(HNM) - Sau 20 năm được UNESCO trao danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình", Hà Nội đã vươn lên không ngừng và khẳng định bản lĩnh với bước phát triển toàn diện. Trong những kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô. Với hướng đi đúng trong nghiên cứu, đổi mới quản lý và đề xuất các giải pháp, nhiều ứng dụng khoa học đã được đưa vào sản xuất và đời sống, mang lại những hiệu quả thiết thực cho người dân và xã hội.
Những hiệu quả thiết thực
Trong chặng đường 20 năm qua, việc tập trung nghiên cứu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng phục vụ đô thị, du lịch và khu công nghiệp được coi là hướng đi đúng đắn của ngành Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Trong đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao là một điểm sáng.
Nhìn lại hàng chục năm gắn bó với cây nấm, bà Dương Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao vẫn tâm đắc với quyết định chuyển hướng sang ứng dụng công nghệ cao để thay thế quá trình sản xuất truyền thống, phụ thuộc vào thiên nhiên, rủi ro cao, lợi nhuận thấp.
Với công nghệ sản xuất được chuyển giao từ Nhật Bản và sự hợp tác của các nhà khoa học, công ty đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên được cấp giấy chứng nhận mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội. Cùng sự hỗ trợ của thành phố, công ty đã khánh thành nhà máy sản xuất nấm với số vốn đầu tư ban đầu lên tới 3 triệu USD trong năm 2017.
Về thành công này, bà Dương Thị Huệ chia sẻ: "Nếu không có sự quan tâm đầu tư của thành phố trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cũng như quyết tâm áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất của doanh nghiệp, những cây nấm Kinoko sẽ khó có được ngày hôm nay".
Ngoài việc đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, những năm qua, thành phố đã đầu tư phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu cho các bệnh viện, trong đó có những kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện tuyến trung ương và khu vực.
Nhờ đó, nhiều bệnh nhân không còn phải tốn hàng tỷ đồng để ra nước ngoài chữa bệnh. Hiện nay, 100% bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện phẫu thuật nội soi (viêm ruột thừa, u nang buồng trứng, u xơ tiền liệt tuyến, cắt túi mật,...). Các kỹ thuật cao trong lĩnh vực sản phụ khoa, tim mạch, ung bướu, phẫu thuật tạo hình, ghép thận được áp dụng rộng rãi.
Ông Hoàng Đình Công, 73 tuổi, phường Phương Mai, quận Đống Đa, được chẩn đoán ung thư dạ dày cho biết: “Khi phát hiện khối u, gia đình tôi đã có kế hoạch ra nước ngoài để phẫu thuật. Nhưng rồi chúng tôi được biết, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội có hệ thống chụp cắt lớp vi tính hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia tay nghề cao nên đã quyết định lựa chọn nơi này để chữa bệnh. Việc điều trị tại đây đã tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho gia đình”.
Còn trong lĩnh vực công nghiệp, ông Bùi Thanh Nam, Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Hà Nội nhớ lại, cách đây 20 năm, việc làm chủ được những thiết bị của công nghệ CNC (gia công cơ khí bằng thuật toán số với sự điều khiển của máy tính) là một giấc mơ của các nhà gia công tại Việt Nam.
Nhưng giờ đây công nghiệp Hà Nội đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ này. Công ty Nhựa Hà Nội đã sử dụng phần mềm thiết kế chuyên dụng bản quyền và gia công chính xác bằng hệ thống CNC để chế tạo khuôn mẫu nhựa làm các chi tiết chính xác của ô tô, xe máy cung cấp cho thị trường Nhật Bản.
Công ty còn cho ra đời hàng trăm loại sản phẩm nhựa kỹ thuật cao, cung cấp cho các ngành công nghiệp và dân dụng, đáp ứng nhu cầu trong nước, thay hàng nhập khẩu.
Định hướng tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm được Tổng Giám đốc Bùi Thanh Nam nhấn mạnh: "Đây là xu hướng tất yếu hiện nay, khi Hà Nội phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp CNC của cả nước; phát triển công nghiệp gắn với khoa học, công nghệ, các trung tâm nghiên cứu và là nơi thử nghiệm các sản phẩm mới".
Tiếp tục tìm bước đột phá
Bên cạnh việc chú trọng đầu tư khoa học, công nghệ, ứng dụng các nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề bức thiết trong sản xuất và đời sống, Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm phát triển tiềm lực khoa học cũng như hệ thống tổ chức, nhân lực khoa học, công nghệ. Theo Sở Khoa học và Công nghệ, đến nay Hà Nội có hơn 300 tổ chức khoa học, công nghệ ngoài công lập đăng ký hoạt động. Ngày càng có nhiều mô hình viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu trong các tập đoàn, doanh nghiệp, đại học ngoài công lập, bệnh viện ngoài công lập.
Trong đó phải kể đến Trung tâm Nghiên cứu chiếu sáng (Công ty cổ phần Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông), Viện Nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gen (Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec), Viện Thực phẩm chức năng (Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam)...
Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết: Xu hướng công nghệ cao và thông minh đang là hướng phát triển ở các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Thủ đô. Với hướng đi ấy, Hà Nội đã hình thành các khu công nghệ cao, vườn ươm doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, thành phố chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào sử dụng các dự án đầu tư tiềm lực khoa học và công nghệ.
Điển hình là Dự án Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao và Giám định công nghệ được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, khánh thành năm 2015. Dự án Trung tâm Giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội, được triển khai xây dựng tại phường Xuân La, quận Tây Hồ năm 2013. Dự kiến, sau khi hoàn thành, đây sẽ là nơi trưng bày công nghệ và đặt các trung tâm dữ liệu, trung tâm điều hành thông minh của thành phố.
Chia sẻ về chặng đường xây dựng Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình, ông Lê Ngọc Anh cho rằng: Hành trang mang theo của Hà Nội hôm nay đã khác nhiều so với 20 năm trước. Tuy nhiên, để những định hướng sớm trở thành hiện thực, ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô cần tiếp tục có những đột phá mới.
Thời gian tới, hoạt động khoa học và công nghệ thành phố tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể, như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, xây dựng Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đến năm 2030; tham gia triển khai Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020.
Ngành sẽ tiếp tục lựa chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tầm quan trọng, giải quyết các vấn đề nóng, cấp bách như ùn tắc giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý môi trường… làm bước đột phá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.