(HNM) - Một năm cũ sắp qua, mùa đông đang dần về độ cuối, ấy cũng là lúc mỗi người lại xốn xang khi đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Chẳng năm nào như năm nào, mỗi lần là một kỷ niệm, có lúc vui, nhưng cũng có khi còn bao điều trăn trở.
Những năm gần đây, nghề giáo được xã hội đặc biệt quan tâm. Sự quan tâm ấy cũng một phần bởi sự quan trọng của nghề này đối với xã hội. Theo guồng quay của cuộc sống, người giáo viên bây giờ cũng tất bật hơn rất nhiều, lo toan hơn rất nhiều. Những bộn bề của cuộc sống đôi khi đã làm "nghiêng ngả" không ít thầy, cô giáo. Nhưng trong một môi trường mà đời sống vật chất đang được đề cao hơn thì vẫn có rất nhiều thầy, cô chấp nhận thua thiệt về bản thân mình để cống hiến cho xã hội.
Ở một trường mầm non thuộc vùng núi còn nhiều khó khăn, chỉ vì sợ mất việc làm mà nhiều cô giáo phải gồng mình vác những bao phân nặng hì hục bón khắp lô cao su rộng hơn 4ha cho nhà hiệu trưởng. Thật chua chát. Nhưng còn cay đắng hơn khi thỉnh thoảng có những câu chuyện đau lòng rằng học sinh A, học sinh B hành hung giáo viên hay phụ huynh chỗ này, chỗ nọ xúc phạm đến những người đang thay họ dạy dỗ con cái mình.
Hồi năm ngoái, một đề tài nghiên cứu được công bố đã đưa ra những con số thật buồn: Có đến 78,2% số giáo viên được hỏi nhận định phần lớn học sinh ngày nay không có thái độ tôn trọng thầy, cô giáo như ngày xưa; gần 60% cho rằng xã hội hiện tại cũng không còn tôn trọng nghề giáo như trước đây, và có tới 72,4% số giáo viên cho rằng hiện nay công luận thường xuyên đánh giá không đúng về giáo viên; trong khi chỉ có 35,7% giáo viên cho biết học sinh thường xuyên tìm gặp họ để tư vấn hoặc chia sẻ những khó khăn mà các em đang gặp phải.
Không chỉ chịu áp lực xã hội, mà ở nhiều nơi, ngoài giờ lên lớp người giáo viên còn phải vật lộn với "cơm áo gạo tiền". Còn nhớ Tết năm 2009, người đứng đầu ngành giáo dục đã gửi một bức thư đầy trách nhiệm, đầy tình người nhưng cũng đầy xót xa, kêu gọi cộng đồng chia sẻ nỗi thiệt thòi của đội ngũ nhà giáo nhân dịp Tết đến Xuân về. Thời điểm ấy, gần 1 triệu thầy, cô giáo mầm non và phổ thông không có lấy một đồng thưởng Tết.
Rõ ràng, nghề giáo đang có quá nhiều áp lực, cả về vật chất lẫn tinh thần, và đôi khi người giáo viên bị chính sự tất bật của cuộc sống đẩy ra xa khỏi học trò của mình. Thái độ thiếu công tâm của dư luận, sự thiếu quan tâm từ các bậc phụ huynh, sự thiếu hiểu biết của một bộ phận học sinh và thậm chí là cả cha mẹ học sinh đã tạo những sức ép lớn với người giáo viên. Vững vàng trong hoàn cảnh ấy chẳng phải thật khó lắm sao!
Xã hội có hai nghề luôn được tôn vinh, đó là nghề giáo và nghề y, người làm ở hai nghề đó luôn được kính trọng gọi là "thầy". Một nghề là rèn người dạy làm người, một nghề là cứu người. Làm thầy, sự thiêng liêng thật khó cắt nghĩa cho trọn. Mỗi chúng ta dường như ai cũng có một mái trường, một thời để nhớ đầy kỷ niệm, và trong ấy bao giờ cũng có hình ảnh người thầy giáo, cô giáo. Có người ví giáo viên như "người lái đò chở khách sang sông...". Ngẫm thật chạnh lòng, nhưng cũng thật sâu xa. Người lái đò ấy đã tận tụy, cần mẫn chở biết bao nhiêu "khách" qua sông. Chẳng thể nhớ hết được khách sang sông, nhưng ai đã qua sông thì có lẽ suốt đời sẽ không quên người lái đò ấy…
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, mong sao các thầy giáo, cô giáo sẽ luôn đủ sức khỏe, hạnh phúc và niềm tin; mong xã hội tạo thêm nhiều thuận lợi để cuộc sống của các thầy, cô ngày càng có điều kiện học tập, giảng dạy cao hơn, để các thầy, cô yên tâm công tác, dành trọn tâm ý cho sự nghiệp trồng người vẻ vang.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.