Thế giới

Vương quốc Anh giảm bớt cam kết ứng phó biến đổi khí hậu: Quyết định gây tranh cãi

Thùy Dương 28/09/2023 - 08:06

Thủ tướng Rishi Sunak đã giảm bớt các cam kết của Anh trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu khi cho rằng, chúng đã áp đặt “những chi phí không thể chấp nhận được” đối với người dân.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Anh đã gặp không ít ý kiến phản đối của các nhóm hoạt động vì môi trường, các chính trị gia đối lập và phần lớn ngành công nghiệp quốc gia này.

mot-diem-sac-xe-dien-gan-br.jpg
Một điểm sạc xe điện gần Braintree, Essex (Vương quốc Anh).

Khi mà các hộ gia đình của Anh đang phải chi trả mức phí năng lượng quá cao, Thủ tướng R.Sunak đã trì hoãn lệnh cấm ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel, đồng thời thay đổi hệ thống sưởi trong nhà.

Ông R.Sunak cho biết, phải thay đổi chính sách vì các chính phủ trước đây đã hành động quá nhanh trong việc đặt ra các mục tiêu về mức phát thải ròng bằng 0, mà không duy trì được sự ủng hộ từ phía công chúng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Anh vẫn cam kết với mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Các nhà phân tích cho rằng, việc Chính phủ Anh điều chỉnh một số mục tiêu về khí hậu trước cuộc bầu cử sắp diễn ra phản ánh một thách thức mà các quốc gia khác có thể phải đối mặt, đó là chi phí các công ty và người tiêu dùng phải gánh chịu tăng ngay trong thập kỷ này.

Nước Anh từng đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào năm 2021, dẫn đầu G7 khi nói đến việc cắt giảm khí thải làm trái đất nóng lên (giảm 49% lượng khí thải từ năm 1990 đến năm 2022), trong đó cắt giảm than là động lực lớn nhất.

Nhưng theo báo cáo tiến độ mới đây của Ủy ban Biến đổi khí hậu gửi Quốc hội, để đạt được các mục tiêu, Anh phải tăng gấp bốn lần mức giảm phát thải hằng năm ngoài lĩnh vực cung cấp điện vào năm 2030.

Ủy ban Biến đổi khí hậu ước tính, để đáp ứng mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, "xứ sở Sương mù" sẽ cần đầu tư thêm 61 tỷ USD mỗi năm.

Thư ký nội vụ của Thủ tướng Anh, ông Suella Braverman, nói với BBC rằng Chính phủ đảng Bảo thủ "sẽ không cứu hành tinh này bằng cách làm phá sản người dân Anh”.

Đảng Bảo thủ của Thủ tướng R.Sunak đứng sau phe đối lập - đảng Lao động trong các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử dự kiến vào năm tới. Do đó, chiến lược của ông chủ số 10 phố Downing là loại bỏ các chính sách cắt giảm khí thải và "gây chiến" với các nhà hoạt động khí hậu, nhằm thu hút các cử tri cho đảng Bảo thủ.

Thủ tướng R.Sunak đã đưa ra một quan điểm trung lập, nhấn mạnh rằng các kế hoạch của ông sẽ giúp nước Anh đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhưng các kế hoạch trước đó là không công bằng đối với người dân Anh đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Giá khí đốt toàn cầu tăng vọt vào năm ngoái sau cuộc xung đột Nga - Ukraine mặc dù đã giảm trong những tháng gần đây nhưng hóa đơn năng lượng trung bình của mỗi hộ gia đình ở Anh vẫn ở mức cao. Cơ sở hạ tầng sạc điện tụt hậu so với những gì cần thiết cho phát triển xe điện và mục tiêu lắp đặt khoảng 600.000 máy bơm nhiệt vào năm 2028 có vẻ xa vời do thiếu kỹ sư lành nghề (chỉ có 72.000 chiếc được lắp đặt vào năm 2022).

Ông R.Sunak cũng phủ nhận việc Anh từ bỏ trách nhiệm quốc tế của mình. Ngược lại, Anh sẽ thực thi các cam kết tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc ở Paris và Glasgow, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, trì hoãn các khoản đầu tư để đưa mức phát thải ròng bằng 0 có thể có lợi về mặt chính trị khi sắp diễn ra bầu cử.

Nhưng theo Chris Hewett, người đứng đầu Hiệp hội Thương mại năng lượng mặt trời Vương quốc Anh, các động thái này sẽ là một “đánh giá sai lầm về kinh tế ở quy mô lịch sử”, khi các doanh nghiệp ở Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ đang chạy đua để dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và xe điện.

Về lâu dài, Giám đốc chính sách và truyền thông Viện Nghiên cứu Grantham về biến đổi khí hậu và môi trường (Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London) Bob Ward cho rằng, việc làm suy yếu các chính sách về khí hậu của Vương quốc Anh có thể gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế do làm suy yếu đầu tư trong và ngoài nước vào một loạt lĩnh vực đang phát triển cũng như triển khai các công nghệ sạch như máy bơm nhiệt và xe điện; và nó có thể khiến các hộ gia đình ở Anh nghèo hơn vì họ phải tiếp tục đối mặt với giá nhiên liệu hóa thạch biến động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vương quốc Anh giảm bớt cam kết ứng phó biến đổi khí hậu: Quyết định gây tranh cãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.