(HNM) - Người dân thiếu kiến thức pháp luật; việc kiểm soát hoạt động của các công chứng viên tại một số văn phòng công chứng hiện còn lỏng lẻo là một trong những nguyên nhân khiến vụ việc ở Việt Long, Sóc Sơn trở nên phức tạp.
Vắng nhà… vẫn ký được hợp đồng ủy quyền (!?)
Trong bản hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thửa đất số 97, tờ bản đồ 04 của gia đình ông Nguyễn Văn Long và bà Nguyễn Thị Đào (thôn Lương Phúc, xã Việt Long), chúng tôi chú ý đến một nội dung bất thường. Hợp đồng này căn cứ trên hợp đồng ủy quyền do Văn phòng công chứng trung tâm chứng nhận ngày 17-4-2009, theo đó toàn bộ 6 thành viên trong gia đình ông Long đều ký, đồng ý để bà Nguyễn Thị Hậu làm đại diện ủy quyền đối với mảnh đất của gia đình. Tại thời điểm năm 2009, cả bốn người con của ông Long đều đã trên 18 tuổi, nhưng căn cứ hợp đồng chuyển nhượng, chỉ ba người có số CMTND, riêng anh Nguyễn Chung Ngọc là con thứ ba của ông Long, sinh năm 1985, chỉ có giấy xác nhận do Công an xã Việt Long cấp ngày 11-4-2009 (ngày tháng này ghi trong hợp đồng cũng đã bị tẩy xóa, viết lại bằng bút mực).
Nhà đất của gia đình ông Nguyễn Văn Chung (thôn Tiên Tảo - Việt Long) đã bị sang tên sổ đỏ cho người khác chỉ vì “miễn vay được tiền là... ký”. |
Theo nguồn tin riêng của PV, tại thời điểm gia đình ông Long ký hợp đồng ủy quyền cho bà Hậu, anh Ngọc không có nhà. Nhằm hợp thức hóa, bà Hậu đã "đạo diễn" bằng cách mượn một người khác ký thay anh Ngọc trước mặt công chứng viên ngay tại trụ sở UBND xã Việt Long. Để làm rõ sự việc, chúng tôi đã tìm về tận nhà ông Nguyễn Văn Long đang ở trên mảnh đất hiện mang tên chủ sử dụng hợp pháp là bà Nguyễn Thị Vân. Ông và gia đình không hay biết nhà đất của mình đã được sang tên người khác và một mực khẳng định chỉ cho bà Hậu mượn sổ đỏ để vay hộ 10 triệu đồng và đến nay ông vẫn chưa nhận được đồng nào. Sau một hồi được phóng viên giải thích, cuối cùng ông Long đã thừa nhận thời điểm ký hợp đồng ủy quyền cho bà Hậu, con trai thứ 3 của ông là anh Ngọc đang đi vắng, anh Nguyễn Văn Giáp con trai ông Nguyễn Văn Duyệt hàng xóm đã đến trụ sở UBND xã để... ký thay! Chị Nguyễn Thị Hân, con gái út ông Long cũng khẳng định thời điểm này anh Ngọc, anh trai chị, đang công tác tại Huế. Như vậy, căn cứ vào giấy xác nhận của Công an xã Việt Long, anh Giáp đã được "phù phép" thành anh Ngọc. Việc "đóng thế" này đã giúp hợp đồng ủy quyền được hoàn thiện dễ dàng. Vậy trách nhiệm của Công an xã Việt Long, của công chứng viên phòng Công chứng trung tâm và của bà Nguyễn Thị Hậu đến đâu là điều cần được cơ quan điều tra xác minh, làm rõ, từ đó có căn cứ xác định giá trị hợp đồng ủy quyền trên vô hiệu hay không?
Một trường hợp khác, ông Nguyễn Văn Chung và vợ là bà Nguyễn Thị Chung, hộ khẩu thường trú tại thôn Tiên Tảo, xã Việt Long. Khi chúng tôi đến tìm, ông Chung cũng mới "ngã ngửa" khi biết toàn bộ thửa đất số 322, tờ bản đồ 1a gia đình ông đang sử dụng, nay đã thuộc quyền quản lý, sử dụng của người khác. Ông Chung cho biết, một buổi sáng đầu tháng 4-2009, ông được bà Hậu hẹn đến xã làm thủ tục vay vốn sau khi đã nhận sổ đỏ của gia đình. Đến nơi, một người lái xe ôm do bà Hậu cử đến chở thẳng ông đến một nơi chẳng rõ là văn phòng công chứng hay ngân hàng. Một nhân viên bảo ông Chung ký vào một tờ giấy trắng, ghi rõ họ, tên. Xong xuôi, xe ôm lại đưa ông về trụ sở UBND xã. Khi được phóng viên cho xem tận mắt bản hợp đồng ủy quyền do Văn phòng Công chứng trung tâm lập ngày 15-4-2009 với nội dung "ủy quyền cho bà Hậu toàn quyền quyết định" quyền sử dụng mảnh đất của gia đình với đầy đủ chữ ký của hai ông bà, ông Chung thảng thốt kêu lên: "Hôm đó tôi đi một mình, vợ tôi có đi cùng đâu. Mà bà ấy một chữ bẻ đôi không biết thì lấy đâu ra chữ ký?".
