(HNM) - 20 năm sau ngày Hà Nội được trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, lĩnh vực đầu tư, du lịch Thủ đô đã đạt được những bước tiến dài. Trong hành trình ấy, danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” trở thành sức hút đối với du khách, doanh nghiệp nước ngoài và tác động không nhỏ đến thành quả của những ngành này.
Bước tiến lớn của đầu tư
Kết quả thu hút vốn đầu tư, nhất là đầu tư từ nước ngoài trong 20 năm qua là một trong những điểm sáng của kinh tế Thủ đô. Trong đó phải kể đến danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” như một sự bảo đảm tin cậy cho nhà đầu tư.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong giai đoạn đầu (từ năm 1989 đến năm 2005), khu vực vốn đầu tư nước ngoài đã thu hút được gần 11 tỷ USD, chứng tỏ vai trò là kênh cấp vốn quan trọng cho phát triển Thủ đô. Đặc biệt, từ năm 2015 đến năm 2018, thành phố Hà Nội đã thu hút được hơn 15 tỷ USD. Và trong 6 tháng đầu năm 2019, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn là 5,3 tỷ USD.
Khu vực đầu tư nước ngoài cũng đã tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động, với thu nhập bình quân 11,6 triệu đồng/ người/tháng. Ngoài ra, các dự án đầu tư nước ngoài còn thực hiện chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác với các doanh nghiệp trong nước.
Ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, UBND thành phố Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, cung cấp thông tin cũng như sự hỗ trợ cần thiết để doanh nghiệp Hàn Quốc thành lập, hoạt động ổn định. Việc Hà Nội được trao tặng danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình" 20 năm qua, đã và đang tiếp tục khẳng định vị thế nổi bật trong mắt cộng đồng quốc tế, trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc... Một đô thị năng động, cởi mở, sẵn sàng chia sẻ cơ hội và hỗ trợ nhà đầu tư, xứng đáng là nơi “đất lành chim đậu”, đủ sức hấp dẫn dòng vốn quốc tế.
Với quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp, thành phố Hà Nội đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp... Thành phố cũng tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch và các hoạt động đối ngoại.
Hà Nội xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và khai thác được các lợi thế của Thủ đô. Đó là, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại; khu đô thị thông minh, hạ tầng cấp nước, thoát nước, môi trường; các lĩnh vực dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao, người lao động có mức lương cao hơn và được phát triển kỹ năng như: Dịch vụ công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, công nghệ sinh học, du lịch, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, logistics; trung tâm tài chính; trung tâm nghiên cứu và phát triển...
Điểm đến thân thiện, an toàn
Với danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình", trong 20 năm qua, số lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tăng trưởng ấn tượng. Nếu năm 2000, Hà Nội đón hơn 500.000 lượt khách quốc tế, thì đến năm 2010 với sự kiện Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Năm Du lịch quốc gia, lượng khách quốc tế đến Hà Nội đạt hơn 1,7 triệu lượt và đến năm 2014, lượng khách quốc tế đến Hà Nội lần đầu tiên đạt mốc hơn 3 triệu lượt. Đặc biệt, năm 2017, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đã đạt con số gần 5 triệu lượt và đến năm 2018, trong 26,3 triệu lượt khách du lịch đến Hà Nội, có hơn 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Nhờ đó, du lịch Hà Nội về đích sớm 2 năm, đồng thời vượt 10,5% chỉ tiêu thu hút khách quốc tế, như Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Thành ủy về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” đề ra cho năm 2020. Đà tăng trưởng này tiếp tục duy trì trong 6 tháng đầu năm 2019, với 3,3 triệu lượt khách quốc tế đến Hà Nội, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Từng gắn bó hơn 20 năm với du lịch Hà Nội, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho rằng, danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” là yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty lữ hành xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Nội ở nước ngoài.
Còn theo ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Lữ hành TienPhong Travel, khi thế giới có nhiều biến động, thì sự an toàn tại Việt Nam nói chung, Thủ đô nói riêng là lợi thế không nhỏ của Hà Nội trong việc thu hút khách quốc tế.
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Thế Anh cũng như hầu hết các hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội đều cho rằng, danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” là một trong những lý do khiến khách du lịch quốc tế quyết định lựa chọn đến Hà Nội. Điều này cũng được anh J.Phillips (Pháp) khẳng định, khi cho biết đã nhiều lần đến Hà Nội vì cảm nhận được sự yên bình trong không khí phát triển năng động của nơi đây.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho rằng, danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” là tài sản quý giá của Thủ đô cũng như du lịch Hà Nội. Theo ông Trần Đức Hải, những năm qua thành phố đã tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở lưu trú, cơ sở hạ tầng, mang đến nhiều lựa chọn cho du khách khám phá Hà Nội. Ngoài ra, thành phố cũng nỗ lực tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, độc đáo; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Hà Nội, đặc biệt là chương trình hợp tác quảng bá hình ảnh Thủ đô thông qua Mạng tin tức quốc tế CNN (Mỹ)...
Từ một thành phố phấn đấu để trở thành “Thành phố Vì hòa bình”, Hà Nội đã và đang tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa, khơi dậy tiềm năng tổng hợp, nhất là trí tuệ và bản lĩnh con người Thăng Long - Hà Nội để vững bước trên đường đổi mới, hội nhập quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.