(HNM) - Không chỉ mang đến niềm vui làm cha, làm mẹ cho những người hiếm muộn trong nước, các bác sĩ Việt Nam đã giúp cho nhiều cặp vợ chồng đến từ khắp nơi trên thế giới tìm được niềm hạnh phúc sau những mong mỏi, nhiều khi đã chạm đến tuyệt vọng.
Niềm vui của các "bà đỡ"
Một cặp vợ chồng người Malaysia đã điều trị vô sinh và hạ sinh được một bé gái thành công tại Việt Nam sau những nỗ lực ở Thái Lan, Singapore nhưng không hiệu quả. Người mẹ là một phụ nữ lớn tuổi, trước đó đã nhiều lần tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Chị được các bác sĩ yêu cầu xin trứng từ phụ nữ khác, nhưng với mong muốn riêng, chị đã đến Việt Nam để tìm kiếm cơ may. Chị được Ths-BS Giang Huỳnh Như, học trò của Giáo sư - BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Trưởng Đơn vị hỗ trợ sinh sản (HTSS) Mỹ Đức trực tiếp điều trị. Lần đầu bác sĩ Giang Huỳnh Như đã phải lắc đầu, vì bệnh nhân đã thụ thai nhưng đến tuần thứ 6 thì... không giữ được. Bác sĩ Giang Huỳnh Như nhớ lại: "Cô ấy vừa mới sảy thai, rất khao khát có con. Cô ấy nói sau này mang thai sẽ đặt tên con theo chữ cái đầu tiên trong họ Giang của tôi". May mắn đã mỉm cười với người bệnh luống tuổi, sau khi chuyển phôi lần hai, cô đậu thai, bé gái xinh xắn mang tên G ra đời.
Bác sĩ tư vấn cho những phụ nữ hiếm muộn. |
Từ mối nhân duyên đó, bác sĩ Giang Huỳnh Như và bệnh nhân trở thành bạn thân. Vợ chồng họ đã đề nghị bác sĩ Giang Huỳnh Như mở văn phòng đại diện tại Malaysia nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những cặp vợ chồng ở nước này điều trị vô sinh. Bác sĩ Giang Huỳnh Như nhớ lại, khoảng năm 2013, một cặp vợ chồng người Mỹ đến Việt Nam, người chồng đã thắt ống dẫn tinh nhưng vẫn muốn sinh con. Qua thăm khám, bác sĩ Gianh Huỳnh Như phát hiện người vợ có tổn thương tiền ung thư cổ tử cung và yêu cầu bệnh nhân ở lại Việt Nam điều trị. Song họ từ chối, vì đã hết thời gian lưu trú tại Việt Nam. Sau khi về lại Mỹ, họ làm thủ tục, giấy tờ sau đó trở lại để được điều trị. Sau khoảng thời gian dài chờ tử cung hồi phục, họ được bác sĩ cho chuyển phôi vào tử cung và đậu thai. Lần trở lại này, họ mất thêm một khoản chi phí lớn về tiền đi lại, lẫn thời gian. Chính bác sĩ Giang Huỳnh Như đặt câu hỏi: Vì sao bạn chọn Việt Nam để quay lại điều trị trong khi mất thêm thời gian, tiền bạc...? Cặp vợ chồng Mỹ mỉm cười trả lời: "Chúng tôi có niềm tin khi đến Việt Nam sẽ tìm được con".
Có một câu chuyện đặc biệt nữa về một bệnh nhân Việt kiều mang thai ở tuổi 45. Người phụ nữ ấy tên L.T.Xuân, khi về Việt Nam chữa hiếm muộn đã ở tuổi 44. Thời điểm này, Việt Nam có quy định không cho phép làm thụ tinh trong ống nghiệm cho người phụ nữ 45 tuổi trở lên. Bà L.T.Xuân chỉ còn 1 tháng nữa bước sang tuổi 45, đồng nghĩa nếu thụ tinh trong ống nghiệm thất bại, người phụ nữ sẽ hết cơ hội có con. Vì vậy, khi thực hiện ca này, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết rất lo lắng vì nếu thất bại là dập tắt hy vọng có con của người phụ nữ này. Không khác gì bệnh nhân, bác sĩ cũng hồi hộp theo từng ngày điều trị, kể từ khi chọc hút trứng, rồi chuyển phôi. Sau 14 ngày đợi chờ, bác sĩ mới có thể thở phào nhẹ nhõm, mỉm cười thông báo tin vui cho gia đình bà L.T.Xuân. Cặp vợ chồng này ôm nhau nức nở. Họ thực sự không ngờ, lặn lội nửa vòng trái đất rồi cũng có ngày hạnh phúc "đâm chồi, nảy lộc" với một đứa con trai kháu khỉnh. Kể từ đó, mỗi khi về Việt Nam đón Tết, bà L.T.Xuân lại bế con trai sang nhà bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết để cảm ơn.
