Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Khâu mở đầu quan trọng nhất

Hoa - Dương| 05/10/2022 06:25

(HNM) - Giải phóng mặt bằng - nhiệm vụ số một trong thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được nhìn nhận là khâu khó khăn, vất vả, gian truân nhất nhưng cũng là việc đầu tiên phải hoàn thành tốt nhất. Khí thế dồn tổng lực, tập trung giải quyết dứt điểm từng phần việc cụ thể và lường trước mọi khó khăn phát sinh để phối hợp tìm cách tháo gỡ… đang được thể hiện rõ ở cả thành phố Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên, nơi tuyến đường đi qua.

Lực lượng chức năng đo đạc phục vụ công tác kiểm đếm, giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại thôn 1, xã Song Phương (huyện Hoài Đức). Ảnh: Đỗ Toàn

Chuyển động nhanh, mạnh từ Thủ đô

Là địa bàn có tuyến đường Vành đai 4 chạy qua với chiều dài lớn nhất tại Hà Nội (17,1km), huyện Hoài Đức có diện tích đất thu hồi lớn nhất trong tổng số 7 quận, huyện (khoảng 243,88ha). Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh cho biết, qua trực tiếp làm việc với 13 xã, huyện trên địa bàn đã có được những con số khá đầy đủ phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng: 9.800 hộ gia đình bị thu hồi đất; 300 hộ dân được tái định cư và khoảng 7.800 phần mộ cần di chuyển. Trước khối lượng công việc lớn, chính quyền và nhân dân huyện đều đồng tình, quyết tâm hoàn thành đúng và sớm hơn hạn định thành phố giao.

Ngày 22-9 vừa qua, sau khi được đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội công bố chỉ giới đường đỏ nút giao giữa đường Vành đai 4 với Đại lộ Thăng Long, huyện Hoài Đức đã có cơ sở để hoàn thành việc bàn giao mốc giới, giải phóng mặt bằng tại 10 xã. 3 xã còn lại là An Thượng, một phần xã Đức Thượng và Đức Giang, do nằm trong vùng tuyến từ cầu Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đến quốc lộ 32 hiện đang chờ được UBND thành phố phê duyệt chỉ giới. “Với tiến độ này, dự kiến ngay trong tháng 10-2022, Hoài Đức đã có thể triển khai giải phóng mặt bằng trên toàn địa bàn. Dù diện tích thu hồi lớn nhưng một số xã đều phấn đấu hoàn thành 90% khối lượng vào tháng 6-2023; 10-20% công việc còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 12-2023”, ông Nguyễn Anh thông tin thêm.

Giáp với Hoài Đức, đoạn tuyến Vành đai 4 qua địa bàn huyện Đan Phượng dài khoảng 6,3km. Thị trấn Phùng và 5 xã: Hồng Hà, Liên Hồng, Hạ Mỗ, Tân Hội giải phóng mặt bằng khoảng 41,491ha đất nông nghiệp của 1.314 hộ; 2,083ha đất ở của 141 hộ. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, từ cuối tháng 7-2022, Huyện ủy Đan Phượng đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án đường Vành đai 4. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam làm Phó Trưởng ban Thường trực.

Đáng nói, mặc dù đến nay, huyện Đan Phượng chưa được bàn giao mốc giới, chỉ giới đường đỏ, nhưng với phương châm “đi trước, đón đầu”, Huyện ủy, UBND huyện Đan Phượng đã chỉ đạo các phòng, ban tập trung kiểm đếm để phục vụ giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công, bảo đảm tiến độ dự án đường Vành đai 4 cùng các dự án liên quan, như: Trụ sở làm việc Đảng ủy, HĐND, UBND xã Hạ Mỗ; 2 khu tái định cư trên địa bàn xã Hồng Hà (khu Lò Ngói 3ha), xã Hạ Mỗ (khu Vụng 0,5ha).

Nhằm tạo cơ sở giúp các quận, huyện cắm mốc giới, thống kê toàn bộ số liệu liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, lên phương án đền bù cụ thể với đất nông nghiệp, đất ở, công trình hạ tầng có liên quan…, việc xác lập chỉ giới đường đỏ 5 đoạn trên toàn tuyến thuộc địa bàn thành phố Hà Nội là nhiệm vụ chuyên môn khá thầm lặng, nhưng đầy khó khăn được giao cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội. Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, viện đã phối hợp với các địa phương xin ý kiến cộng đồng dân cư nhằm tạo sự đồng thuận chung. “Viện chủ động dựa trên các thông tin, các loại bản đồ làm chỉ giới các khu vực lân cận đã triển khai từ trước đến nay, các quy hoạch phân khu có liên quan để làm nền nghiên cứu, xây dựng chỉ giới. Với nhiều bản đồ được phóng từ tỷ lệ 1/1000 lên 1/500 theo quy định, cán bộ của viện đều phải kết hợp kiểm tra thực tiễn để bổ sung các công trình mà bản đồ chưa có... Đây là cách làm linh hoạt nhằm rút ngắn thời gian chứ không chờ đầy đủ các điều kiện xác lập thì mới thực hiện”, ông Lưu Quang Huy chia sẻ.

