Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Những nút thắt cần tháo gỡ

Nguyễn Mai| 20/04/2023 06:56

(HNM) - Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song quá trình triển khai Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội hơn 2 năm qua cũng gặp phải không ít khó khăn, hạn chế, khiến cho một số chỉ tiêu chưa đạt được như kỳ vọng. Chặng đường phía trước đặt ra cho nông thôn Hà Nội nhiều nút thắt cần tập trung tháo gỡ, giải quyết.

Thu hoạch hoa ly tại xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm). Ảnh: Mai Nguyễn

Những chỉ tiêu chưa đạt

Trong số 33 chỉ tiêu Chương trình số 04-CTr/TU đặt ra cho cả giai đoạn (2021-2025), theo lộ trình phải thực hiện năm 2022, còn 10 chỉ tiêu chưa hoàn thành so với kế hoạch. Chẳng hạn, với chỉ tiêu thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Hà Nội, đến hết năm 2022 mới đạt 56,3 triệu đồng/người (trong khi kế hoạch đề ra là 65 triệu đồng). Ngoài nguyên nhân khách quan do đại dịch Covid-19 làm thu nhập của hàng triệu nông dân bị ảnh hưởng, thì chỉ tiêu về thu nhập chưa đạt là do nhiều huyện còn chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu khác như: Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn); tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia... chưa đạt như kế hoạch. Hà Nội cũng chưa xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang cho biết, thu nhập bình quân đầu người của huyện mới đạt 58 triệu đồng/người/năm. Nguyên nhân chính, huyện Mỹ Đức phát triển nông nghiệp vẫn là chủ đạo; tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển. Việc áp dụng công nghệ, khoa học, kỹ thuật hiện đại trong sản xuất nông nghiệp còn ít, chưa tạo được nhiều nông sản, hàng hóa có thương hiệu...

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, những năm qua, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Ngoài ra, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, đặc biệt là chế biến sâu; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Số lượng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, khiến việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn.

Đáng chú ý, thành phố Hà Nội xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp thu hẹp dần, phát sinh nhiều vấn đề xã hội, tạo áp lực lên hạ tầng và công tác quản lý nhà nước ở khu vực nông thôn. Chưa kể, làm thế nào để hài hòa giữa đô thị hóa và bảo tồn nét văn hóa truyền thống là câu hỏi chưa có lời giải.

Cần thêm nguồn lực

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng thông tin, Đan Phượng là địa phương đã có 12/15 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và đang xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, với nhiều chỉ tiêu đã đạt được. Tuy nhiên, vấn đề nước sạch vẫn là một trong những rào cản lớn của quá trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, thành phố cần quan tâm, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Nhà máy Nước mặt sông Hồng và dự án cấp nước sạch do Công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội làm chủ đầu tư để cung cấp nước sạch tập trung cho nhân dân các xã trên địa bàn huyện Đan Phượng. Không chỉ Đan Phượng, tình trạng nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn cũng là khó khăn chung của nhiều huyện khác, như: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ…

Đặc biệt, các tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng, như trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế… cần nguồn lực đầu tư lớn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương xa trung tâm. Bí thư Đảng ủy xã Yên Bài (huyện Ba Vì) Nguyễn Việt Giao cho biết, Yên Bài đã xây dựng kế hoạch hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022, nhưng không thực hiện được do thiếu nguồn lực đầu tư. Xã Yên Bài tiếp tục xây dựng kế hoạch hoàn thành trong năm 2023 hoặc chậm nhất là năm 2024.

“Để đạt nông thôn mới nâng cao phải có trường học 3 cấp đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; trong đó có ít nhất 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Xã Yên Bài đã chọn Trường Trung học cơ sở Yên Bài A để xây dựng đạt chuẩn mức độ 2. Song, để đạt chuẩn mức độ 2, trường phải di chuyển đến một khu vực mới, bảo đảm diện tích và phải đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí lớn, là rào cản đối với địa phương trong xây dựng nông thôn mới nâng cao”, ông Nguyễn Việt Giao nói.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu đề nghị thành phố tiếp tục có cơ chế hỗ trợ các xã và chỉ đạo các quận nội thành hỗ trợ huyện Chương Mỹ về đầu tư cơ sở hạ tầng của các xã phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2023-2025.

Không chỉ xã Yên Bài (huyện Ba Vì), huyện Chương Mỹ, tại hội nghị giao ban quý I-2023, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, lãnh đạo các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên… đều nêu lên những khó khăn và đề xuất cần ưu tiên nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Riêng năm 2023, các địa phương đề nghị thành phố hỗ trợ lên tới 8.187 tỷ đồng. Trong đó, riêng huyện Mỹ Đức đề nghị thành phố hỗ trợ 1.177 tỷ đồng; 54/61 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đề nghị hỗ trợ 4.803 tỷ đồng; 28/33 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đề nghị thành phố hỗ trợ 2.167 tỷ đồng…

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Những nút thắt cần tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.