Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài ca Trường Sa

Võ Hoài Nam| 15/06/2013 06:20

(HNM) - Đảo kia rồi! Đảo kia rồi! Mọi người cùng reo lên thích thú. Chúng tôi lặng lẽ nhìn mà nước mắt rưng rưng…


Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Ảnh: Võ Hoài Nam


Đất liền và biển đảo gần gũi và không còn ngăn cách. Những cụ già Việt kiều trên 70 tuổi như ông Tiến (Việt kiều ở Pháp), ông Chánh (Việt kiều ở Nhật), ông Thuận (Việt kiều ở Đan Mạch)… từ ngoài nước trở về, hay các nhà sư già trẻ khoác áo cà sa nâu hoặc vàng, có nhiều cụ trên 80… nhưng vẫn minh mẫn lạ thường. Thật khâm phục các cụ tuổi cao sức yếu nhưng đâu quản ngại đảo xa sóng dữ với bao hiểm nguy rình rập… vượt qua tất cả để đến với các chiến sĩ ngoài đảo xa. Các nhà truyền giáo, mục sư, cha cố của 7 giáo phái như đạo Cao Đài, Hòa Hảo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành… hòa cùng niềm vui gặp gỡ với những chiến sĩ hải quân áo trắng sọc xanh nồng mùi muối biển tuổi mới mười chín đôi mươi như tình cha và con, ông và cháu sau bao ngày xa cách. Những đại biểu ưu tú kiều bào đủ lứa tuổi, đủ thành phần công tác, đủ các quốc tịch từ Nga, Nhật, Pháp, Bungari, Hunggari, Séc, Australia, Đức, Ba Lan, Singapore, Mỹ, Thái Lan, Lào, Campuchia… hội tụ bên nhau trong ngày vui chan hòa với các cán bộ và chiến sĩ hải quân mà luôn nghĩ mình được may mắn hơn những người khác chưa một lần ra đảo. Những chàng trai, cô gái trong Đoàn văn công quân khu 5 như bay bổng hơn, đắm say hơn trong những điệu múa, lời ca mang hơi thở của quê hương đến với chiến sĩ hải quân ngày đêm chắc tay súng giữ gìn cho biển đảo quê hương luôn được yên bình. Tôi bắt gặp nơi đây những tình cảm chân thành của tình người xuyên suốt cuộc hải trình. Bởi mọi người cảm thấy như gần gũi thân quen tự bao giờ! Cứ mỗi khi gặp nhau dù ở hành lang tàu hay trong nhà ăn, trên đất đảo, dưới con xuồng tròng trành vì sóng biển khi rời tàu lớn vào đảo hay cả khi hóng gió biển trên mạn tàu… tràn đầy một tình cảm quê hương nồng ấm.

Tôi đã lặng nhìn với bao cảm xúc dâng tràn khó nói khi tận mắt chứng kiến các chiến sĩ hải quân âm thầm bồng súng canh giữ cột mốc chủ quyền từng hòn đảo hay ở những vị trí chốt khác trên đảo nóng như rang với nhiệt độ lên tới gần 40 độ C. Mồ hôi các anh vã ra như tắm, thấm đẫm chiếc áo lính thủy trắng sọc xanh, nhưng vẫn bình thản dõi ánh mắt ra biển khơi. Nóng nung người. Những đảo chìm san hô được xây lên bằng bê tông cốt thép tuyệt nhiên không có một bóng cây xanh như đảo Đá Nam, Tốc Tan B, Tiên Nữ… mà chúng tôi đã đi qua. Xi măng, bê tông cốt thép phơi dưới nắng gắt chẳng khác gì một nồi hơi áp suất xông cái nóng hầm hập lên người. Mồ hôi chúng tôi cũng lã chã như tắm.

Những hòn đảo nhỏ nhoi chơi vơi như cái lô cốt dù được xây lên thành 2, 3 tầng hình tháp này khác hẳn với các hòn đảo khác như: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn… có bóng cây xanh, có đất đai, có nhà cửa, chùa chiền… Phóng tầm mắt ra xung quanh đảo. Chỉ bốn bề sóng nước. Một cảm giác khó nói cứ xâm chiếm. Ở nơi đây họ sống và làm việc như thế nào? Nếu là chúng tôi, liệu có chịu nổi không, dù chỉ vài ngày hay vài tuần chứ nói chi đến vài tháng, vài năm? Đúng như loài cây phong ba mọc bên bờ biển mà chúng tôi được tận mắt chiêm ngưỡng. Rõ ràng, nơi này không có chỗ cho những kẻ hèn nhát.

