Sách

Bản giao hưởng chiến tranh và hòa bình

Yên Nga 10/12/2023 - 07:34

“Tóc râu giờ bạc trắng rồi/Mà toàn nói chuyện một thời còn xanh/Mấy lần thần chết gọi anh/Còn duyên còn nợ chưa đành ra đi” - nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam viết hồi ký “Phóng viên chiến trường” với tâm thế như thế.

Cuốn hồi ký là một bộ phim, một bộ ảnh, một bản giao hưởng chất chứa vị mặn của mồ hôi, màu đỏ của máu, bụi bặm của những bước chân trên khắp các nẻo đường chiến tranh và hòa bình mà tác giả đã đi qua.

hoi-ky.jpg
Cuốn hồi ký “Phóng viên chiến trường” giàu giá trị của nhà báo Trần Mai Hưởng.

Ở tuổi ngoài 70, nhà báo Trần Mai Hưởng ra mắt hồi ký như ông tâm sự: “Tôi muốn ghi lại kỷ niệm nghề nghiệp của mình trong cuộc đời của người làm báo từ khi còn trẻ đến cuối cuộc đời. Đây không phải câu chuyện của riêng tôi mà của các thế hệ cán bộ, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trong các thời điểm, địa bàn rất phức tạp, khó khăn. Tôi cũng muốn ghi lại hình ảnh của đồng nghiệp thân thương, quý mến một thời của mình mà nhiều người trong số họ đã nằm lại ở chiến trường. Cuốn sách cũng là cách chia sẻ tâm tư của một thế hệ làm báo trong chiến tranh đến thế hệ hôm nay”.

Hồi ký “Phóng viên chiến trường: Trên những nẻo đường chiến tranh và hòa bình” của nhà báo Trần Mai Hưởng do Nhà Xuất bản Thông tấn và thương hiệu sách Sống (Công ty cổ phần Sách Alpha - Alpha Books) liên kết xuất bản và ra mắt bạn đọc những ngày cuối năm 2023. Gần 500 trang sách trải ra trước mắt người đọc câu chuyện cuộc đời phong phú, thăng trầm của một nhà báo, phóng viên chiến trường kỳ cựu. Tác giả bắt đầu hồi ký về cậu thiếu niên 13 tuổi đi sơ tán cùng em gái khi máy bay Mỹ ném bom ra miền Bắc. Dự cảm về “những ngày thanh bình sẽ không còn” của một người trưởng thành và nhận thức sớm đã dẫn dắt ông đến với nghề báo từ khi 16 tuổi và trở thành phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam khi chưa tròn 20 tuổi.

Nhà báo Trần Mai Hưởng cùng các đồng nghiệp thuộc thế hệ của mình đã trải qua những giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất của chiến tranh, ở khắp các chiến trường, chứng kiến những dấu mốc, sự kiện quan trọng của đất nước. Chính vì thế, những trang viết trong cuốn sách về “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972 ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng khi những địa phương này vừa giải phóng; Dinh Độc Lập trong ngày 30-4-1975 lịch sử; Phnom Penh đúng ngày 7-1-1979, khi các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam cùng quân đội cách mạng Campuchia tiến vào đây, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot; Hà Giang, Cao Bằng khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra… đều chân thực, sống động. Không chỉ có những sự kiện khô khan, cuốn hồi ký gây xúc động, bồi hồi cho người đọc ở những câu chuyện trên hành trình tác nghiệp của tác giả. Có niềm vui, nỗi buồn; có gặp gỡ, chia ly; lúc hiểm nguy cận kề cái chết và có những giây phút yên bình hiếm hoi…

Cùng với kể chuyện chiến trường, cuốn hồi ký còn đưa độc giả đến những miền đất, những nẻo đường từ Bắc vào Nam, những điểm địa đầu, nơi biển đảo của Tổ quốc; các quốc gia, châu lục trên thế giới mà tác giả đi, đến khi hòa bình. Chuyện những em bé dân tộc ở Sa Pa, những cụ già ở U Minh Thượng...; chuyện từ bờ Đông đến bờ Tây nước Mỹ, về cuộc sống của cộng đồng người Việt ở đây; chuyện ở Cuba, Nam Mỹ, Nam Cực, châu Phi hay ở các quốc gia châu Âu… được viết bằng ngòi bút một nhà báo năng động, nhạy bén, tinh tế và giàu trải nghiệm thật cuốn hút, rung động và ẩn chứa nhiều giá trị.

Viết lời tựa cho cuốn hồi ký, nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định: “Cuốn sách này không chỉ có những bước chân mà còn có cả vị mặn của mồ hôi và màu đỏ của máu; có những thao thức, chiêm nghiệm về hành trình của một đời người qua những năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh và hòa bình. Với văn phong tưởng như chất phác mà rất giàu chất thơ, cuốn hồi ký không chỉ giá trị với bạn đọc cả nước nói chung mà còn rất giá trị với những người làm báo nói riêng”.

Bên cạnh làm báo, tác giả Trần Mai Hưởng còn làm thơ, là cộng tác viên thân thuộc của trang thơ Báo Hànộimới và nhiều ấn phẩm văn nghệ, báo chí khác. Nên không ngạc nhiên khi trong một vài phần của hồi ký, tác giả lồng thơ để thay cho những suy tư, chiêm nghiệm của mình. Điều đó cũng tạo nên nét đặc biệt của cuốn hồi ký này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bản giao hưởng chiến tranh và hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.