Thế giới

Vương quốc Anh tổ chức bầu cử sớm:“Canh bạc” của Thủ tướng Rishi Sunak

Thùy Dương 25/05/2024 - 07:06

Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử vào ngày 4-7 tới, điều mà các nhà phân tích gọi đây là một “canh bạc” vì đảng Bảo thủ cầm quyền đang thua xa đảng Lao động trong các cuộc thăm dò dư luận.

Nhưng nhà lãnh đạo Anh cho rằng, không có thời điểm nào tốt như hiện tại khi nền kinh tế thứ 6 thế giới đang có những dấu hiệu tích cực.

tt-anh.jpg
Thủ tướng Anh Rishi Sunak kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử sớm vào ngày 4-7-2024. Ảnh: Reuters

Thông báo về cuộc tổng tuyển cử sớm được Thủ tướng Rishi Sunak đưa ra trong bối cảnh cuộc bầu cử trước đó dự kiến sẽ tổ chức vào cuối năm nay, giúp ông có ít nhất hai năm tại vị và có thêm thời gian để chứng minh năng lực.

Thông báo của ông Rishi Sunak, tuy ngạc nhiên, nhưng không hẳn là gây sốc. Đã có suy đoán rằng người đứng đầu Chính phủ Anh sẽ kêu gọi tổ chức bầu cử vào mùa hè, thay vì đợi đến tháng 10 hoặc tháng 11 như dự kiến.

Tin đồn càng gia tăng sau khi ngày 22-5, Văn phòng thống kê quốc gia công bố rằng, lạm phát đã giảm xuống 2,3% trong tháng 4, gần đạt mục tiêu của Ngân hàng Anh và giảm từ mức cao 11% vào tháng 10-2022.

Trên thực tế, đảng Bảo thủ cầm quyền đang kém đảng Lao động hơn 20 điểm phần trăm trong các cuộc thăm dò dư luận. Việc Văn phòng thống kê quốc gia thông báo rằng lạm phát cuối cùng đã gần chạm tới mục tiêu quan trọng nhất là 2%, đồng nghĩa nhà lãnh đạo Anh có thể sử dụng vấn đề này làm “tấm khiên” cho cuộc bầu cử.

Còn có lý do mang tính chiến thuật đằng sau thông báo bầu cử sớm của ông chủ nhà số 10 phố Downing. Một số người tin rằng, đảng Cánh hữu dân túy Reform UK có thể cắt giảm phiếu bầu của đảng Bảo thủ. Do đó, bằng cách kêu gọi bầu cử sớm, đảng này sẽ không có thời gian chuẩn bị.

Sergey Shein - nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu toàn diện về châu Âu và quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp của Nga đã chỉ ra rằng, chính sách kinh tế của ông Rishi Sunak khó có thể mang lại kết quả đáng kể. Sau đòn giáng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới đã phải hứng chịu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU-Brexit) năm 2016, đại dịch Covid-19 và sự tăng vọt của giá năng lượng, thực phẩm vào năm 2022.

Hiệu quả kinh tế của Anh kể từ sau đại dịch Covid-19 là yếu nhất trong số các nền kinh tế Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Năm 2022, đầu tư kinh doanh của Anh thấp hơn mức của năm 2016, trái ngược với các nền kinh tế G7 khác có mức tăng trung bình 14% trong giai đoạn này.

Việc London không thể theo kịp các nước phát triển về tốc độ tăng năng suất đã góp phần tạo ra khoảng cách về mức sống so với các nước châu Âu khác.

Theo nghiên cứu của Quỹ Nuffield (quỹ từ thiện của Anh), những người có thu nhập trung bình ở Anh nghèo hơn 20% so với những người cùng lứa tuổi ở Đức và nghèo hơn 9% so với Pháp.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã thẳng thắn đánh giá về việc London phải đối mặt với thách thức như thế nào trong việc điều chỉnh tài chính công và đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại: Thuế cao hơn và những cải cách nhạy cảm về mặt chính trị nhằm nới lỏng các hạn chế đã cản trở việc xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng mới.

Theo một cuộc thăm dò do tờ The Guardian (Anh) thực hiện, đảng Lao động do Keir Starmer lãnh đạo đang dẫn trước đảng Bảo thủ 21,7 điểm. Trong khi đảng Lao động có 44,7% phiếu bầu thì đảng Bảo thủ lại kém xa với chỉ 22,9%.

Lãnh đạo đảng Lao động Keir Starmer tuyên bố, ông sẽ khiến nước Anh phát triển nhanh nhất bằng cách thu hút đầu tư tư nhân mà ông cho rằng đã bị cản trở bởi biến động chính trị kể từ cuộc bỏ phiếu Brexit dưới thời đảng Bảo thủ.

Ông Keir Starmer đã cố gắng khẳng định vị trí trung tâm chính trị của London và được những người ủng hộ mô tả là một nhà lãnh đạo nghiêm túc, có nguyên tắc, tập trung giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống mà nước Anh đang phải đối mặt.

Các nhà lãnh đạo các đảng đã bắt đầu chiến dịch tranh cử kéo dài trong 6 tuần. Quốc hội có vài ngày để giải quyết mọi vấn đề cấp bách trước khi chính thức giải tán.

Thông điệp "đã đến lúc phải thay đổi" của đảng Lao động sẽ là một thách thức khó khăn để đảng Bảo thủ vượt qua khi cử tri đã mệt mỏi sau 14 năm đảng này nắm quyền với 5 đời thủ tướng.

Và bất cứ ai trở thành chủ nhân tại nhà số 10 phố Downing sau cuộc bầu cử sẽ phải đối mặt với những trở ngại lớn trong việc đưa nền kinh tế đi theo con đường tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vương quốc Anh tổ chức bầu cử sớm: “Canh bạc” của Thủ tướng Rishi Sunak

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.