Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Bừng sáng những miền quê nghèo

Nhóm PV nông nghiệp - nông thôn| 15/04/2014 06:31

(HNM) - Phong trào xây dựng NTM đang dấy lên mạnh mẽ ở nhiều vùng nông thôn Hà Nội. Với kết quả 50 xã hoàn thành xây dựng NTM, chương trình đã đạt được mục đích và yêu cầu đề ra. Một trong những mục tiêu quan trọng là vận động nông dân dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), sắp xếp lại ruộng đồng,


Hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp

Vốn quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", nhưng vụ sản xuất đầu tiên khi có máy móc hỗ trợ, công việc nhà nông của ông Nguyễn Văn Chủ, thôn Nam Quất, Nam Triều, Phú Xuyên trở nên nhàn tênh, không còn phải dầm mình dưới bùn trong mùa đông lạnh giá để cuốc bờ làm đất, rồi nhổ mạ, cấy tay nữa. Vụ xuân này, gia đình ông đã bỏ thêm 14 triệu đồng, cùng với kinh phí huyện, xã hỗ trợ để "dinh" về chiếc máy cấy trị giá 75 triệu đồng. "Gia đình làm 3 mẫu ruộng, trước đây ruộng ở tứ xứ đồng, nay DĐĐT xong chỉ còn 2 thửa. Có thửa ruộng lớn, lại được hỗ trợ mua máy. Bây giờ thì mùa vụ đã chủ động được công việc, không phải lo thuê cấy nữa" - ông Chủ cười. Theo Chủ tịch UBND xã Nam Triều Phan Cao Lạc, từ vụ mùa năm 2013, Đảng ủy, UBND xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân đưa máy móc vào sản xuất. Các hộ mua máy cấy được huyện hỗ trợ 40 triệu đồng, xã hỗ trợ 22 triệu đồng. Mọi thủ tục mua máy cấy, khay gieo mạ được hợp tác xã nông nghiệp đứng ra bảo lãnh và giúp đỡ. Đến vụ xuân 2014, nhân dân Nam Triều đã mua được 28 máy cấy, 2.500 khay gieo mạ vào phục vụ sản xuất.

Để có được những thửa ruộng "thẳng cánh cò bay", máy móc tham gia vào sản xuất được dễ dàng là thành công lớn của chương trình DĐĐT. Người nông dân bao đời gắn bó với mảnh đất cha ông để lại, lại quen với tập quán canh tác cũ nên việc thuyết phục DĐĐT lúc đầu không dễ. Đó là chưa kể đến việc ngày xưa nhận ruộng chưa có máy đo, chỉ dùng thước và áng chừng, nên đất nhiều nhà dôi ra; nhiều hộ có ruộng gần, ruộng tốt… sợ chia lại sẽ mất "bờ xôi ruộng mật" nên không muốn dồn đổi ruộng. Khó là vậy, nhưng thấy chủ trương của thành phố là đúng đắn nên xã, thôn quyết liệt vào cuộc, từng bước tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch mọi công việc nên tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành hơn 95% (72.000/76.000ha) diện tích có khả năng DĐĐT theo kế hoạch. Trên cơ sở đó, đã quy hoạch lại sản xuất thành các vùng tập trung; đưa cơ giới hóa vào sản xuất góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, giá trị nông sản.

Hạ tầng khang trang

Nếu như trên những cánh đồng, sự đổi thay đã rõ với những thửa ruộng lớn thì ở từng khu dân cư, trong mỗi xóm làng cũng mang "bộ áo mới" với hạ tầng khang trang. Bí thư Chi bộ cụm dân cư thôn Trung Thôn, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín Nguyễn Tấn Bình cho biết: "Sau 3 năm làm điểm xây dựng NTM, xã đã đầu tư cho cụm hơn 10 tỷ đồng, nhân dân đóng góp được 500 triệu đồng và 231 ngày công kè gạch và đổ bê tông tuyến đường liên thôn dài 965m, rộng 4m; làm nhà văn hóa, xây 2 trạm bơm; tu sửa đình làng… Nhân dân còn đóng góp hơn 800 triệu đồng mua sắm thêm trang thiết bị bàn ghế, loa đài cho nhà văn hóa; làm đường bê tông, hoàn thiện một số tuyến đường liên xóm, liên thôn; làm sân chơi cho trẻ em khu dân cư nên người dân rất phấn khởi". Xã Nhị Khê có nghề tiện, kể từ khi những tuyến đường giao thông được đầu tư khang trang, xe ô tô chở hàng hóa ra vào thuận tiện, tạo đà cho người dân phát triển kinh tế.

Không riêng gì xã Nhị Khê mà hầu khắp các vùng ngoại thành Hà Nội đều "thay da, đổi thịt" rất nhanh. Phong trào xây dựng NTM đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân. Từ chỗ chỉ độc canh cây lúa, cây rau, khi có phong trào NTM, người dân xã Kim Chung, huyện Hoài Đức đã thay đổi ngay tư duy làm giàu. Cả làng, cả xã hăng hái thi đua làm kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Do diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn lại chỉ chừng 100ha nhưng cũng nằm trong các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội nên xã đã vận động người dân phát triển dịch vụ, thương mại, làng nghề. "Thôn Lai Xá nằm gần các trường đại học, cao đẳng nên hàng trăm hộ dân phát triển mạnh dịch vụ xây nhà cho sinh viên thuê. Các thôn Đại Tự, Yên Vĩnh… thì nở rộ những xưởng sản xuất két bạc, in... Người lao động có việc làm và thu nhập ổn định nên họ càng tích cực tham gia đóng góp tiền, ngày công xây dựng các công trình NTM"- Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Cường cho biết. Với phương châm công trình của các xóm thì giao cho các xóm họp cùng bà con, bàn bạc đóng góp đầu tư, sửa chữa, đến nay, người dân Kim Chung đã đóng góp được hơn 3,9 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Cả 4 thôn đều có nhà văn hóa 2 tầng khang trang; các tuyến đường đều được bê tông hóa.

Theo báo cáo của BCĐ Chương trình 02 Hà Nội, hơn 3 năm qua, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn đã từng bước được nâng cấp và hoàn thiện. Đời sống nông dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 14 triệu đồng năm 2011 lên 23,7 triệu đồng năm 2013. Nông thôn không còn nhà dột nát, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Mỗi năm, toàn thành phố có 136.500 - 140.000 lượt lao động nông thôn được giải quyết thêm việc làm. Từ xuất phát điểm thấp (một số xã chỉ có 1 tiêu chí đạt và cơ bản đạt, năm 2010), đến nay các xã đã đạt và cơ bản đạt từ 8 tiêu chí trở lên. Rà soát, đánh giá, chấm điểm tại 55 xã trên toàn thành phố mới đây, BCĐ xây dựng NTM thành phố đã chấm điểm 50 xã hoàn thành xây dựng NTM. Cũng trong 3 năm triển khai Chương trình 02, Hà Nội đã huy động được hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn và phát triển sản xuất, trong đó có nguồn lực rất lớn từ xã hội hóa, đặc biệt là sức dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Bừng sáng những miền quê nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.