Niềm tự hào của y học Việt Nam
20 năm trước GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng ra nước ngoài theo học kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để áp dụng trong điều trị vô sinh tại Việt Nam. 20 năm sau, không chỉ hàng nghìn đứa trẻ được thụ tinh trong ống nghiệm thành công mà GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng và nhiều học học trò của mình đã trực tiếp ra nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm, cũng như tổ chức giảng dạy về các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho nhiều quốc gia trong khu vực.
Người nước ngoài bắt đầu đến Việt Nam điều trị hiếm muộn từ năm 2001, đến năm 2010 thì đã trở thành một "làn sóng". Hiện trung bình mỗi năm các trung tâm hỗ trợ sinh sản tại TP Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng 30-50 bệnh nhân nước ngoài đến điều trị.
Chính các bác sĩ Việt Nam cũng khá bất ngờ về điều này. Theo các bác sĩ chuyên ngành HTSS, bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam điều trị chủ yếu vào mùa hè và vào tết Nguyên đán. Vào mùa hè, nhiều người nước ngoài làm nghề giáo viên sang Việt Nam điều trị, còn dịp Tết Nguyên đán thì Việt kiều từ khắp châu lục tìm về.
Theo thống kê của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Mỹ Đức, bệnh nhân nước ngoài tìm đến Việt Nam có mặt ở khắp nơi, nhiều nhất là nước Mỹ, sau đó đến các nước Châu Á, không ít bệnh nhân đến từ Châu Phi. Theo GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, thế giới đã biết đến những thành tựu trong điều trị vô sinh ở Việt Nam. Và có thể nói, thành tựu điều trị vô sinh Việt Nam đi trước nhiều nước, điều trị được nhiều ca khó mà nhiều nước trên thế giới chưa thể làm. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện đang dẫn đầu tỷ lệ số ca thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thành công. Một lý do khác, theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết là chi phí điều trị ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước: Một ca thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam chỉ chưa đầy 3.000USD, trong khi đó tại Thái Lan khoảng 7.000USD, Singapore khoảng 10.000, số tiền này có thể gấp 5-6 lần nếu thực hiện tại Mỹ hoặc các nước Châu Âu. Mặc dù, điều trị hiếm muộn hầu như không có tai biến dẫn đến tử vong, nhưng về vấn đề ngoại giao, bảo đảm an toàn cho người nước ngoài tại Việt Nam thì chỉ những người chuyên trách, trưởng khoa, ban giám đốc mới được trực tiếp điều trị.
Ngoài ra, vì tìm kiếm một đứa con rất khó khăn, nhiều người nước ngoài chọn cách ở lại sinh con tại Việt Nam, khi mang em bé về nước, họ cũng gặp nhiều trở ngại. Bác sĩ Đặng Quang Vinh - Phó Trưởng Đơn vị HTSS Mỹ Đức nhớ lại: "Khi thụ tinh trong ống nghiệm mới được triển khai tại Việt Nam, một cặp vợ chồng người Mỹ được điều trị thành công. Khi người vợ thụ thai, họ đã ở lại Việt Nam đến ngày sinh em bé mới về nước. Để xin được visa cho bé, vợ chồng họ đã khai các thủ tục, trong đó có khai điều trị vô sinh. Lãnh sự quán Mỹ tại TP Hồ Chí Minh đã có công văn yêu cầu bệnh viện đặt lịch làm việc để xác minh thông tin". Tâm lý các bác sĩ bệnh viện lúc đó rất lo lắng, không biết mình chữa trị cho người nước ngoài có gặp vấn đề gì mà lãnh sự quán Mỹ yêu cầu kiểm tra. "Khi phái đoàn đến làm việc trực tiếp, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Hóa ra, lãnh sự quán Mỹ chỉ điều tra để xác minh lời khai của bệnh nhân có đúng với thông tin họ cung cấp hay không".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.