(HNMCT) - Hỏi: Trời lạnh, gia đình tôi rất thích ăn các món nướng và thường sử dụng giấy nhôm (giấy bạc) để bọc thực phẩm. Tuy nhiên, tôi nghe nói rằng làm như thế là không tốt. Xin hỏi, nên dùng giấy nhôm bọc thực phẩm như thế nào để vừa không ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, vừa bảo vệ sức khỏe? Trần Nguyễn Thu Hà (quận Đống Đa, Hà Nội)
Đáp: Cơ thể chúng ta không cần nhôm nhưng nhôm lại có tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm và một phần do con người vô tình đưa vào. Việc dùng màng nhôm để bao phủ thực phẩm là một trong những nguồn cung cấp nhôm cho cơ thể ngoài ý muốn.
Nhôm khi vào cơ thể được hấp thu qua đường ruột, một phần tích lũy ở các mô rải rác trong cơ thể, nhiều nhất là ở xương, còn đa số bài tiết ra ngoài theo phân hoặc nước tiểu. Tỷ lệ tích lũy và đào thải tùy thuộc một phần vào việc nhôm được đưa vào cơ thể ở dạng hợp chất nào. Khi thử nhôm trên chuột thì thấy chuột bị nhiễm độc thần kinh, thậm chí ảnh hưởng đến cả hệ thần kinh của thế hệ con cháu nhà chuột. Những người chạy thận nhân tạo cũng bị nhiễm độc nếu phơi nhiễm với nhôm nồng độ cao.
Do đó, để lượng nhôm đi vào cơ thể không vượt mức cho phép, chúng ta nên lưu ý khi sử dụng giấy bạc để bao bọc thức ăn: Không nên dùng giấy bạc trong lò vi sóng vì lò vi sóng làm chín thực phẩm từ bên trong ra bằng sóng điện từ nên sẽ phá hoại giấy bạc cực nhanh, ion nhôm sẽ xâm nhập vào thực phẩm nhanh và dễ dàng hơn. Cần hạn chế dùng giấy bạc để nướng, vì nhiệt độ càng cao thì sẽ càng thôi nhôm nhiều hơn. Không dùng giấy bạc để bao gói thực phẩm giàu axít như những loại trái cây có vị chua, những món ăn có giấm vì axít phản ứng với chất nhôm trong giấy bạc làm ăn mòn giấy bạc, khiến nhôm có thể thấm vào thức ăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.