Theo Đài Truyền hình BBC, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, ngày 26-5 đã công bố kế hoạch tái áp dụng Luật Nghĩa vụ quốc gia bắt buộc nếu đảng Bảo thủ tiếp tục nắm quyền sau cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 7.
Theo ước tính, kế hoạch dự kiến mất khoảng 2,5 tỷ bảng Anh/năm. Luật quy định tất cả thanh niên từ 18 tuổi sẽ phải tham gia nghĩa vụ quân sự toàn thời gian hoặc tình nguyện một ngày cuối tuần một tháng hoặc 25 ngày/năm trong các tổ chức cộng đồng như cảnh sát hoặc Dịch vụ y tế quốc gia (NHS). Thủ tướng Sunak cho rằng, Luật Nghĩa vụ bắt buộc sẽ giúp vực dậy tinh thần dân tộc và mang lại cơ hội thay đổi cuộc sống cho những người trẻ tuổi.
BBC dẫn lời Thủ tướng Sunak: “Đây là một đất nước tuyệt vời nhưng các thế hệ thanh niên không có cơ hội hoặc trải nghiệm thứ mà họ xứng đáng có được, đặc biệt trong một thế giới bất ổn mà các thế lực đang cố gắng chia rẽ xã hội của chúng ta”. Theo kế hoạch, nếu tái đắc cử, đảng Bảo thủ muốn thành lập Ủy ban Hoàng gia để hoàn thiện “Chương trình nghĩa vụ quốc gia” và triển khai thí điểm vào tháng 9 năm sau.
Trong kế hoạch dài 40 trang được soạn thảo, các cố vấn cho rằng việc tăng cường lực lượng vũ trang là cần thiết khi đối mặt với các mối đe dọa quốc tế ngày càng tăng do các nước như Nga và Trung Quốc đặt ra.
Tuy nhiên, thông báo của Thủ tướng Anh đã bị phe đối lập chỉ trích, họ cáo buộc đảng Bảo thủ đã làm suy sụp nền kinh tế Anh và làm giảm quân số lực lượng vũ trang. Trong suốt lịch sử 364 năm, chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc chỉ được áp dụng trong Thế chiến I và Thế chiến II. Chế độ này kết thúc vào năm 1960. Các lực lượng vũ trang Anh đã chứng kiến sự cắt giảm đáng kể với số lượng quân nhân giảm hơn 1/4 trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2024.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.