Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: “Hụt hơi” chạy đua với giá

Hà Phong| 16/08/2014 06:14

(HNM) - Ở thời điểm này, tuy không có cuộc khảo sát chính thức nào được công bố, nhưng với tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu, chi phí khám chữa bệnh liên tục tăng, trong khi lương chỉ tăng một phần không đáng kể đã và đang khiến cho đời sống của người lao động khá chật vật.

LTS: Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất chọn phương án lương tối thiểu năm 2015 tăng bình quân 15,1%, ở mức từ 300.000 đến 400.000 đồng tùy theo vùng để trình Chính phủ xem xét, quyết định chính sách lương trong thời gian tới. Điều người lao động quan tâm hiện nay, liệu tăng lương có thật sự tạo đà tăng mức sống và tăng đến đâu để phù hợp với mức giới hạn chịu đựng của doanh nghiệp (DN)?


Công nhân rút tiền lương tại cây ATM Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Ảnh: Ngọc Châu



(HNM) - Ở thời điểm này, tuy không có cuộc khảo sát chính thức nào được công bố, nhưng với tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu, chi phí khám chữa bệnh liên tục tăng, trong khi lương chỉ tăng một phần không đáng kể đã và đang khiến cho đời sống của người lao động khá chật vật. Chính sách tiền lương chưa đáp ứng mức sống tối thiểu, có sơ hở để DN lách luật là cảm nhận chung của nhiều người.

Chưa tăng lương đã lo tăng giá

"Một con cá rô phi 0,5kg là 27 nghìn đồng dành để kho mặn ăn trong 3 ngày; rau hết 7-10 nghìn đồng cho một bữa; rồi còn gạo, dầu ăn, mắm, muối, mì chính, điện thắp sáng, nước, ga nấu nướng… Mỗi tháng, dù tiết kiệm tối đa nhưng riêng chi phí sinh hoạt đã hết 2,5 triệu đồng. Ngoài ra, em phải dành dụm 700 nghìn đồng gửi về quê nuôi con ăn uống, học hành nên không còn tiền chi tiêu cho bản thân" - chị Nguyễn Thị Lập, nhân viên vệ sinh của Hợp tác xã Mua bán nhà đất Thụy Điển chia sẻ. Chị Lập cho biết thêm, nghe nói là tới đây sẽ được tăng lương, lo nhiều hơn mừng, vì đã thành quy luật, tăng lương là giá cả tăng vù vù. Đơn cử thịt lợn năm 2010 chỉ 40-60 nghìn đồng/kg thì nay đã phi mã lên 80-120 nghìn đồng/kg tùy loại. Giá cả các dịch vụ y tế ở Hà Nội cũng vừa tăng. Mặt khác, nếu tăng lương nhưng chủ sử dụng lao động giảm các chi phí ngoài lương thì cũng không có ý nghĩa.

Thu nhập hiện tại chưa bảo đảm chi phí sinh hoạt, đời sống của đa phần công nhân, lao động. Ảnh: Như Ý



Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội) nhận định, phản ánh trên là có cơ sở. Qua tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã khẳng định một phần thực tế này. Với thu nhập hiện tại, đời sống của đa phần công nhân, lao động còn chật vật. Đặc biệt, quy định lương tối thiểu chưa bảo đảm chi phí sinh hoạt. Bà Bùi Thị An cho rằng, nếu cơ quan quản lý đặt mức lương tối thiểu bên cạnh thước đo chi tiêu tối thiểu sẽ thấy sự không cân xứng do nhiều yếu tố như tỷ lệ lạm phát, giá nhu yếu phẩm, thực phẩm, giá dịch vụ cũng liên tục tăng trong nhiều năm qua. Vì vậy, tăng lương đến đâu cũng cần tính kỹ, cho phù hợp với điều kiện hiện nay. "Nếu tăng lương mà giá cả vẫn ổn định thì đó là niềm mong ước của những người sống bằng lương. Bởi thế, quan trọng nhất là Nhà nước phải có các biện pháp hữu hiệu kiềm chế được giá cả thị trường" - bà Bùi Thị An nhận định.

