(HNM) - Thanh tra Chính phủ cho biết, đang phấn đấu đến cuối năm 2011 sẽ đề nghị Quốc hội cho phép đưa đề án phòng, chống tham nhũng vào chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông... Thông qua đề án này, sẽ hun đúc tinh thần
Bắt đầu từ nhận thức...
Đó là cam kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Thanh tra Chính phủ khi thực hiện đề án. Theo hai cơ quan này, hiện không phải học sinh, sinh viên nào cũng nghĩ rằng những việc nhỏ như khi đi xe buýt, thu tiền mà không trả vé là… những hành vi tham nhũng. Nhưng nếu được giảng giải họ sẽ vỡ lẽ hành động của mình đang tiếp tay cho "tham nhũng vặt" mà bạn chính là người "hối lộ" nhân viên thu vé trên một phương diện nào đó.
Nhìn rộng hơn, một thực tế dễ nhận thấy nữa là, hầu hết các cơ sở kinh doanh thương mại ở nước ta đều bán hàng không có hóa đơn. Trong khi đó, theo quy định, khi khách hàng mua hàng hóa, dịch vụ có giá trị từ 100 nghìn đồng trở lên thì đơn vị bán hàng phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng. Nhưng người tiêu dùng nói chung vẫn chấp nhận việc làm trái luật này. Do đó, từ chiếc thẻ cào điện thoại mệnh giá vài trăm ngàn đồng đến những đồ nữ trang trị giá đến vài triệu đồng, có khi là chục triệu đồng cũng được mua, bán giống như... mớ rau ngoài chợ. Trong khi đó, thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, bao gồm trong giá thành sản phẩm. Cơ sở kinh doanh chỉ có vai trò là đơn vị đứng ra nộp thuế thay cho người tiêu dùng. Vì vậy, khi "thượng đế" không lấy hóa đơn có nghĩa là đã vô tình tiếp tay cho hành vi gian lận thuế của các cơ sở kinh doanh, Nhà nước thì thất thu thuế, doanh nghiệp "ăn cả hai mang".
Hay một hiện tượng rất phổ biến trong hoạt động mua bán xe máy đó là chủ các cơ sở kinh doanh thường viết hóa đơn thấp hơn giá trị thực tế mà khách hàng phải trả nhằm gian lận thuế. Không ít người vẫn chấp nhận việc làm này, cá biệt có thượng đế còn chủ động đề nghị cơ sở kinh doanh viết hóa đơn với giá thấp nhằm giảm phí trước bạ cho phương tiện. Tuy nhiên, theo Cục Thuế TP Hà Nội, đây là biểu hiện một bộ phận người dân "rỗng" kiến thức. Trên thực tế, nhằm giảm triệt để hành vi gian lận thuế trước bạ, UBND TP đã ban hành bảng giá tối thiểu tính thuế, lệ phí xe ô tô, xe máy, thuế trước bạ được tính căn cứ theo bảng giá này. Vì vậy, người dân chấp nhận cho chủ cửa hàng viết hóa đơn với giá thấp hơn giá thực tế là đã tiếp tay cho hành vi gian lận thuế.
… đến cơ chế
Tham nhũng không thể được tạo thành từ một phía. Người tham nhũng đáng lên án và phải nghiêm khắc bị xử phạt. Nhưng nếu không có người tiếp tay thì tham nhũng đâu có thể trở thành căn bệnh của cả một xã hội. Do đó, việc giáo dục phòng, chống tham nhũng cho thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước đáng là việc làm cấp bách. Nhưng chỉ thế thôi thì chưa đủ. Đấu tranh chống tham nhũng phải được thực hiện đồng bộ cùng một lúc hai khâu: bồi dưỡng văn hóa chống tham nhũng và hoàn thiện cơ chế pháp luật trong lĩnh vực này thì mới hy vọng giảm dần lượng "quan tham". Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến quy chế cụ thể trong bảo vệ, khen thưởng cho người tố cáo tham nhũng đúng. Đây cũng là đề xuất của Hà Nội và nhiều địa phương khác.
Với vốn sống và thâm niên công tác ở cơ quan nhà nước, bà Nguyễn Thị Bình, cán bộ lão thành cách mạng quận Ba Đình cho rằng, đại đa số cán bộ, đảng viên thấu hiểu tác hại ghê gớm của nạn này với đất nước, một số trực tiếp là nạn nhân của tham nhũng, vì vậy họ căm ghét và mong muốn loại trừ nó. Thế nhưng không phải ai cũng dũng cảm chống tham nhũng. Vì kẻ tham nhũng trong mỗi cơ quan, đơn vị thường có bè cánh, nắm bộ máy và các công cụ quản lý, biết nhiều thủ đoạn để xóa tội. Trong tình hình đó, nên chăng cơ quan chức năng chấp nhận phản ánh của nhân dân thông qua thư giấu tên để không sót lọt tội phạm. Bởi ngay trong công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam đã ký kết cũng khuyến cáo các quốc gia thành viên tiến hành biện pháp thích hợp để công chúng có thể thông báo, kể cả dưới hình thức nặc danh, về bất kỳ sự kiện nào có thể được coi là cấu thành một tội phạm. Luật Phòng, chống tham nhũng cũng đã quy định đối với tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ, nhưng nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì có thể được nghiên cứu, tham khảo.
Về lâu dài, Quốc hội ban hành hệ thống luật pháp nhằm tạo hành lang pháp lý cho công dân tham gia công tác phòng, chống tham nhũng. Đối với người đấu tranh, tố cáo tham nhũng cần có quy định cụ thể những biện pháp bảo vệ để họ không bị "chờ được vạ má đã sưng", có cơ chế hỗ trợ họ trong quá trình giải quyết vụ việc, đồng thời khen thưởng xứng đáng những người tố cáo đúng những hành vi vi phạm. Quan trọng hơn là chúng ta phải có một cơ chế công khai, minh bạch về tài sản, thu nhập của các cán bộ có chức có quyền, làm trong lĩnh vực nhạy cảm. Đồng thời huy động sự tham gia giám sát của cộng đồng, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội. Có như vậy, tham nhũng mới có thể dần bị đẩy lùi. Đây là mong muốn của toàn xã hội.
Nhà báo Hữu Thọ:Phòng, chống tham nhũng phải làm từ trên xuống |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.