LTS: Hướng tới ngày bầu cử 22-5, Hà Nội đã và đang dồn sức tập trung thực hiện các bước chuẩn bị. Kết quả đợt kiểm tra của 16 đoàn do các Phó Bí thư Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy dẫn đầu và 2 đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố vừa qua đã làm rõ nhiều kết quả quan trọng, cũng như chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục quan tâm để tổ chức thành công cuộc bầu cử.
Bài 1: Chú trọng chất lượng nhân sự
Chất lượng ứng cử viên sẽ quyết định chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, cũng có nghĩa là quyết định chất lượng cơ quan dân cử. Với ý nghĩa quan trọng này, các cấp ủy Thủ đô đã tập trung lãnh đạo công tác chuẩn bị về nhân sự, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm đúng luật.
Ban chỉ đạo bầu cử huyện Ứng Hòa cập nhật thông tin về công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: Bá Hoạt |
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Cống Vị (quận Ba Đình) Phạm Thị Thạch Bích cho biết, ngay từ khi bắt đầu triển khai, ra nghị quyết lãnh đạo công tác bầu cử, Đảng ủy phường đã chỉ đạo đưa nội dung về bầu cử vào sinh hoạt chi bộ hằng tháng. Việc sớm triển khai công tác bầu cử tại cơ sở đã thu hút sự quan tâm, đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác nhân sự. "Ngay từ hiệp thương lần thứ nhất chúng tôi đã thấy nhân dân rất quan tâm đến vấn đề nhân sự, nên đã có những sự lựa chọn chính xác" - Bí thư Đảng ủy phường Cống Vị cho biết. Còn Bí thư Đảng ủy phường Kim Mã (quận Ba Đình) Tạ Thành Dương cho biết, đúc rút từ kinh nghiệm nhiệm kỳ bầu cử trước, phường đã chủ động thực hiện chuyên đề quy hoạch nhân sự cho các chức danh ở phường. Đây là cơ sở để phường chủ động về nhân sự HĐND. Đến nay, toàn bộ phương án nhân sự cán bộ chủ chốt của quận Ba Đình và 14 phường đã được Ban Thường vụ Quận ủy thông qua. Phương án bổ sung thêm một phó chủ tịch HĐND quận theo luật mới cũng đã sẵn sàng, bảo đảm chất lượng.
Theo Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi, việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác nhân sự đã được quận quan tâm đặc biệt. Ban Thường vụ Quận ủy đã kịp thời rà soát, bổ sung quy hoạch chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND quận để phục vụ cho công tác bầu cử đại biểu HĐND quận nhiệm kỳ 2016-2021. Khi xây dựng dự kiến cơ cấu, số lượng, thành phần nhân sự, Thường trực HĐND quận, phường đều trình Ban Thường vụ Đảng ủy biểu quyết thông qua tại hội nghị nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, đúng độ tuổi, tiêu chuẩn theo quy định. Đáng lưu ý, tỷ lệ nữ, trẻ, người ngoài Đảng tham gia ứng cử đại biểu HĐND quận Hoàn Kiếm đạt cao. Trong số 91 người nộp hồ sơ, thì có 53 ứng cử viên nữ (58,24%), 31 ứng cử viên trẻ dưới 35 tuổi (34,06%), 27 ứng cử viên ngoài Đảng (29,67%).
Khác với Hoàn Kiếm, Ba Đình, huyện Thanh Oai gặp khó khăn về công tác nhân sự. Đoàn kiểm tra của Thành ủy và giám sát HĐND thành phố cho biết, sau khi hiệp thương, tỷ lệ nữ, trẻ không bảo đảm trước khi bầu, nhất là tại các xã, thị trấn. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lê Thị Hà lý giải, ở nông thôn, phụ nữ thường không hăng hái tham gia công tác xã hội, một mặt do trình độ, mặt khác là do tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh. Đoàn kiểm tra của Thành ủy đã chỉ đạo huyện có giải pháp khắc phục, nhất là tránh để tỷ lệ này giảm tiếp sau các vòng hiệp thương. Tại huyện Ứng Hòa, trao đổi với Đoàn kiểm tra của Thành ủy, lãnh đạo huyện cho biết, có 4 xã chỉ dự kiến nhân sự theo cơ cấu cứng, không có số dư. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn cho biết, Ủy ban Bầu cử huyện đã yêu cầu 4 xã phải điều chỉnh, bổ sung nhân sự cho đủ. Sau khi hiệp thương vòng 3 phải đủ tỷ lệ cơ cấu và số dư theo quy định của luật. Trong khi chờ Trung ương phản hồi về đề xuất điều chỉnh phân loại xã, phường, các cấp ủy địa phương đã và đang tập trung chỉ đạo giải quyết vấn đề thừa phó chủ tịch UBND cấp xã. Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Hai Bà Trưng, nơi có 12 phường loại II đã nêu rõ yêu cầu: Phải rà soát, phân tích kỹ từng trường hợp, có giải pháp bảo đảm ổn định ngay từ cơ sở.
Nhằm bảo đảm thực hiện đúng Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, cấp ủy các quận, huyện, thị xã đã tổ chức các đoàn kiểm tra tại cơ sở do các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy làm trưởng đoàn. Tiêu biểu là Huyện ủy Chương Mỹ, Huyện ủy Hoài Đức, Thị ủy Sơn Tây, Quận ủy Hà Đông… Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Lê Trọng Khuê cho biết, các ủy viên Thường vụ Huyện ủy được phân công làm trưởng đoàn kiểm tra sẽ chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy cho tới khi tổ chức thành công cuộc bầu cử.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố đã tổ chức 35 đợt kiểm tra, giám sát tại các địa phương về công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử. Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Vũ Hồng Khanh khẳng định, việc tổ chức các hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp trên địa bàn thành phố đã hoàn thành và kết thúc đúng tiến độ. "Kỳ bầu cử này không khí dân chủ cao hơn, số lượng người tự ứng cử cũng cao hơn" - Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố cho biết.
UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng đoàn kiểm tra số 1 của Thành ủy cho rằng, chất lượng ứng cử viên rất quan trọng, là cơ sở để có chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Thành phố đã, đang và sẽ làm hết sức để lãnh đạo về công tác cán bộ bảo đảm dân chủ, đúng luật. Tuy nhiên, kết quả nhân sự cuối cùng phụ thuộc vào sự lựa chọn của cử tri nên các cấp ủy phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để cử tri nắm bắt thông tin, lựa chọn người xứng đáng nhất bầu vào các cơ quan dân cử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.