(HNMCT) - Đã 77 năm sau ngày chiến thắng phát xít, nhưng sự thảm khốc mà Đức quốc xã gây ra trong chiến tranh thế giới lần thứ hai vẫn còn ám ảnh nhân loại. Những cuộc trốn chạy, lò thiêu..., tất cả đã được viết trong nhiều cuốn sách mà mỗi chương, mỗi dòng đều khiến độc giả đau lòng.
Số phận trẻ em
“Chúa Trời, nếu như Người cho phép/ Con sẽ ước chỉ một điều thôi/ Xin một lần nữa, chỉ một lần nữa thôi/ Con mong được là con của những ngày tháng ấy” - bản đàn được cất lên trong “Cây vĩ cầm Ave Maria” không chỉ là nỗi lòng của riêng cô bé Hannad mà là của biết bao tuổi thơ khác phải lớn lên trong chiến tranh. Ước ao lại được là con của bố mẹ, là cháu của ông bà, lại được cùng anh chị em chơi đùa là khát khao ám ảnh suốt cả cuộc đời của những đứa trẻ đã phải trải những tháng ngày không thể tưởng tượng nổi. Cuộc sống hạnh phúc yên bình bỗng nhiên chấm dứt trong một ngày không bình thường, để từ đó bắt đầu các cuộc trốn chạy hoặc sống chen chúc trong “chái nhà bí mật” để tránh sự lùng sục của bọn Gestapo, chứng kiến sự biến mất của những người thân yêu trong các cuộc tàn sát hay những tháng ngày tưởng như không thể vượt qua trong các trại tập trung.
“Nhật ký Anna Frank”, “Cây vĩ cầm Ave Maria”, “Ánh sáng vô hình”, “Kẻ trộm sách”, “Kinh cầu nguyện Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời”, “Chú bé mang Pyjama sọc”, “Không số phận”... viết về nỗi mất mát, đớn đau của tuổi thơ trong Thế chiến 2. Ở đó phơi bày sự thật tàn khốc của chiến tranh mà ngay cả Thần Chết cũng phải rùng mình. “Tôi nghĩ rằng đối với một đứa trẻ, những năm tháng trong thời chiến được tính gấp đôi” là suy nghĩ của nhân vật trong cuốn “Max - bi kịch của "chủng tộc thượng đẳng”.
Nếu những đứa trẻ Do Thái bị tước đoạt số phận cá nhân, bị đối xử như những sinh linh hạ cấp, thậm chí bị tước đoạt quyền sống còn, thì những đứa trẻ “thượng đẳng” của “chủng Aryan ưu việt” được “nhân giống” từ các đối tượng đã được chọn lọc kỹ càng như cậu bé Max cũng cảm thấy khủng khiếp không kém: “Một cuộc sống được lên kế hoạch sẵn, được điều chỉnh dựa trên các thông số cụ thể đã thiết lập từ trước. Một cuộc sống được nuôi dưỡng bởi sự chết chóc”. Hàng nghìn đứa trẻ là con của lính SS và những người phụ nữ được tuyển chọn đã được tạo ra, nhưng chỉ vài tháng sau khi chào đời đã bị đánh cắp khỏi cha mẹ. Những đứa trẻ không có ý niệm về gia đình, với chúng, người cha tinh thần là Quốc trưởng, người mẹ tinh thần là nước Đức quốc xã. Chúng được nuôi dạy và huấn luyện khắc nghiệt để trở thành đội quân gan góc, dũng mãnh, không khoan nhượng khiến bất cứ ai cũng phải run sợ.
Nhưng, dù là con đẻ của Đức quốc xã thì phần con người của cậu bé Max vẫn không bị xóa sạch hoàn toàn. Cũng như biết bao con người tử tế khác, cậu đã dũng cảm vượt qua sự sợ hãi tột độ để giúp đỡ những số phận Do Thái trước sự truy lùng của Đức quốc xã.
Trừ cuốn sách “Max - bi kịch của “chủng tộc thượng đẳng” được “đóng dấu” dành cho tuổi trưởng thành, thì những tác phẩm viết về trẻ em trong Thế chiến 2 vừa đem đến cảm giác hồi hộp và đau lòng đến nghẹt thở về thảm họa diệt chủng, lại vẫn có sự trong trẻo, hồn nhiên, thơ mộng, lay động người đọc.
Những biên bản về tội ác chiến tranh
Nếu những cuốn sách viết về tuổi thơ trong Thế chiến 2 hầu hết đã được loại bỏ hoặc giảm bớt những chi tiết quá tuổi so với độc giả trẻ, thì những cuốn sách dành cho bạn đọc trưởng thành phơi bày trần trụi sự thật về sự tàn bạo của Đức quốc xã. Có thể kể tên “Danh sách của Schindler”, “Có được là người”, “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”, “Những người sống và những người chết”, “Lò sát sinh số 5”, “Hai người đàn bà”, “Thợ xăm ở Auschwitz”, “Stalingrad: Trận Chiến Định Mệnh”, “Bẫy - 22”, “Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ ba”, “Chuộc tội”, “Đi tìm lẽ sống”...
Cơn ác mộng kinh hoàng để lại cho bất cứ ai từng trải qua những tháng ngày tồn tại ở trại tập trung, nhưng nhiều nhân vật trong các cuốn sách ấy đã vượt qua ranh giới sống chết. Vượt qua không chỉ vì may mắn, mà còn vì họ có đủ dũng cảm, trí thông minh, luôn nuôi giữ hy vọng và quyết tâm còn sống trở về để được gặp lại người thân yêu, và để thực hiện sứ mệnh lớn lao là tố cáo tội ác ghê rợn của quân phát xít.
Nhiều tác phẩm viết về Thế chiến 2 đã được trao giải thưởng văn học danh giá. Như giải thưởng Booker cho “Danh sách của Schindler”, giải thưởng Audie cho “Thợ xăm ở Auschwitz”, giải thưởng Prix Sorcieres cho “Max - bi kịch của "chủng tộc thượng đẳng”, giải thưởng Pulitzer cho “Ánh sáng vô hình”, giải thưởng Nobel văn chương cho tác giả Svetlana Alexievich với chuỗi tác phẩm về chiến tranh, trong đó có “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.