Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ba động lực tăng trưởng

Gia Khánh| 06/06/2023 06:48

(HNM) - Chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 5-2023 trực tuyến với các địa phương, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng, gồm: Xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.

Thực tế, đây đều là những lĩnh vực có đóng góp rất lớn, có thể coi là trụ cột của tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 5-2023, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 29,5 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng 4-2023 nhưng giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 136 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Còn theo Bộ Tài chính, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Ước tổng vốn đầu tư công thanh toán tính đến ngày 31-5-2023 là hơn 157.000 tỷ đồng, bằng 22,22% kế hoạch, tương đương với cùng kỳ năm 2022 (22,37%). Trong đó, có 32 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương chỉ giải ngân được dưới 10% kế hoạch vốn. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện ước đạt 7,56 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Cả giải ngân vốn đầu tư công và thu hút vốn đầu tư nước ngoài chưa như mong muốn khiến nền kinh tế thiếu đi nguồn lực quan trọng có tính lan tỏa, thu hút các nguồn lực xã hội khác để thúc đẩy tăng trưởng.

Trong các động lực, tiêu dùng có thể coi là điểm sáng, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 2.527 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2015 trở lại đây.

Căn cứ mục tiêu cả năm 2023 và giai đoạn đến năm 2025, áp lực tăng trưởng kinh tế những tháng còn lại của năm 2023 là rất lớn, đòi hỏi phải nỗ lực, quyết tâm cao. Điều đó có nghĩa là tăng trưởng của quý II, III và IV sẽ phải cao hơn giai đoạn trước. Như vậy, 3 động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng càng phải được thúc đẩy mạnh mẽ. Trước hết, hoạt động xúc tiến thương mại phải đổi mới vừa nỗ lực duy trì thị trường truyền thống, trọng điểm, vừa phát triển thị trường gần (như các nước Đông Nam Á, Trung Quốc), thị trường mới (khu vực: Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ La tinh). Cùng với đó, các bộ, ngành cũng cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do. Thực tế cho thấy, các hiệp định thương mại tự do là đòn bẩy cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, thị trường trong nước là điểm tựa để doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, từ đó phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đây là bài học trong giai đoạn dịch Covid-19 khiến thị trường toàn cầu “đóng băng”. Muốn vậy, các hoạt động kích cầu thị trường cần được đẩy mạnh, bên cạnh những chính sách tài khóa miễn giảm thuế, phí đang được triển khai. Doanh nghiệp cũng cần chủ động kết nối tạo thành chuỗi cung ứng, giảm khâu trung gian, đưa ra chương trình khuyến mại hấp dẫn.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức là giải pháp thúc đẩy cả 3 động lực tăng trưởng. Đó là chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính, lãi suất, tìm kiếm thị trường, tạo không gian phát triển. Đặc biệt là chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tăng cường phân cấp, phân quyền... Một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng sẽ thu hút được nguồn lực đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba động lực tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.