Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ

Nhóm PV Nội chính| 10/04/2013 06:46

(HNM) - Năm 2012 là năm thứ 8 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ công bố báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh của các địa phương (PCI).


Chỉ số này phản ánh cảm nhận của hơn 8.000 doanh nghiệp (DN) về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh trong năm 2012 tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dư luận có phần bất ngờ khi Hà Nội đã tụt 15 bậc về chỉ số PCI, từ vị trí thứ 36 của năm 2011 xuống vị trí 51/63 tỉnh, thành phố. Nghịch lý là điều này xảy ra khi Hà Nội đang đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính (CCHC) với mục tiêu tăng 10 bậc về chỉ số PCI trong năm 2012.

Để có kết quả về chỉ số PCI

Chỉ số PCI được thiết kế nhằm đánh giá về môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực CCHC của chính quyền các địa phương để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Nói cách khác, chỉ số PCI chính là "cảm nhận" của các DN tư nhân trong nước được khảo sát, điều tra.

Từ năm 2009, PCI được tính toán dựa trên 9 chỉ số thành phần gồm: Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước; Chi phí không chính thức; Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, thành phố; Dịch vụ hỗ trợ DN; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý. Mỗi chỉ số thành phần lại bao gồm từ 3 tới 17 chỉ tiêu. Với 9 chỉ số thành phần, tổng cộng có khoảng 70 chỉ tiêu.

Tại Hà Nội, chỉ số PCI năm 2012 được tính toán dựa trên kết quả điều tra của 257 DN trong số 90.000 DN còn nộp thuế (tổng số DN đăng ký là khoảng 130.000). Như vậy, kết quả đánh giá PCI của Hà Nội là dựa trên việc khảo sát "cảm nhận" và đánh giá của 0,28% DN dân doanh đang hoạt động, thấp hơn so với tỷ lệ điều tra chung của cả nước là 2,1%. Ở một số tỉnh, thành khác, số các DN tham gia đánh giá còn thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, để có được kết quả đó cũng là không đơn giản. PGS-TS Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI tại Việt Nam cho biết: Nhóm nghiên cứu đã gửi phiếu điều tra đến 1.000 công ty tại Hà Nội (có những công ty phải gửi phiếu điều tra đến lần thứ 4). Tuy nhiên, tỷ lệ đáp ứng chỉ khoảng 26%. Và chúng ta cũng không biết được “cảm nhận” của những DN đã không thể hiện ý kiến đánh giá.

Nêu một vài khía cạnh để thấy Hà Nội có những nét rất đặc thù. Ví dụ như số lượng DN trên địa bàn thành phố chiếm 1/4 (25%) số lượng DN của cả nước. Thu ngân sách của thành phố Hà Nội cũng chiếm khoảng 1/4 tổng thu ngân sách cả nước. Điều đó có nghĩa quy mô, khối lượng công việc các cơ quan thành phố phải thực hiện trong năm lớn hơn rất nhiều lần ở các tỉnh, thành phố khác. Như vậy, đương nhiên các DN sẽ vất vả hơn khi tiếp cận các dịch vụ công và thực hiện các thủ tục hành chính. Nếu như ở nhiều địa phương, mỗi ngày chỉ có vài chục lượt cho tới trên dưới 100 lượt DN tới làm thủ tục đăng ký kinh doanh và mã số thuế, thì ở Hà Nội trung bình khoảng 600-700 lượt, gấp từ 6 tới hơn 10 lần. Ngoài ra, như ý kiến của TS Nguyễn Minh Phong, chiến lược thu hút đầu tư của Hà Nội không khuyến khích thu hút các DN vừa và nhỏ, đặc biệt là các DN sử dụng nhiều đất đai. "Với những trường hợp này, khi được hỏi gần như chắc chắn họ sẽ trả lời không thuận cho Hà Nội".

Một con số khác, Hà Nội hiện có trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư với 2.456 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 21,2 tỷ USD, đứng thứ 3 trên toàn quốc. Thứ hạng này cho thấy, sức hút của Thủ đô vẫn luôn ở vị trí cao.

Một việc quan trọng khác, tháng 7-2011, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Điều đó dẫn đến hàng loạt quy hoạch phải điều chỉnh, thậm chí phải ngừng triển khai. Những DN đó chắc chắn sẽ thất vọng và bức xúc.

Hà Nội có những nét đặc thù. Đó cũng chính là lý do Luật Thủ đô đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ tư với những cơ chế, chính sách dành riêng cho Hà Nội.

