(HNM) - Bên cạnh những mô hình hay, cách làm hiệu quả phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, tại Hà Nội, vẫn còn không ít cấp ủy chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề này; còn cán bộ, đảng viên chưa làm tốt, thậm chí đi ngược lại trách nhiệm nêu gương. Đó là điều lãnh đạo thành phố luôn trăn trở.
Sự thật đáng lo
Ông Hoàng Mạnh Phú được bầu giữ chức Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ từ tháng 8-2016. Đảm đương vai trò này, ông Phú đã có những đóng góp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thế nhưng trước đó, khi giữ chức Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ (năm 2015-2016), ông đã không làm tròn trách nhiệm nêu gương, vướng vào nhiều sai phạm nghiêm trọng. Trong đó, ông trực tiếp ký 33 quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình, trong khi hồ sơ có nhiều sai phạm. Ông còn ký 2 quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình cho một công ty chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp... Trên cơ sở kết luận kiểm tra thấu đáo, kỹ càng, thuyết phục, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới đây đã quyết định cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Hoàng Mạnh Phú.
Tin Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ đương nhiệm bị cách chức gây sốc cho không ít người. Không khí, tinh thần làm việc của không ít cán bộ, đảng viên huyện Phúc Thọ những tháng gần đây bị ảnh hưởng. Nhưng dư luận cho rằng, đó là mức kỷ luật xứng đáng và cần thiết. Điều đó cho thấy, khi trách nhiệm nêu gương không được đảng viên, nhất là người đứng đầu, thực hiện tốt ngay từ cơ sở sẽ để lại hậu quả nặng nề cho cả cá nhân và cộng đồng. Ông Đỗ Đình Cả (ở thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ) nói:“Cán bộ càng có chức vụ càng phải nêu gương. Đằng này anh Phú đi ngược lại trách nhiệm đó thì bị xử lý là đúng. Nhưng chúng tôi rất buồn, giá như đồng chí ấy luôn nêu cao ý thức nêu gương trong công việc thì đã không sai phạm”.
Cán bộ đứng đầu cấp huyện tại Hà Nội thiếu gương mẫu, mắc sai phạm nghiêm trọng tới mức bị cảnh cáo được công bố từ đầu năm đến nay còn có Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng; Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2019, Ủy ban Kiểm tra các cấp Đảng bộ Hà Nội đã thi hành kỷ luật 18 tổ chức Đảng và 442 đảng viên. Trong đó có 315 trường hợp bị khiển trách, 68 trường hợp bị cảnh cáo, 7 trường hợp bị cách chức và 52 trường hợp bị khai trừ khỏi Đảng. Cũng trong 6 tháng qua, qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, Ủy ban Kiểm tra các cấp thành phố đã kết luận 56 tổ chức Đảng và 94 đảng viên có vi phạm... Tại Đảng bộ Hà Nội, mỗi năm các cấp ủy Đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp phải xử lý kỷ luật khoảng 1.000 đảng viên từ mức thấp nhất là khiển trách đến mức cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng.
Điều đó cho thấy, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, bao gồm cả cán bộ chủ chốt, không những không thực hành, mà còn đi ngược lại trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu tới uy tín của tổ chức Đảng. “Mỗi cán bộ, đảng viên bị kỷ luật đồng nghĩa với việc không thực hiện trách nhiệm nêu gương là một sự đáng tiếc, khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về các cơ chế giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn”, ông Nguyễn Xuân Hải, cán bộ hưu trí ở chung cư CT21B, phường Giang Biên, quận Long Biên nhận định.
Giải pháp tạo ra sự khác biệt
Bên cạnh những trường hợp vi phạm, phải xử lý kỷ luật thì điều đáng trăn trở còn ở chỗ, có những cán bộ, đảng viên thực hiện trách nhiệm nêu gương mờ nhạt, thậm chí né tránh. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, còn có những cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, mặc dù chưa đến mức kỷ luật hoặc chưa đủ cơ sở để xử lý nhưng gây bức xúc trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người cán bộ, đảng viên, uy tín của tổ chức Đảng. Ví dụ cán bộ, đảng viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ; đùn đẩy, né tránh trong công việc, việc dễ thì làm, việc khó thì chối; ứng xử thiếu chuẩn mực ở nơi cư trú... Đó là nguyên nhân khiến việc giải quyết nhiều vấn đề khó, nổi cộm của thành phố còn chậm chuyển biến, như tình trạng khiếu kiện đông người, củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, chậm giải quyết những vụ việc phức tạp về an ninh ở xã, phường, thị trấn...
Trên thực tế, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa gần đây đã ban hành nhiều quy định về trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ, đảng viên. Mới nhất là Quy định số 08-QĐi/TƯ ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương "Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương".
Trước đó, Đảng ta cũng đã có những quy định như: Quy định số 47-QĐ/TƯ ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI "Về những điều đảng viên không được làm"; Quy định số 101-QĐ/TƯ ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư "Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp"; Quy định số 55-QĐ/TƯ ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên"... Tuy nhiên, việc thực hiện trách nhiệm nêu gương ở nhiều nơi, trong đó có Đảng bộ Hà Nội chưa đồng đều, phần lớn phụ thuộc vào người đứng đầu và sự tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên.
Với Quy định số 08-QĐi/TƯ, hệ thống các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên có thể nói là đầy đủ, toàn diện. Nhưng khâu yếu nhất cần khắc phục để tạo chuyển biến trong thực hành trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên so với trước đây là tăng cường tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ cấp ủy, tổ chức Đảng. Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, siết chặt kỷ luật, kỷ cương từ trong nội bộ Đảng; coi Điều lệ như là bộ luật của Đảng. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tới đây cần tiếp tục sửa Điều lệ Đảng theo hướng bổ sung vấn đề giám sát, xử lý kỷ luật, nhất là phải quy định một hệ thống các chế tài mạnh, có sức nặng răn đe đối với cán bộ, đảng viên không thực hiện trách nhiệm nêu gương.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.