Thảm sát Holocaust hay trại tập trung Auschwitz, với người đọc ngày nay, đã cách xa bốn, năm thế hệ, nhưng những ám ảnh về nó được tái hiện trong nhiều tác phẩm văn chương. Tiểu thuyết “Bác Hana” của nữ nhà văn Alena Mornštajnová là minh chứng sâu sắc cho nỗi đau và tổn thương ngấm sâu từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Tại Manzi Art Space, Nhà Xuất bản Phụ nữ vừa tổ chức ra mắt tác phẩm này.
Cuốn tiểu thuyết “Bác Hana” được tác giả Alena Mornštajnová viết dựa trên sự kiện về Holocaust, qua những tài liệu lưu lại và lời kể của những người sống sót từ trại tập trung. Ban đầu, tác giả định viết một cuốn sách về dịch thương hàn nhưng khi đọc các tài liệu tham khảo, bà phát hiện một bản “Danh sách Heller” gần hai trăm người Do Thái đã sống ở thành phố mà một buổi tối nào đó bước chân lên tàu hỏa và không bao giờ trở về nữa. Bà đã gắn hai sự kiện ấy - dịch bệnh và chiến tranh - vào câu chuyện của cô gái mang tên Hana.
Hana là một trong những cái tên ưa thích nhất cho các bé gái ở Séc, đặc biệt vào thế kỷ XX, bởi trong tiếng Hebrew nó mang ý nghĩa nhân hậu, dịu dàng, dễ thương, đẹp đẽ. Nhưng đồng thời trong tiếng Séc, “hana” còn là một danh từ chỉ sự hổ thẹn, tủi nhục. Đặt tên tiểu thuyết là “Hana”, với tác giả Alena Mornštajnová không chỉ là tên của nhân vật chính mà đó còn là cảm giác mà nhân vật ấy phải sống cùng trong suốt cuộc đời mình về “những ký ức ấy đã vĩnh viễn hằn sâu trong óc tôi, giống như con số xăm trên cánh tay trái”.
Câu chuyện bắt đầu vào những năm 1950 với dịch thương hàn bùng phát khiến cả thị trấn nhỏ Meziříčí của Séc bị phong tỏa, biết bao sinh mạng đã bị cướp đi, trong đó có cha mẹ và hai em của cô bé Mira, 9 tuổi. Mồ côi cha mẹ, cô bé buộc phải sống với người thân duy nhất của mình là bà bác Hana lập dị. Dần dần, cô bé khám phá ra sự thật chôn giấu về quá khứ của bác Hana và lịch sử bi thảm của gia đình mình - một gia đình Do Thái, từ đó cắt nghĩa được tính cách, hành vi, dáng vẻ gầy yếu mong manh cũng như hình xăm trên cổ tay bác.
Trải dài theo hai dòng thời gian riêng biệt, tiểu thuyết đưa độc giả khám phá thị trấn Meziříčí, nhà giam ở Terezín và trại tập trung Auschwitz-Birkenau trong suốt những năm từ 1940 đến 1950. Những chương đầu tiên tập trung vào cô bé Mira để dẫn dắt câu chuyện đến phần 2 của cuốn tiểu thuyết, đưa độc giả quay ngược thời gian về những ngày tháng châu Âu bị chiếm đóng khi các biện pháp “bài Do Thái” phi nhân tính của Đức Quốc xã lần đầu tiên có hiệu lực. Ở những chương cuối, người đọc sẽ được chứng kiến bao nhiêu người Do Thái sống sót sau thảm họa đã phải vật lộn để tái hòa nhập xã hội sau chiến tranh, mà điểm chung của những số phận đó là mặc cảm tội lỗi. Họ thấy có lỗi, khi chỉ có họ sống sót. Họ trở về một thế giới không muốn họ, một thế giới không hiểu họ.
Đề cập đến một đề tài nặng nề và ám ảnh, nhưng tiểu thuyết “Bác Hana” được viết khéo léo, rành mạch và sáng trong với cốt truyện, nội dung rõ ràng và dễ hiểu, đặc biệt được kết thúc bằng những thanh âm rất đẹp. Theo dịch giả Bình Slavická, “Hana là cuốn sách mà bạn ngồi đọc cho tới ba giờ sáng, bạn khóc với nhân vật và mong sách không bao giờ kết thúc”.
Tiểu thuyết “Bác Hana” đã giành giải thưởng Česká kniha (Giải thưởng Sách Séc) năm 2018, cho đến nay đã được dịch sang 18 ngôn ngữ, được chuyển thể sân khấu và điện ảnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.