Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Những thủ đoạn thâm độc (tiếp)

Nhóm PV phóng sự - điều tra| 17/07/2014 06:27

(HNM) - Nhìn nhận những hậu quả trong thời gian qua do thương lái Trung Quốc tạo ra, nhiều chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn chỉ rõ, đó là sự quản lý lỏng lẻo từ chính quyền cấp cơ sở, rồi những bất cập như cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu đầu tư… chưa hợp lý.

Chính quyền cơ sở như ở trên mây

Trong vai khách đi thu mua giun biển ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi càng hiểu những khó khăn của bà con nông dân và "khoảng trống" mà thương lái nước ngoài lộng hành. Vài tháng gần đây, dọc các tỉnh từ Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam đến Thừa Thiên Huế, một số thương lái Trung Quốc thu mua rất nhiều loài giun biển với giá cao, lúc đỉnh điểm là 200.000 đồng/kg, còn giờ khoảng 50 đến 60.000 đồng/kg. Không ai biết họ thu mua những loại hàng này để làm gì nhưng lợi nhuận mang lại đã khiến hàng nghìn người dân đổ xô đi bắt. Tiếp xúc với hai em Phạm Văn Quý, 18 tuổi và Phạm Văn Phương, 17 tuổi, ở xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc đang dùng thuổng bằng sắt đánh bắt giun biển ở đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô), chúng tôi được biết, ở đầm này giun biển nhiều vô kể, những ngày đầu đánh bắt trong khoảng 2 tiếng là được vài chục cân. Giờ thì ít hơn do người dân khai thác nhiều quá. Quý và Phương bảo, tháng rồi tuy khan hiếm như vậy, nhưng hai em cũng kiếm được gần 3 triệu đồng tiền bán giun biển cho các đầu nậu.

Người dân xã Ninh Vân, Khánh Hòa, khai thác rong mơ bán cho thương lái nước ngoài.


Dừng chân bên quán nước ở thị trấn Lăng Cô, cạnh quốc lộ 1, chỉ cần hỏi về giun biển, cô chủ quán tên Hà Nguyên đã nhanh nhẩu cho số điện thoại cùng chỉ dẫn địa điểm của chị gái cách đó không xa có thể cung cấp hàng chục cân giun biển nếu chúng tôi cần. Nguyên còn cho biết, nhiều bãi đầm, phá có nhiều bùn, nơi cư ngụ của giun biển, ở vùng này người dân đi khai thác nhiều nên có sẵn.

Trong khi với người dân thì đầy ắp thông tin, thế nhưng, khi làm việc với UBND thị trấn Lăng Cô để tìm hiểu vấn đề, cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế Trần Đình Vui lại khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Lãnh đạo thị trấn không hề nắm được vấn đề. Thậm chí, ông Vui còn bảo, thị trấn chỉ có vài người đi buôn giun biển, có ít người nơi khác đến khai thác, nhưng không nhiều lắm và không gây ảnh hưởng gì nên UBND thị trấn cũng chưa ra văn bản nào hướng dẫn người dân. Ông Vui còn nhấn mạnh: "Con giun nằm trong đất, việc đào lên chỉ một tý, khi thủy triều xuống sẽ xóa nhòa nên không ảnh hưởng gì (?)". Khi chúng tôi đề cập đến công văn do Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các xã, thị trấn vùng đầm, phá và ven biển trên địa bàn ngăn chặn tình trạng khai thác giun biển, thì lãnh đạo thị trấn cũng không biết và chưa nhận được (?).

Rõ ràng, sự quan liêu, thiếu sâu sát như vậy đã và đang tạo ra kẽ hở để thương lái nước ngoài lộng hành. Hậu quả là những bãi đầm, phá hình thành những hố nham nhở bùn, cát, về lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản vì các khu vực này rất gần với vùng nuôi tôm. Đó là chưa kể đến việc khai thác giun biển ồ ạt sẽ ảnh hưởng đến tài nguyên đất, nước cũng như đa dạng sinh học.

