(HNM) - Khu đô thị mới Nghĩa Đô được bao quanh bởi cộng đồng dân cư lớn nên bất cứ hoạt động xây dựng nào tại đây đều ảnh hưởng ít nhiều đến dân cư xung quanh.
Theo phản ánh của người dân, họ không thể ngủ được vì tiếng máy xúc, máy ủi, máy trộn bê tông "đinh tai nhức óc". Đông đảo người dân khu vực đều có chung kiến nghị trạm trộn bê tông phải dừng hoạt động để bảo đảm cuộc sống ổn định của cư dân xung quanh.
Trạm trộn bê tông trong KĐTM Nghĩa Đô hoạt động chủ yếu vào ban đêm. |
Khảo sát một vòng quanh vị trí đặt trạm trộn bê tông, phóng viên Đường dây nóng nhận thấy, khoảng cách giữa trạm trộn với khu dân cư khá gần, chỉ cách khu dự án nhà ở Quân đội (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm) một bức tường bao và một con đường nội bộ có mặt cắt chừng 5m. Một nhân viên cho chúng tôi biết: Công ty Văn Phú đang phụ trách trạm trộn bê tông này trên hợp đồng liên doanh liên kết với Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng số 1 Hà Nội (Công ty Xây dựng số 1) nên mọi hồ sơ đăng ký kinh doanh, cấp phép hoạt động trạm trộn… đều do Công ty Xây dựng số 1 quản lý. Trong quá trình vận hành trạm trộn sản xuất bê tông, Công ty Văn Phú cũng đã hạn chế tối đa ảnh hưởng đến người dân xung quanh nhưng không thể triệt để vì công việc chủ yếu làm vào ban đêm.
Tìm đến Công ty Xây dựng số 1 để tìm hiểu hồ sơ pháp lý hoạt động của trạm trộn bê tông trong KĐTM Nghĩa Đô, chúng tôi được biết: Trạm trộn bê tông được cấp phép thành lập từ năm 2009 để phục vụ cung cấp nguyên liệu cho dự án KĐTM Nghĩa Đô. Tuy nhiên, khi nhiều hộ gia đình về ăn ở ổn định quanh khu vực thì KĐTM Nghĩa Đô mới chỉ xong khu phân lô biệt thự, nhà liền kề và 1 đơn nguyên CT2A cao 17 tầng. Vài năm trở lại đây, thị trường bất động sản trầm lắng, các công trình còn lại trong dự án KĐTM Nghĩa Đô gần như dậm chân tại chỗ, nhưng trạm trộn bê tông vẫn hoạt động, phục vụ các công trình bên ngoài dự án.
Ông Nguyễn Công Văn - Phó Giám đốc Ban quản lý KĐTM Nghĩa Đô - cho biết, đơn vị đã nhận được phản ánh, kiến nghị của người dân trong khu vực. Công ty cũng cố gắng hết sức để hạn chế ảnh hưởng đến người dân như quây lưới giảm bụi, phun rửa đường ra vào thường xuyên. Công ty đã họp bàn với người dân, mong được thông cảm thêm một thời gian nữa, khi công ty xây xong phần thô của các tòa nhà cao tầng còn lại trong dự án sẽ phá bỏ trạm trộn bê tông. Tuy nhiên, khi hỏi về thời gian dự kiến hoàn thành các tòa nhà tiếp theo, ông Văn cho biết thêm, 6 tòa nhà còn lại cao từ 19 đến 25 tầng nếu làm rốt ráo thì phải cuối năm 2016 mới xong phần thô.
Theo quan sát của chúng tôi, trong khi các dự án trong KĐTM Nghĩa Đô vẫn "án binh bất động" thì trạm trộn bê tông vẫn hoạt động đều đặn, cung cấp thương phẩm ra bên ngoài. Với tình hình này, liệu đến năm 2016, người dân xung quanh KĐTM Nghĩa Đô có thoát khỏi bị "tra tấn" bởi tiếng ồn, khí thải ô nhiễm môi trường hay còn lâu hơn nữa?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.