Theo kiểm kê mới nhất của BHXH Việt Nam, số nợ BHXH, BHYT đến đầu tháng 8 đã tăng lên trên 11 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,18% so với tổng số phải thu và tăng trên 1,4 nghìn tỷ đồng (15,6%) so với cùng kỳ năm 2013. Tỷ lệ nợ của một số địa phương có số thu lớn lần lượt là: Đà Nẵng 5,6%; Bình Dương 6,1%; TP Hồ Chí Minh 6,7%; Hà Nội 7,1% và Đồng Nai 7,3%...

Chiêu bài lách luật của doanh nghiệp

Thêm một điều bất hợp lý nữa là, nỗi lo tăng lương nhưng không tăng mức sống của công nhân bắt nguồn cả từ sự lách luật của DN. Theo quy định hiện hành, Chính phủ quy định thang lương, bảng lương đối với DN nhà nước. Từ năm 2002, các DN ngoài nhà nước được tự xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động theo các nguyên tắc hướng dẫn của Chính phủ (Bộ luật Lao động, Điều 57). Trong quá trình thực hiện Bộ luật Lao động về tiền lương tối thiểu, do sức ép việc làm, năng lực thỏa thuận của người lao động, vai trò của công đoàn còn hạn chế nên một số DN đã ép tiền lương sát với mức lương tối thiểu, thậm chí dùng mức lương tối thiểu để trả cho lao động có trình độ.

Ngoài việc có xu hướng áp dụng mức lương tối thiểu vùng thấp, các DN tư nhân và FDI còn chia nhỏ thang lương, trả lương cho lao động kỹ thuật bằng hoặc cao hơn một chút so với lương tối thiểu; tăng phụ cấp và các khoản trả có tính chất lương khác để cắt giảm khoản trả bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT). Nhiều DN lại chậm đóng, nợ BHXH, BHYT hoặc trích trừ, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT của người lao động để làm vốn duy trì hoạt động. Bởi, số tiền nợ BHXH, BHYT theo quy định hiện hành có lãi chậm đóng thấp hơn lãi suất khi đi vay vốn từ các ngân hàng, chưa kể không phải làm thủ tục thế chấp. Đây chính là điều mà theo ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từng cho là "cướp đoạt lợi ích của người lao động". Tăng lương nhưng không có chế tài kiểm soát chặt chẽ việc trích lương đóng BHXH, BHYT tương ứng kèm theo thì cũng ít có giá trị. Trước mắt, việc trốn đóng BHXH, BHYT đồng nghĩa người lao động sẽ khó nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước trong lúc ốm đau, thai sản, chuyển công tác. Về lâu dài cũng khó có khả năng nhận được lương hưu nếu DN vẫn nợ BHXH, BHYT hoặc phá sản, nên nguy cơ đối mặt với cuộc sống bấp bênh, khốn khó khi hết tuổi lao động rất cao. Nhìn rộng hơn, ở góc độ quản lý còn khiến quỹ BHXH mất cân đối thu, chi, dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ…

Từ những chiêu lách luật, đến nay con số nợ đọng BHXH của DN liên tục tăng theo thời gian. Cùng với nợ BHXH, BHYT, việc trốn đóng BHXH, trục lợi BHXH cũng ngày càng tinh vi hơn.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã yêu cầu các ban nghiệp vụ phải tăng cường công tác giám sát và chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt công tác thu trên từng địa bàn, đặc biệt, cần kiên quyết lập hồ sơ, khởi kiện những DN nợ dây dưa, kéo dài. Vì trong thời điểm này, đây vẫn là biện pháp thu hồi nợ đọng tối ưu nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: “Hụt hơi” chạy đua với giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.