Nhìn thẳng vào sự thật

Vừa qua, sau khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ công bố kết quả xếp hạng chỉ số PCI, Hà Nội là nơi được mọi người quan tâm và Hà Nội cũng là nơi lãnh đạo thể hiện một tinh thần nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật để phân tích, mổ xẻ vấn đề. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhìn nhận, bên cạnh những lý do khách quan, chỉ số PCI của Hà Nội thấp trước hết thể hiện sự không hài lòng của các DN đối với chất lượng giải quyết công việc thành phố trong lĩnh vực tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư. Điều đó là có cơ sở khi trong 9 chỉ số thành phần để xây dựng PCI chỉ có 2 lĩnh vực Hà Nội đạt kết quả tốt hoặc rất tốt (chỉ số Đào tạo lao động xếp thứ 1/63; Chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN xếp thứ 10/63); 2 lĩnh vực được xếp loại trung bình nhưng sụt giảm khá mạnh so với năm 2011 (chỉ số Chi phí gia nhập thị trường giảm 17 bậc, chỉ số Tính minh bạch và tiếp cận thông tin giảm 8 bậc); đặc biệt 5 lĩnh vực còn lại đều xếp hạng thấp hoặc rất thấp.

Về chỉ số Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất của Hà Nội xếp hạng cuối của 63 tỉnh, thành phố. Đây là lĩnh vực mà các DN đặc biệt quan tâm đối với một địa bàn vốn được coi là "tấc đất - tấc vàng" như Hà Nội. Và cũng là không lạ khi đất đai là vật chất có giới hạn trong khi DN nào cũng muốn đặt chân, có nơi "an cư lạc nghiệp", đứng trong đội ngũ 90.000 DN của Thủ đô. Chính điều đó tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt giữa các DN, nhà đầu tư và không phải đơn vị nào cũng thỏa mãn được nhu cầu của mình. Mặt khác, chỉ số này nằm cuối bảng xếp hạng cũng chính là nguyên nhân kéo theo các chỉ số khác tụt hạng như Chi phí không chính thức (đo lường các khoản "bôi trơn" mà các DN phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính hoặc có được hợp đồng kinh doanh) xếp thứ 56/63, giảm 6 bậc; chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, thành phố (đo lường việc sáng tạo trong giải quyết khó khăn vướng mắc, mức độ quan tâm hỗ trợ DN khu vực tư nhân) xếp thứ 61/63, tụt 7 bậc… Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét: Giá đất tại Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước, do yêu cầu của cơ chế chính sách hiện nay, một số thủ tục hành chính rườm rà nên cảm nhận của DN về việc điều hành chưa cao.

Bên cạnh đó, chỉ số Chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước dù năm 2012 đã tăng lên 3 bậc nhưng Hà Nội vẫn xếp thứ 54/63. Vấn đề này nói lên điều gì? Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá: Mặc dù có nguyên nhân khách quan là khối lượng công việc luôn quá tải; cơ chế, chính sách luôn thay đổi, thậm chí lạc hậu, mâu thuẫn, khiến phải chờ đợi, khớp nối ý kiến giữa nhiều cơ quan… nhưng trong khi bộ máy hành chính ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, thì công tác CCHC của các sở, ngành lại tỏ ra chậm chạp, yếu kém, gây phiền hà cho người dân và DN. Đây chính là nguyên nhân chủ quan không thể né tránh. Xét cho cùng, việc xây dựng phòng tiếp dân; bảo đảm 100% cơ sở và các ngành có bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông"; hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ thông tin; đổi mới quy trình thủ tục… mới chỉ là những yếu tố cần, chất lượng công tác CCHC vẫn phụ thuộc cơ bản vào yếu tố con người thực hiện, con người vận hành trong bộ máy hành chính của các cấp chính quyền và các sở, ngành. Về việc này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh thẳng thắn phân tích: Phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, còn biểu hiện sách nhiễu, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Trong gần 70 chỉ tiêu của 9 chỉ số thành phần xây dựng nên chỉ số PCI của Hà Nội có những kết quả rất đáng chú ý: 60,7% DN nhận định rằng, có những sáng kiến rất tốt ở cấp thành phố nhưng việc thực thi ở các sở, ngành lại có vấn đề; 21% DN được điều tra, khảo sát cho rằng lãnh đạo thành phố có chủ trương, chính sách tốt nhưng không được thực hiện đúng ở cấp huyện…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.