(HNM) - Với chiến thắng áp đảo trong ngày
Bà H.Clinton và những người ủng hộ sau khi giành chiến thắng trong bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. |
Để tiến tới "cột mốc" được ví là khoảnh khắc bước ngoặt cho phái yếu ở xứ Cờ hoa, nữ chính trị gia 68 tuổi đã phải vượt qua một chặng đường không ít gian nan. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm ngoái, bà Hillary Clinton đã tham gia 419 sự kiện, di chuyển tới 42 bang và có 53 lần tuyên bố đề xuất chính sách. Không như ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa, có thể dễ dàng vượt lên trong hầu hết các cuộc bầu cử sơ bộ, phu nhân của cựu Tổng thống Bill Clinton phải đương đầu với một đối thủ khá "nặng ký" là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Có những lúc tưởng chừng bà đã "đuối sức" trong cuộc đua khi chịu thất bại tại một số điểm như Washington và Alaska (hồi tháng 3 vừa qua). Bên cạnh đó, bê bối sử dụng e-mail cá nhân trong công vụ thời kỳ còn làm Ngoại trưởng Mỹ cũng khiến chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton bị ảnh hưởng.
Các chuyên gia bầu cử Bắc Mỹ cho rằng, "chìa khóa" giúp bà đảo ngược được thế cờ là đề án khá chi tiết về những việc sẽ làm nếu trở thành tổng thống. Dù cương lĩnh tranh cử của bà Hillary Clinton được nhìn nhận là sự nối dài những chính sách của Tổng thống đương nhiệm B.Obama, song "điểm cộng" của các chính sách dự kiến sẽ thực hiện là những ưu tiên dành cho giới lao động nữ. Bên cạnh đó, bà cũng ủng hộ gia tăng số ngày nghỉ cho người lao động để chăm sóc người thân được gọi là chính sách "nghỉ phép gia đình". Theo đó, người lao động được nghỉ phép gia đình tối đa 12 tuần có trả lương và nghỉ phép y tế tối đa 12 tuần có trả lương. Trong thời gian nghỉ phép, Chính phủ sẽ trả cho người lao động 2/3 khoản lương. Số tiền này sẽ được lấy từ khoản tăng thuế với giới nhà giàu Mỹ.
Bà Hillary Clinton cũng ủng hộ tăng lương tối thiểu, mức chung thấp nhất là 12-15 USD/giờ, nhưng chính quyền các bang có quyền tự do định mức lương tối thiểu từ mức này trở lên. Chính sách đầu tư giáo dục tiểu học của bà cũng thu hút sự chú ý của nhiều cử tri khi cam kết không gia đình nào phải chi trả hơn 10% thu nhập cho giáo dục của con cái. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, chất lượng giáo dục tiểu học có thể giúp trẻ em thành công không chỉ ở các cấp học trên mà cả trong sự nghiệp sau này. Vì thế, đầu tư vào giáo dục ban đầu là đầu tư có tính lợi nhuận cao nhất cho tương lai kinh tế. Việc bà Hillary Clinton chủ trương cải cách hệ thống tư pháp và cách hành xử của cảnh sát theo hướng công bằng giữa các sắc tộc cũng giúp "bà đầm thép" Bắc Mỹ chiếm được cảm tình của các cử tri da màu.
Chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ có thể bảo đảm cho cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton vị trí ứng viên của đảng Dân chủ, song vẫn còn nhiều thách thức. Trước hết là sự đoàn kết trong đảng và ủng hộ của người chưa có ý định bỏ cuộc B.Sanders. Đây là nhân vật có thể khiến bà Hillary Clinton gặp khó khăn trước khi bước vào chiến dịch tranh cử với ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa D.Trump.
Tuy nhiên, những thuận lợi mà bà Hillary Clinton có được tới thời điểm này là đáng kể khi nhận được sự ủng hộ của Tổng thống đương nhiệm B.Obama, người từng buộc bà phải dừng bước trong cuộc bầu cử sơ bộ đúng 8 năm về trước. Hiện nay "ông chủ" Nhà Trắng đang nỗ lực thuyết phục ứng cử viên B.Sanders dừng bước để "dồn phiếu" cho cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nhằm đánh bại đối thủ D.Trump trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 58 của nước Mỹ. Trước mắt, ứng cử viên đảng Dân chủ vẫn còn một chặng dài và chông gai. Thế nhưng, với những gì đã làm được, bà Hillary Clinton hoàn toàn xứng với danh hiệu "nữ chính trị gia được yêu mến nhất nước Mỹ".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.