Chung ý chí, đồng quyết tâm

Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt, được Quốc hội, Chính phủ, thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư và đặt ưu tiên số một là hoàn tất giải phóng mặt bằng, khâu đầu tiên nhưng mang ý nghĩa quyết định cho việc triển khai toàn bộ dự án. Biểu thị quyết tâm cao nhất, trong chiều 30-9, Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã tổ chức hội nghị cam kết tiến độ và ký giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh, tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư luôn là điểm mấu chốt trong việc triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt với dự án có khối lượng lớn và có nhiều điểm đặc thù như dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Có thể coi đây chính là chìa khóa quyết định sự thành công của dự án. Từ nhận thức này, thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch phối hợp của 3 địa phương. Mỗi tỉnh, thành cũng đều đã ban hành kế hoạch của địa phương, trong đó phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30-6-2023 để phục vụ khởi công dự án và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31-12-2023.

Lãnh đạo cả 3 địa phương đều đồng thuận, với quy mô và tầm quan trọng của dự án, việc cam kết tiến độ và ký kết giao ước thi đua với 6 nội dung giao ước chung, 3 nội dung thi đua cụ thể trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư có vai trò hết sức quan trọng và cần thiết.

“Tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội do Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban, có sự tham gia của đầy đủ các cấp, ngành. Thành phố Bắc Ninh và các huyện: Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình, nơi tuyến đường đi qua, cũng đều đã thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư và dự kiến hoàn thành việc xác định hướng tuyến, chuẩn bị cắm mốc… trong tháng 10 này”, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn thông tin.

Nêu khó khăn riêng trong giải phóng mặt bằng tại một số khu vực có lịch sử đất đai phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh chia sẻ thêm, tỉnh đã giao cơ quan chuyên môn rà soát, thống kê, đánh giá đầy đủ hiện trạng và sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề của Thường vụ Tỉnh ủy bàn về nội dung này; đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận cao đối với dự án, hạn chế thấp nhất đơn thư và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. 

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc chung tất yếu sẽ phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt với nhiều phần việc đặc thù như khâu giải phóng mặt bằng được tách thành dự án thành phần, nhiều thủ tục trình tự chưa có quy định trong hệ thống quy phạm pháp luật..., Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa kiến nghị Ban Chỉ đạo sẽ duy trì họp thường xuyên, định kỳ, kịp thời chỉ đạo, tạo sự thống nhất giữa 3 địa phương.

Trước vai trò và ý nghĩa đặc biệt của tuyến đường Vành đai 4 đối với việc kết nối giữa Hưng Yên, Hà Nội và các địa phương khác trong Vùng Thủ đô, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cũng khẳng định quyết tâm sẽ triển khai công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ:

Đến ngày 30-6-2023, bàn giao 70% mặt bằng; hoàn thành toàn bộ trước ngày 31-12-2023 để khởi công dự án vào tháng 6-2024.

Như vậy, trong guồng công việc chung đang diễn ra với khí thế khẩn trương, một bản giao ước thi đua đã được ký với tinh thần đồng thuận, quyết tâm cao từ lãnh đạo thành phố Hà Nội và 2 tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên cũng như các thành phố, quận, huyện nơi tuyến đường đi qua. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho ý chí quyết tâm và cả niềm tin vượt qua khó khăn khi bắt tay thực hiện giải phóng mặt bằng, khâu mở đầu quan trọng nhất.

Tổng diện tích đất cần thu hồi để triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là 1.341ha. Trong đó, thành phố Hà Nội cần thu hồi khoảng 741ha tại địa bàn các quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai và Thường Tín. Tỉnh Bắc Ninh cần thu hồi khoảng 326ha tại địa bàn của 3 huyện: Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và thành phố Bắc Ninh. Tỉnh Hưng Yên cần thu hồi khoảng 274ha tại địa bàn của 4 huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ và Văn Lâm.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Khâu mở đầu quan trọng nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.