Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Năng động và trách nhiệm

Nguyên Minh| 29/04/2015 06:40

(HNM) - Chiến tranh đã lùi xa, trên một chặng đường dài 40 năm không ít chông gai, cả dân tộc Việt Nam đã chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, tái thiết đất nước.

Việt Nam không chỉ tự hào có một quá khứ hào hùng, mà thật sự đã trở thành một quốc gia năng động, thân thiện và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Dưới góc nhìn quốc tế, Việt Nam là một câu chuyện thành công về quá trình phát triển, đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong thời gian vừa qua và là một quốc gia đầy tiềm năng trong tương lai.

Thủ đô Hà Nội có nhiều đổi mới và ngày càng phát triển. Ảnh: Trọng Đạt


Nỗ lực không ngừng...

Một dân tộc thà chết, không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ; một dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử không can tâm khuất phục ngoại bang; một dân tộc được hình thành và phát triển trên đất nước hình chữ S bên bờ Biển Đông luôn bị giặc ngoại xâm nhòm ngó, rình rập, xâm lược nhưng sớm muộn kẻ thù cũng bị đánh tơi bời... Một dân tộc gan góc và có bản lĩnh như vậy đương nhiên sẽ chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, để trở thành một quốc gia văn minh, thịnh vượng.

Việt Nam đã viết nên câu chuyện của sự thành công về quá trình phát triển và sự thành công ấy là nỗ lực của cả một dân tộc. Trong chặng đường hòa bình và kiến tạo những giá trị mới của thời kỳ hội nhập quốc tế. Việt Nam đã vượt qua 3 cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng thứ nhất tiềm ẩn từ sau chiến tranh, bùng phát vào giữa và cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Tăng trưởng kinh tế thấp, lạm phát phi mã, có năm diễn ra với tốc độ chóng mặt (lên tới 774,7%), cán cân thanh toán thường xuyên thâm hụt và thâm hụt rất lớn, tỷ lệ nhập siêu cao. Hàng vạn cán bộ, công nhân viên rơi vào cảnh thất nghiệp trá hình... Công cuộc đổi mới với việc phát triển kinh tế nhiều thành phần, xóa bỏ tem phiếu, đổi mới quản lý tiền tệ... chưa đưa đất nước vượt qua khủng hoảng thì Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ. Vốn đầu tư và thị trường xuất nhập khẩu với khu vực bị hụt hẫng, đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng thứ hai và kéo mãi đến năm 1994. Đến năm 1997, đang trên đà phát triển, các nước trong khu vực rơi vào khủng hoảng tiền tệ. Việt Nam đã gánh chịu không ít tác động tiêu cực và trong con mắt của các chuyên gia kinh tế, đây là cuộc khủng hoảng thứ ba.

Vượt qua ba cuộc khủng hoảng trong khoảng thời gian hơn hai chục năm, nhưng điều đáng nói hơn, Việt Nam đã chuyển từ một nền kinh tế thiếu hụt lớn sang một nền kinh tế mà quan hệ cung - cầu đã được cải thiện rõ rệt... và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trong "Tổng quan về Việt Nam" trên website của mình, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá: Công cuộc đổi mới bắt đầu triển khai từ năm 1986 đã đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới với thu nhập bình quân đầu người dưới 100USD, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng 25 năm với thu nhập đầu người lên tới 1.960USD năm 2013... Việt Nam đã hoàn thành 4/10 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và dự kiến sẽ hoàn thành thêm ba mục tiêu nữa trong năm 2015. Hiện nay, tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam đã giảm xuống dưới 10% - từ mức 60% trong thập niên 1990...

Nữ Thủ tướng Na Uy, kiêm Chủ tịch Nhóm vận động phát triển thiên niên kỷ (MDGs) toàn cầu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Erna Solberg trong chuyến thăm Việt Nam gần đây đã nhận định: Những năm qua, Việt Nam đạt được nhiều kết quả to lớn trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ như xóa đói giảm nghèo, nâng cao tiếp cận của người dân với dịch vụ y tế, giáo dục… "Kinh nghiệm từ Việt Nam cho thấy, các mục tiêu phải được xây dựng đi kèm với chính sách, chiến lược và đầu tư. Nhờ kết hợp tốt các yếu tố đó, Việt Nam đã giúp 30 triệu người thoát nghèo trong 20 năm qua, đó là kinh nghiệm để các nước trên thế giới học hỏi" - Thủ tướng Na Uy nói.

...và vị thế đất nước

Từ một đất nước bị tàn phá trong chiến tranh, bị bao vây cấm vận, Việt Nam kiên định đổi mới trên con đường hội nhập cùng kinh tế thế giới. Thực hiện đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế trên tinh thần muốn là bạn với tất cả các nước, Việt Nam đã mở rộng hơn bao giờ hết quan hệ đối ngoại. Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta đã có quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn, các trung tâm chính trị lớn trên thế giới. Việt Nam đã chủ động đối thoại thẳng thắn, thu hẹp khoảng cách và bất đồng, tạo sự đan xen lợi ích, hợp tác cùng có lợi (Việt Nam đã có quan hệ với 169 quốc gia). Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn, tham gia tích cực và đóng góp có hiệu quả vào nhiều cơ chế, diễn đàn hợp tác khu vực và trên thế giới; đồng thời chủ động tham gia đàm phán, thương lượng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế và khu vực.

Nhìn nhận về thành công trong công cuộc đổi mới tại Việt Nam, giới phân tích có chung nhận định: Vị thế trên trường quốc tế ngày càng cao và Việt Nam đang tạo ra những thế mạnh mới để một lần nữa cất cánh. Theo báo cáo "Thế giới năm 2050" của hãng kiểm toán Pricewaterhouse Coopers LLP (PwC), Việt Nam có tiềm năng để trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2014-2050 (có thể đạt nhịp độ 5,3% trong giai đoạn 2014-2050, trong khi mức tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 4%). Cũng theo PwC, không chỉ là quốc gia có lợi thế về chi phí sản xuất rẻ hơn thay thế nước láng giềng Trung Quốc, Việt Nam còn là điểm đến ổn định về chính trị; đồng thời kinh tế Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu của sự bứt phá: Năm 2014, Việt Nam đã vượt qua các đối tác trong khu vực để trở thành nước dẫn đầu trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á về xuất khẩu sang Mỹ.

Cộng đồng quốc tế đánh giá cao những nỗ lực trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như những đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam đối với những vấn đề của khu vực và quốc tế. Liên hợp quốc ghi nhận: Những chiến lược và nỗ lực của Việt Nam đã đưa đất nước từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo khó đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và tăng trưởng nhanh chóng. Tiến bộ đạt được của Việt Nam chủ yếu bắt nguồn từ những cải cách kinh tế được duy trì liên tục, sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới và một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định... Tham dự kỳ họp Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới 132 (IPU 132), bà Rahayu Saraswati, một nghị sĩ người Indonesia nhận định: Tôi cho rằng, Việt Nam đã làm được những điều rất tuyệt vời. Đến Việt Nam lần này tôi đã tận mắt chứng kiến sự phát triển vượt bậc của các bạn, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế đã thu hút được rất nhiều đầu tư. Với môi trường đầu tư thông thoáng, chính sách mở cửa, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội. Với Indonesia, chúng tôi cũng đang tìm kiếm thêm các cơ hội đầu tư ở Việt Nam...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Năng động và trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.