn hóa tập trung tổ chức khai thác thật tốt, duy trì hoạt động, vừa bảo đảm chức năng, mục tiêu của Làng Văn hóa nhưng cũng làm thế nào để thu hút khách du lịch và có thể thu được một phần kinh phí bù đắp cho hoạt động của Làng.
- Làng Văn hóa có nhiều hạng mục công trình đã được đầu tư, đưa vào khai thác 7-8 năm nay và đã có biểu hiện xuống cấp. Trong thời gian tới, Bộ VH, TT&DL có kế hoạch gì để bảo dưỡng, tu bổ nhằm hạn chế các công trình bị xuống cấp và khai thác các công trình còn chưa hoàn thiện?
- Các công trình xuống cấp vì nhiều lý do. Mục tiêu ban đầu của dự án là lưu giữ, phục dựng và xây dựng những mô hình giống như ở quê hương các dân tộc đó, kể cả vật liệu xây dựng cũng là vật liệu nguyên bản, tranh, tre, nứa, lá cho nên tuổi thọ của chúng không được dài. Mặt khác, khí hậu vùng địa phương Sơn Tây rất khắc nghiệt, nhiệt độ mùa hè cao, nhiều mưa giông..., trong khi đó thời gian thực hiện dự án kéo dài nên nhiều công trình đã thi công được 7 - 8 năm, thì việc xuống cấp là không thể tránh khỏi. Trước khi thực hiện dự án, chúng tôi cũng đã xác định việc phải thay thế chúng sau một thời gian. Để khắc phục tình trạng này, hằng năm, Làng Văn hóa dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước phân bổ để tu sửa, nâng cấp và thay thế. Giải pháp lâu dài là phải tìm những loại vật liệu có khả năng bảo đảm được tính tương đối nguyên bản của nó, song phải có tuổi thọ lâu hơn. Còn trong công tác tu bổ, thay thế, chúng tôi cũng chỉ đạo chặt chẽ, làm theo các quy định của Nhà nước.
- Phát triển các hoạt động du lịch, thể thao phục vụ du khách trong và ngoài nước là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời cũng là cách tạo nguồn thu để cải tạo, nâng cấp các công trình của Làng Văn hóa. Vậy hướng phát triển du lịch của Làng trong thời gian tới là gì? Các sản phẩm du lịch cụ thể?
- Trước mắt, chúng tôi vẫn chỉ đạo Làng Văn hóa tìm mọi cách để kêu gọi các nhà đầu tư vào 5 khu chức năng mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, bởi có dịch vụ thì mới thu hút được khách du lịch. Về sản phẩm du lịch, Làng Văn hóa xác định trước hết phải là sản phẩm du lịch văn hóa, rồi đến ẩm thực, tâm linh, hội nghị, hội thảo...
Chúng tôi cũng đã chỉ đạo Làng Văn hóa kết hợp chặt chẽ với các công ty lữ hành để xây dựng các tour, tuyến hoàn chỉnh; đồng thời làm việc trực tiếp với các đơn vị, trường học, các cơ quan, đoàn thể để giới thiệu bản sắc văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam với học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân viên các cơ quan, tổ chức, trường học đó. Hiện tại, một năm Làng Văn hóa có 3 sự kiện lớn và rất nhiều sự kiện riêng lẻ và sẽ cố gắng tổ chức các sự kiện này sao cho thật hấp dẫn để khách đến Làng Văn hóa không chỉ thực hiện nhiệm vụ chính trị, mà còn tham quan, nghỉ dưỡng một cách đúng nghĩa nhất.
- Trân trọng cám ơn Thứ trưởng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.