Cần làm rõ những ngón "võ bẩn"

Ngẫm chuyện con giun, chúng tôi chợt nhớ, vào những tháng cuối năm 2013, khi người nông dân một số tỉnh Đông Nam bộ khấp khởi mừng vì những con lợn mỡ trên 100kg đang bị nhiều người chê ỉ eo, đang ế sưng, bất ngờ lên giá vùn vụt. Thế là nhà nào cũng thi nhau vỗ béo lợn để lấy mỡ. Đàn lợn mỗi ngày một núc ních, đàn đống chật chuồng, ai cũng nghĩ phen này trúng lớn. Bỗng rụp, thương lái bất ngờ không nhận mua lợn mỡ, giá giảm thê thảm. Khi giá thấp tới mức không thể thấp hơn được nữa thì các thương lái quay lại thu mua ồ ạt. "Ngón võ" này được áp dụng với vô số các mặt hàng nông sản khác.

Câu chuyện về lợn mỡ, con giun biển cũng không khác như chuyện khoai tây Đà Lạt, gỗ trắc dây, rong mơ, ớt, vải thiều Lục Ngạn... là mấy. Thực tế, nếu chính quyền địa phương sâu sát, ngăn ngừa và hướng dẫn cụ thể cho người nông dân thì thương lái nước ngoài sẽ không thể lợi dụng, không thể có việc mua bán nông sản thiếu minh bạch, không có hợp đồng, tùy tiện nâng giá một cách vô lối như tình trạng hiện nay. Nếu như chính quyền địa phương kịp thời có thông tin hướng dẫn về tác hại khi tận diệt cây gỗ trắc dây sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, mất khả năng giữ đất ở các đảo xa, hay như khai thác kiệt quệ rong mơ sẽ dẫn đến sự suy thoái về môi trường, nguồn lợi ven bờ... thì chắc chắn, người nông dân sẽ không chạy theo lợi ích trước mắt để bỏ đi lợi ích lâu dài của cộng đồng. Về lâu về dài, chính quyền địa phương cũng cần phổ biến rộng rãi những âm mưu, chiêu trò của các đối tượng xấu nhắm vào nền kinh tế nước ta cho người dân hiểu và không tiếp tay với người nước ngoài.

Thực tế, qua nhiều lần làm ăn với thương lái nước ngoài, một số người đã dần tỉnh ra. Họ lờ mờ hiểu bản chất của việc mua bán kỳ lạ này. Anh Trần Văn Sang, ở xã Ninh Hòa, từng là đầu nậu thu mua cây gỗ trắc dây tâm sự: “Một số thương lái nước ngoài thuê các kho vựa để chứa hàng rồi nhờ thương lái trong nước đi mua. Họ không mở tài khoản thanh toán hay thư tín dụng, nên khi họ bỏ đi, người gánh chịu hậu quả chính là các thương lái trong nước. Tôi cũng vậy, lúc đầu được họ trả tiền rất đàng hoàng, chi hoa hồng cao để tìm được nhiều mối làm ăn. Khi đã quen mặt, họ bắt đầu rút vốn, lật kèo. Giờ có các vàng mình cũng không hợp tác, làm ăn kiểu chộp giật đó”. Tuy nhiên, những người hiểu được như anh Sang không nhiều, do vậy, rất cần công tác thông tin, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. Chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng phải tìm hiểu rõ việc các thương lái thu mua những thứ "dị biệt" để làm gì. Ông Đinh Tiên Phong, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Nông hải sản Hải Thành (Hathaco), cho biết đã có không ít thương nhân nước ngoài sang thu mua nông sản nhằm mục đích phá giá thị trường. Một nguyên nhân khác, theo ông Ngô Văn Chánh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), là thương lái nước ngoài đã lợi dụng mặt nhận thức còn yếu của người nông dân, vốn không quen ký hợp đồng, hóa đơn chứng từ mà thường giao dịch bằng miệng. Họ còn dùng thủ thuật về kiểm tra chất lượng để dìm giá rồi xù nợ…

Để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững hiện nay phải có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển, tìm đầu ra cho sản phẩm. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Đức Bình, tổ 3, thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, có nghề trồng khoai tây, nhấn mạnh: "Chúng tôi có thể đẩy cao năng suất, chất lượng sản phẩm có đầy đủ yếu tố cạnh tranh trên thương trường. Nhưng người nông dân chỉ biết giỏi chuyên môn của mình chứ không thể giỏi khâu tiếp thị, marketing, cái này cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Trái cây cũng vậy, chúng ta không chế biến được, không bảo quản được để xuất khẩu đi xa hơn. Do đó, phải nâng cao nền tảng của các ngành sản xuất bằng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất hợp lý, xen vụ. Cùng với đó, người Việt Nam cần dùng hàng Việt Nam trước hết để bảo vệ sức khỏe của mình, sau là bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Những thủ đoạn thâm độc (tiếp)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.