Doanh nghiệp

Cơ hội để doanh nghiệp tái cơ cấu, tăng sức cạnh tranh

Thanh Hiền

Việc Hoa Kỳ công bố hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày để thực hiện đàm phán, theo nhận định của các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, là tín hiệu tích cực.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Cần nghiên cứu thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

vu-vinh-phu.png
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Chúng ta đang đi theo hướng đàm phán danh sách các mặt hàng áp dụng thuế bình đẳng, hài hòa, có lợi cho hai bên. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam có những chuyển hướng chiến lược quan trọng trong đàm phán thuế đối ứng, đàm phán thỏa thuận song phương với Hoa Kỳ, cũng như cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Trong đó, cần lưu ý Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam nhưng không phải là thị trường duy nhất, mà còn nhiều thị trường lớn khác. Vì vậy, cần tận dụng các FTA đã ký kết với tinh thần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy các thị trường truyền thống, thâm nhập thị trường tiềm năng.

Gắn với đó là thúc đẩy tăng trưởng, các ngành kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế xanh… Đồng thời, các bộ, ngành cần nghiên cứu thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, lệ phí, lãi suất…; hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xử lý các vấn đề liên quan xuất xứ hàng hóa ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế; tăng cường bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ…

Doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường xúc tiến thương mại, đoàn kết và tránh cạnh tranh không lành mạnh, khai thác FTA đã ký kết, mở rộng thị trường sang Trung Đông, Trung Á, châu Phi, Đông Bắc Á...

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan: Thúc đẩy thị trường truyền thống, thâm nhập thị trường xuất khẩu mới

chi-lan-1.jpg
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan.

Các biện pháp linh hoạt, kịp thời mà Đảng và Chính phủ đã triển khai trong những ngày qua đã giúp cộng đồng doanh nghiệp bớt lo lắng và có thêm động lực.

Bên cạnh đàm phán với Hoa Kỳ để có được kết quả tốt nhất, các cấp, ngành cần tiếp tục giảm lãi suất cho các mặt hàng có thể chịu tác động bởi chính sách thuế; hoãn, giãn thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong lúc khó khăn; rà soát, tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cấp thẩm quyền giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp...

Các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó, như đa dạng hóa thị trường và đánh giá lại chiến lược sản xuất, xuất khẩu để giảm thiểu tác động tiêu cực; tập trung nâng cao năng lực cung ứng, năng suất, chất lượng và hạ giá thành để cạnh tranh và khai thác các thị trường khác.

Đồng thời, doanh nghiệp cần minh bạch xuất xứ sản phẩm; đổi mới công nghệ, chuyển từ gia công giá rẻ sang sáng tạo, nâng cao giá trị sản phẩm.

Các FTA là điều kiện thuận lợi để đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc và thích ứng với chủ nghĩa bảo hộ mới, thúc đẩy thị trường truyền thống, thâm nhập thị trường xuất khẩu mới như: Trung Đông, EU.

Doanh nghiệp cũng cần chủ động cung cấp số liệu, khó khăn, vướng mắc để cơ quan chức năng có căn cứ đàm phán, thương thảo, vận dụng các kênh ngoại giao kinh tế nhằm nới lỏng quy định; tham mưu với Chính phủ có chính sách hỗ trợ kịp thời giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh: Nhanh chóng đánh giá tác động, đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng

mac-quoc-anh.jpg
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa thông báo hoãn áp thuế đối ứng với các nước trong 90 ngày, mức thuế đối ứng giảm trong thời gian này chỉ là mức cơ sở 10%. Chúng ta có 90 ngày xuất khẩu tốt trở lại, đồng thời hy vọng sau 90 ngày sẽ có những thỏa thuận hợp lý, có lợi cho cả hai bên.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chủ động rà soát danh mục hàng hóa và chiến lược thị trường; xác định rõ dòng sản phẩm nào thuộc diện chịu thuế cao nhất, tính toán lại biên lợi nhuận, phân tích sức mua của thị trường Hoa Kỳ sau khi giá đầu ra có thể bị tăng lên.

Cùng với đó, chủ động tìm kiếm, da dạng hóa thị trường, hướng đến các thị trường khác như EU, Nhật Bản, ASEAN, Trung Đông… tận dụng các hiệp định thương mại tự do đang có hiệu lực để bù đắp sụt giảm từ thị trường Hoa Kỳ.

Mặt khác, doanh nghiệp nên hợp tác xây dựng và củng cố chuỗi giá trị trong nước, chủ động tìm nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước hoặc từ các quốc gia chưa bị ảnh hưởng nặng bởi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, giảm thiểu chi phí và rủi ro chuỗi cung ứng.

Các doanh nghiệp cùng ngành hàng nên hợp tác chia sẻ chi phí và cơ sở hạ tầng, qua đó tối ưu quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh; cùng tìm kiếm các điểm trung chuyển quốc tế có nhiều FTA, chính sách thuế nhập khẩu ưu đãi có thể giúp giảm áp lực thuế, tiếp cận thị trường mới.

Trong bối cảnh Hoa Kỳ áp thuế đối ứng ở mức cao gây “sốc” đối với hầu hết hàng hóa, việc doanh nghiệp nhanh chóng đánh giá tác động, đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng, tối ưu chuỗi cung ứng và phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý, hiệp hội là những bước đi cấp thiết. Nếu làm tốt các giải pháp trên, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ có thể giảm thiểu thiệt hại, mà còn tận dụng cơ hội tái cơ cấu, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường toàn cầu về lâu dài.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội để doanh nghiệp tái cơ cấu, tăng sức cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.