Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ba chuyện - một nguồn gốc

Nguyễn Triều| 08/08/2010 06:26

(HNM) - Chuyện thứ nhất. Nhân năm học mới, ngành dịch vụ vui mừng thông báo tới toàn thể các cháu học sinh và phụ huynh một tin, có thể nói, là một món quà đầy ý nghĩa tặng các cháu, nhất là với những cháu lần đầu tiên tới trường - Cặp Chống Gù. Theo khuyến cáo, loại cặp này giúp các cháu, dù có đeo nặng quá sức, trong thời gian dài, cũng không thể bị gù!


Đúng là một quà tặng không thể tốt hơn, có ý nghĩa hơn đối với các chủ nhân tương lai của đất nước!

Chuyện thứ hai. Vừa rồi, nhiều thành phố lớn như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội bắt đầu triển khai một dự án lớn nhằm bảo vệ môi trường, chuẩn bị đối phó với hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu. Đó là dần dần từ bỏ, hạn chế, tiến tới không sử dụng túi ni lông. Bởi người ta nhận thấy túi nilông đã trở thành một thảm họa môi trường từ nông thôn tới thành thị; từ núi cao tới biển sâu. Loại túi này hàng nghìn năm chôn dưới đất, ngâm trong nước vẫn không bị phân hủy. Và vì vậy, không thể kéo dài tình trạng sử dụng chúng một cách bừa bãi, vô trách nhiệm. Từ nhà quản lý tới nhà sản xuất; từ người buôn bán tới người tiêu dùng đều nói "không" với túi nilông.

Đúng là đã đến lúc!

Chuyện thứ ba. Giữa tháng 4-2007, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định cho phép Vinashin được mua tàu Hoa Sen trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu về thương mại, kỹ thuật, luật pháp... Chưa được hai tuần sau, ngày 25-4-2007, Vinashin (không rõ là do cả HĐQT hay do một cá nhân nào đó quyết định) đã ký giấy mua tàu Hoa Sen, không tuân thủ bất kỳ một yêu cầu nào của Thủ tướng. Tổng giá trị đội tàu của Vinashin khoảng 14 nghìn tỷ đồng mà tới 2/3 hiện nay không sử dụng được, trong đó có tàu Hoa Sen, trị giá 1.300 - 1.400 tỷ đồng!

Trong 3 năm, từ 2006 tới 2008, tất cả có 11 đoàn thanh tra tới làm việc ở Vinashin và không một đoàn nào phát hiện ra sai sót, một tiêu cực nào!...

Đúng là lạ như chuyện Vinashin!

Ba chuyện trên tưởng như chẳng ăn nhập, dính dáng gì đến nhau nhưng nếu nhìn nhận sự việc thật nghiêm túc, đi vào bản chất vấn đề sẽ thấy chúng có quan hệ rất hữu cơ, nói một cách đơn giản hơn là chúng cũng xuất phát từ một nguồn gốc.

Sáng kiến "cặp chống gù" thật tuyệt nhưng sẽ tuyệt hơn nhiều và giải quyết vấn đề tận gốc hơn nhiều, nếu có được một "sáng kiến" làm sao để con em chúng ta không phải cõng những cái cặp nặng hơn cả trọng lượng vốn không được khỏe mạnh lắm của chúng (đâu như 1/3 trẻ em Việt Nam suy dinh dưỡng về thể chất).

Dù chẳng còn sớm nữa nhưng nếu từ giờ chúng ta loại dần được cái túi nilông đầy tiện lợi nhưng cũng đầy nguy hại ấy thì vẫn là rất may cho tương lai. Vấn đề là loại bỏ nó bằng cách nào? Hiện giờ mới chỉ thấy hô hào, chưa thấy có giải pháp thay thế. Nói đúng hơn chưa hề thấy người ta đưa ra được một thứ túi gì khả dĩ có thể thay được túi nilông. Mấy năm trước thấy tuyên truyền rằng các nhà khoa học Việt Nam đang sắp thành công trong nghiên cứu túi nilông tự hủy. Ầm ĩ một hồi rồi không biết ra sao. Nghiên cứu đó đã thành công nhưng không có tiền để sản xuất đại trà hay từng ấy là đủ cho ai đó làm bằng tiến sĩ, ai đó được bằng khen nên không cần làm tiếp? Lại có một số nơi dùng túi giấy, nhưng nó đắt và cũng không thuận tiện lắm nên chưa được dùng rộng rãi, ngay ở các siêu thị chứ chưa nói tới các chợ bình dân.

Ba năm có 11 đoàn thanh tra mà không hề phát hiện ra "chuột đang rời khỏi tàu". Tại sao vậy? Cơ chế thị trường rồi mà thanh tra, kiểm tra của chúng ta vẫn tuân thủ "Nguyên tắc Vàng" từ thời nào: Thanh tra để khen là thượng sách; để ngừa là trung sách; để xử lý là hạ sách"!

Vậy cho nên ba chuyện trên, mà thật ra không chỉ dừng lại ở ba chuyện trên, đều từ một gốc, từ thói quen của chúng ta: Tự tạo nên khó khăn rồi quyết tâm tìm cánh hô hào để vượt qua. Cứ như vậy nên thành tích bao giờ cũng sẵn mà... xem ra vẫn là dậm chân tại chỗ mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba chuyện - một nguồn gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.