Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Thói quen và sự hoài nghi

Ngọc Quỳnh| 21/12/2015 06:37

(HNM) - Thói quen sử dụng thịt nhiều nạc của người tiêu dùng cũng làm cho thị trường

Sử dụng chất cấm là “giết hại” ngành chăn nuôi.


Điểm giết mổ nhỏ lẻ, khó kiểm soát

Theo Cục Thú y, hiện cả nước có hơn 34.600 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, trong đó chỉ có gần 36% được kiểm soát, còn lại 64% các điểm giết mổ tự phát, không bảo đảm điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thú y.

Đánh giá xếp loại các cơ sở giết mổ theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT, trong 703 cơ sở được kiểm tra thì có tới 253 cơ sở xếp loại C (chiếm gần 36%). Số cơ sở xếp loại A chỉ có 60, chiếm 8,5%, còn lại là loại B. Các lò giết mổ nhỏ lẻ vẫn là chủ yếu, nên việc lấy mẫu để thử "chất cấm" sau đó truy xuất nguồn gốc là rất khó. Từ đầu năm đến nay, 12 tỉnh, thành phố đã kiểm tra "chất cấm" tại cơ sở giết mổ, phát hiện 106/587 mẫu (chiếm 18%) dương tính với Salbutamol.

Tại Hà Nội, hiện nay vẫn còn khoảng 2.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ, hộ giết mổ gia súc, gia cầm trong khu dân cư không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường. Mỗi ngày các điểm giết mổ này xuất ra thị trường khoảng 396 tấn thịt, 70% số thịt này chưa được kiểm soát về thú y, dịch bệnh nên không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hà Nội mới kiểm soát được 44% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Trạm trưởng Trạm thú y huyện Thường Tín cho biết, trước việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở mức báo động, huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra tất cả các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chợ đầu mối. Tuy nhiên, để bắt và xử phạt các đối tượng sử dụng chất cấm rất khó vì riêng huyện Thường Tín đã có tới 600 cơ sở giết mổ nhưng chỉ có một điểm giết mổ lợn, 3 điểm giết mổ gia cầm có sự kiểm soát của ngành chức năng còn lại đều nhỏ lẻ, quy mô từ 2-3 con lợn, 10-20 con gia cầm tại các nhà dân, nên việc kiểm tra rất phức tạp.

Việc lấy mẫu để kiểm tra "chất cấm" trong thịt động vật cũng rất khó. Người giết mổ mua động vật từ các nơi khác nhau nên khó xác định được người bán.

Còn theo ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Vinh Anh, chủ cơ sở giết mổ lợn ở Thường Tín, những hộ dân, những cơ sở giết mổ sử dụng "chất cấm" làm ảnh hưởng rất lớn đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Hiện nay, sản phẩm thịt của cơ sở đều bán cho các siêu thị, bếp ăn tập thể của người nước ngoài, nhưng với thông tin sử dụng "chất cấm" thời gian vừa qua, nhiều khách hàng của cơ sở tỏ ra hoang mang, dẫn tới việc tiêu thụ chậm. Khó khăn nữa là để chứng minh thịt của mình bảo đảm chất lượng, ngoài những giấy tờ của Nhà nước cấp, doanh nghiệp phải tự bỏ tiền làm xét nghiệm rất tốn kém (xét nghiệm một mẫu thịt lợn với hai chỉ tiêu Salbutamol, chi phí hết 1,4 triệu đồng/mẫu).

Thịt bán ở chợ hút khách hơn siêu thị

Trao đổi về thói quen của người tiêu dùng, ông Phạm Văn Duy, Cục Chăn nuôi cho biết, hiện tại tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam đến 80% ở chợ truyền thống, rất ít người sử dụng thịt bán trong các siêu thị và cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Nguyên nhân chính là do sự tiện dụng và thói quen sử dụng thực phẩm tươi sống của người tiêu dùng. Thế nhưng, thịt được giết mổ tại các lò mổ không được kiểm soát về chất lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người do bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, tại các chợ cóc, chợ tạm không có sự giám sát của các ngành chức năng nên việc thương lái mang thịt đến bán cũng không được kiểm tra. Vì vậy, thực phẩm "bẩn" trà trộn với thực phẩm sạch vẫn bày bán tại phản thịt ở các chợ.

Mặt khác, người tiêu dùng do thiếu hiểu biết và thiếu niềm tin vào sản phẩm nên thực phẩm sạch vẫn chưa thực sự có chỗ đứng trên thị trường. Chị Trần Thị Trọng ở Hà Đông cho biết: Hằng ngày gia đình đều ra chợ cóc gần nhà để mua thực phẩm cho bữa cơm gia đình, mặc dù thời gian gần đây có nghe thông tin về việc các cơ quan chức năng bắt hàng trăm tấn thực phẩm ôi thiu được tẩm hóa chất để trở nên tươi ngon, việc dùng chất tạo nạc làm cho thịt "bắt mắt" hơn… nhưng để người tiêu dùng như chúng tôi phân biệt được thịt có nhiễm "chất cấm" hay không rất khó. Hơn nữa, các sản phẩm thịt bán trong siêu thị dù có giá vừa phải, nhưng gia đình không có thói quen sử dụng thực phẩm đông lạnh nên không mua. Thêm nữa cũng rất khó chứng minh sản phẩm bán trong siêu thị sạch như quảng cáo nên gia đình vẫn mua sản phẩm của những hàng quen ngoài chợ dù không biết nguồn gốc.  

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Thói quen và sự hoài nghi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.