Với những cách thức làm việc kể trên, dư luận đang đặt không ít câu hỏi xung quanh trình độ nghiệp vụ và thái độ chấp hành pháp luật của các công chứng viên liên quan đến những vụ việc phức tạp đã xảy ra trên địa bàn xã Việt Long thời gian qua. Và liệu có hay không sự "hậu thuẫn" tích cực của các văn phòng công chứng trong những phi vụ lừa đảo của bà Hậu?
Miễn được vay tiền... là ký!
Trong quá trình tác nghiệp, có điều kiện tiếp xúc với nhiều nạn nhân trong đường dây lừa đảo của bà Nguyễn Thị Hậu, nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã Việt Long, chúng tôi nhận thấy một thực tế đau lòng: Tất cả những người "mắc bẫy" đều có trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật. Trường hợp của bà Vân là một ví dụ điển hình. Là giám đốc một doanh nghiệp lớn có tầm cỡ trên địa bàn huyện Sóc Sơn, song bà Vân lại tin vào những lời hứa của những cán bộ cấp xã với hy vọng sẽ nhận được hợp đồng đấu thầu đoạn quốc lộ 3B đi qua địa bàn xã Việt Long, trong khi việc đấu thầu và lựa chọn nhà thầu phải tuân theo quy định của pháp luật và hoàn toàn không thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp xã. Cũng vì thiếu hiểu biết pháp luật và đặt niềm tin tuyệt đối vào những chữ ký và con dấu của một số cán bộ đại diện đảng ủy, chính quyền và Hội LHPN xã Việt Long mà chỉ trong vòng 1 năm, bà Vân đã hàng chục lần rút trên 31 tỷ đồng trao cho bà Hậu mà không mảy may biết rằng, theo quy định của pháp luật, đảng ủy, chính quyền và công an cấp xã hoàn toàn không có chức năng, thẩm quyền để đóng dấu và ký xác nhận vào những hợp đồng vay tiền và giấy khất nợ. Chưa kể, với vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã, bà Hậu và một số cá nhân trong Hội LHPN xã hoàn toàn không đủ tư cách và chức năng để đại diện cho các hộ dân đi vay tiền, kể cả việc vay vốn của tổ chức tín dụng nhà nước. Tuy việc vay nợ diễn ra trong thời gian dài và bà Hậu liên tục chây ỳ trả từ năm này sang năm khác, nhưng bản thân bà Vân chưa một lần kiểm chứng chuyện có hay không việc Ngân hàng Chính sách xã hội thu hồi vốn của hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Việt Long với số tiền lên tới cả trăm triệu đồng/hộ như trình bày của bà Hậu và một số cán bộ Hội LHPN xã? Chính sự cả tin, thiếu hiểu biết và dễ dãi trong việc cho vay tiền của bà Vân, vô hình trung, đã tiếp tay cho hành vi lừa đảo của bà Hậu với số tiền chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng.
Hay như trường hợp của ông Nguyễn Văn Long mà chúng tôi đề cập ở phần trên. Chỉ hơn một tháng sau ngày cả gia đình ông Long ký vào "Bản khế ước vay tiền ngân hàng" như lời giải thích của bà Hậu, ngày 21-5-2009 mảnh đất của gia đình ông đã được bà Hậu chuyển nhượng cho bà Vân với hợp đồng chuyển nhượng hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng, đến hơn 3 năm sau, ông Long vẫn giữ khư khư tờ "Giấy hẹn trả sổ đỏ" viết tay của bà Hậu với lời hứa sẽ trả sổ đỏ cho gia đình ông vào ngày 20-3-2010 (!?). Còn ông Nguyễn Văn Chung, khi phóng viên hỏi: "Vì sao lại ký vào một tờ giấy trắng mà không nghĩ rằng có thể bị người khác dùng vào mục đích xấu?". Ông trả lời hồn nhiên: "Lúc đó tôi chỉ nghe người ta nói được vay tiền là đã thấy sướng rồi, bảo tôi ký vào đâu tôi cũng ký!"...
Theo Công an huyện Sóc Sơn, sau khi Báo Hànộimới đăng loạt bài điều tra về vụ hàng loạt hộ dân bị thất lạc sổ đỏ tại xã Việt Long, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo công an huyện nhanh chóng vào cuộc, tập trung lực lượng xác minh, làm rõ nội dung báo nêu. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, chỉ tính riêng trên địa bàn xã Việt Long đã có 59 hộ dân bị thất lạc sổ đỏ, tập trung tại 4 thôn Tiên Tảo, Lương Phúc, Tăng Long và Đông Ngàn, trong số đó, 29 trường hợp liên quan đến bà Hậu. Báo Hànộimới sẽ tiếp tục theo sát và cập nhật những diễn biến mới nhất xung quanh vụ việc này để thông tin đến bạn đọc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.