(HNM) - Tiến trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế vẫn chưa như mong muốn, nói cách khác là vẫn ì ạch và khó khăn đang ở phía trước.
LTS: Ba lĩnh vực trọng tâm để thực hiện tái cơ cấu (TCC) tổng thể nền kinh tế gồm: Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công, cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính và tái cấu trúc DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Việc "đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế" là vấn đề mang tính sống còn trong bối cảnh kinh tế thế giới liên tục biến động. Tuy nhiên, tiến trình TCC tổng thể nền kinh tế vẫn chưa như mong muốn, nói cách khác là vẫn ì ạch và khó khăn đang ở phía trước.
Bài 1: Lực cản đối với tiến trình phát triển
Tỷ lệ nợ xấu cao, đầu tư công còn nhiều hạn chế, những yếu kém của khu vực DNNN… đang là lực cản đối với tiến trình TCC nền kinh tế. Xử lý những vấn đề này không đơn giản bởi nó liên quan những hệ thống chằng chịt với những bất cập từ trong cơ chế đến tư duy của lãnh đạo các cấp, của những người đứng đầu… Khắc phục những yếu kém đang làm chậm tiến trình phát triển là đòi hỏi cấp thiết.
Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đang gặp nhiều lực cản. Ảnh: Gia Hiếu |
Những góc khuất…
Cùng với việc đẩy mạnh quá trình TCC DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng thương mại, quyết liệt xử lý nợ xấu, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước… nền kinh tế bước đầu có những chuyển biến tích cực. Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quá trình thực hiện TCC tổng thể nền kinh tế cho thấy: Cân đối tiết kiệm đầu tư có chuyển biến rõ rệt, tổng tiết kiệm luôn bằng hoặc cao hơn tổng đầu tư. Cân đối cung cầu hàng hóa bảo đảm. Cân đối lương thực tiếp tục thực hiện tốt, đồng thời tăng số lượng xuất khẩu hằng năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì. Cơ cấu kinh tế có chuyển biến khá tích cực. Về hiệu quả đầu tư, chỉ số ICOR toàn nền kinh tế đã giảm từ mức 6,7 giai đoạn 2008-2010 xuống còn 5,53 giai đoạn 2011-2013 cho thấy chất lượng đầu tư phát triển có xu hướng cải thiện.
Tuy nhiên, tại "Diễn đàn kinh tế mùa Thu" diễn ra cuối tháng 9 vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những góc khuất của quá trình TCC. Nhận xét về việc triển khai 3 trục chính của đề án TCC tổng thể nền kinh tế, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, đề án xử lý nợ xấu, TCC hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng vẫn mang tính cắt khúc, riêng lẻ, thiếu tính đồng bộ và đến nay vẫn chưa giải quyết được những cản trở chính. Việc xử lý nợ xấu trên cơ sở chưa đánh giá được đầy đủ quy mô, cơ cấu nợ bằng mô hình Công ty xử lý nợ xấu VAMC với số vốn 400 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước ứng ra đã không khai thông được vấn đề nợ xấu thực chất. Điều này đã khiến "cục máu đông" nợ xấu vẫn cản trở quá trình lưu thông tín dụng trong nền kinh tế. Tại một trục khác TCC khối DNNN, dù đã tập trung cổ phần hóa với tốc độ cao, nhưng các vấn đề rất quan trọng như: Đại diện chủ sở hữu, tách bạch rõ quản lý nhà nước với đại diện chủ sở hữu và bổ nhiệm nhân sự, thực hiện công khai, minh bạch vẫn chưa được giải quyết và chưa có tiến bộ rõ rệt trong thực tế. Trong khi đó, ngân sách nhà nước cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề như: mức bội chi vượt xa dự toán, nợ công tăng nhanh, thu ngân sách không đủ trang trải chi thường xuyên, phải vay mới để trả nợ cũ…
… Và tầm nhìn hạn chế
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hai yếu tố quan trọng gồm: Vai trò của khoa học công nghệ (KHCN) và việc đặt đề án quan trọng này trong bối cảnh Việt Nam sẽ hội nhập quốc tế mạnh mẽ trong những năm tới vẫn chưa được tính toán một cách kỹ lưỡng.
Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, các chỉ tiêu về KHCN chưa được đề ra trong các đề án TCC của từng lĩnh vực. Yêu cầu kết hợp KHCN với doanh nghiệp, vai trò của Bộ Khoa học - Công nghệ, các viện và trung tâm khoa học cũng chưa được đề cập. Chưa kể một số đề án TCC ở các ngành, các cấp chủ yếu là những biện pháp mang tính mệnh lệnh hành chính, chưa chú ý đến vai trò thị trường, khả năng đáp ứng của thị trường vốn, nhà đầu tư; chưa nhấn mạnh đúng mức sự cần thiết phải thay đổi chính sách đòn bẩy kinh tế và tín hiệu thị trường.
Đặc biệt, các nhiệm vụ TCC được đề ra chủ yếu dựa vào phân tích thực trạng hiện tại của ngành, lĩnh vực mà chưa xét đến yếu tố hội nhập quốc tế sẽ tác động rất mạnh mẽ tới Việt Nam trong những năm sắp tới. Cụ thể, cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU cũng sẽ được ký kết vào cuối năm 2014… Thực tế này sẽ đề ra hàng loạt điều chỉnh, trở thành thách thức to lớn đối với nền kinh tế cũng như các DN Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.