Kỳ lạ thay, giữa không gian nóng nung người, những luống rau xanh trên những hòn đảo nhỏ vẫn xanh mướt mắt. Chiến sĩ ta tận dụng nước tắm để tưới cây, bởi trong 2-3 ngày họ chỉ được tắm một lần. Nước ngọt - đó là vàng, là kim cương, là quý hơn hết thảy giữa biển khơi xa xôi cách trở. Giữa trưa hè nóng như rang mà rau cải xanh, rau muống, mồng tơi, bầu bí, cà chua, rau thơm, ớt, hành, tỏi… vẫn vươn lên rắn rỏi như những người lính đảo can trường. Chưa hết, lính ta còn nuôi cả bầy gà, vịt, lợn sề ủn ỉn nằm thở đều đều dưới bóng mấy vòm gỗ che sơ sài tránh nắng. Ở những hòn đảo lớn, có cây xanh, có nhà cửa thì lính ta còn mạnh dạn chăn nuôi nhiều hơn, phong phú hơn như có cả bầy bò vàng lim dim nhai cỏ dưới mấy bóng cây bàng vuông xanh giữa trưa hè chói chang. Nói đến Trường Sa thì quả bàng vuông xanh là điều lý thú mà ai một lần ra đảo cũng phải "tìm tòi"… Bởi nó là "đặc sản" chỉ ở Trường Sa mới có. Lạ thế! Tuy nhiên, vì là "đặc sản" nên mới quý hiếm và cũng có lệnh cấm hái, nhằm duy trì nòi giống. Hoa bàng vuông chỉ nở một lần duy nhất về đêm. Một hoa là một quả. Hoa bàng vuông đẹp lạ lùng… Chúng tôi đã may mắn chụp được một bông hoa còn sót lại trong đêm trên đảo Sinh Tồn. Bởi đêm ngủ ở đảo Sinh Tồn là đêm trên đảo duy nhất trong chuỗi hải trình 12 ngày đêm thăm 8 đảo và 1 nhà giàn từ ngày 2-5 đến 13-5-2013 của chúng tôi.

Cũng từ đêm duy nhất được ngủ ở đảo Sinh Tồn này đã để lại trong tôi bao kỷ niệm đẹp về hình ảnh những người lính đảo. Đoàn công tác số 9 khá đông (gần 200 người), nên các chiến sĩ phải nhường giường, quạt máy, mùng mền… cho đoàn, để rồi họ mắc võng nằm dưới bóng cây chịu muỗi cắn… Chúng tôi ngủ muộn hơn mọi ngày dù sáng mai phải dậy sớm. Không ai muốn đi nằm sớm khi mà lính đảo còn phải đập muỗi chan chát bên ngoài. Những dòng tình cảm này của tôi là rất thật, rất chân tình. Bởi tôi cũng đã từng là một người lính.

Mưa trên đảo là niềm vui lớn nhất. Bởi mỗi khi mưa xuống, lính đảo vui cười sung sướng hả hê vì được tắm thỏa thích, được uống nước đến no và điều quan trọng nhất là tích trữ được nguồn nước quý hiếm giữa biển khơi làm của để dành. Nước ngọt, rau hay thực phẩm khác ở đất liền ra đâu phải thường xuyên nên ở đảo những thứ đó đều là hàng xa xỉ. Tôi vẫn cảm thấy có nỗi buồn của kẻ quen sống ở thành phố khi thấy các anh thiếu thốn, gian khổ, dẫu ở nơi này có điện từ pin mặt trời, quạt gió trời, có điện thoại 3G, internet…

Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh những em học sinh tuổi từ 6 đến 9, 10, cả trai lẫn gái tươi tắn hồn nhiên tung tăng bên bờ biển đảo. Những giọng đọc trong các lớp học còn non nớt nhưng lanh lảnh đầy sức sống, hấp dẫn làm ấm lòng bao trái tim yêu nước. Những gia đình dân bám trụ trên đảo như tiếp thêm sức mạnh cho người lính. Tình quân dân nơi này thật nồng ấm xiết bao! Cần phải đầu tư thêm tiền của, sức dân để đảo của chúng ta ngày một mở mang, vững chắc.

Qua hai lần làm Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ anh linh đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo khi đi qua đảo Côlin và tại nhà giàn DK 1 (nơi kỷ niệm các cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ chống chọi với bão tố khắc nghiệt), chúng tôi như thấm thía thêm một niềm tin thiêng liêng: Trời của ta, biển đảo này của ta mãi mãi phải được giữ gìn để không hổ thẹn với các đấng tiền nhân.

Những cánh hoa, ngọn nến, nén hương như lung linh huyền ảo trong đêm đen trên biển cả mênh mông. Những anh hùng liệt sĩ đã hóa thành những ngọn sóng xanh đang ngày đêm vỗ yên bến bờ đất mẹ quê hương. Những giọt nước mắt nóng hổi lăn dài tự bao giờ trên má chúng tôi…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài ca Trường Sa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.