(HNM) - Sức khỏe là vốn quý của mỗi con người và của toàn xã hội. Do đó vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) ngày càng trở nên nóng bỏng và được cộng đồng hết sức quan tâm.
Mặc dù thời gian qua chúng ta đã có những tiến bộ nhất định, song công tác bảo đảm ATTP đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức do nhịp độ phát triển kinh tế nhanh, quy mô sản xuất, kinh doanh cơ bản vẫn là nhỏ lẻ; nguồn lực và đầu tư kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; công tác quản lý còn nhiều hạn chế, bất cập...
Đây cũng là nguyên nhân ngày 20-7 vừa qua, Bộ Y tế chính thức ban hành Kế hoạch 675, triển khai Chương trình "Chung tay vì an toàn thực phẩm" giai đoạn 2015-2020 với mục tiêu huy động toàn xã hội tham gia tuyên truyền bảo đảm ATTP nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hướng tới cung cấp các sản phẩm chất lượng, an toàn cho cộng đồng. Cũng xung quanh thực trạng công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn Thủ đô, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi cùng TS Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATTP TP Hà Nội.
Hiệu quả của công tác truyền thông
- Thưa ông, với việc Bộ Y tế vừa ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình truyền thông "Chung tay vì an toàn thực phẩm" giai đoạn 2015-2020, phải chăng, từ trước tới nay công tác truyền thông của chúng ta chưa được coi trọng đúng mức?
- Thực tế, công tác bảo đảm ATTP những năm qua đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, được lãnh đạo các cấp quan tâm và coi đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân của Đảng và Nhà nước ta. Đó là về phía các nhà quản lý. Với đối tượng là người dân, kiến thức, sự hiểu biết về vấn đề bảo đảm sức khỏe cũng được nâng lên rõ rệt, từ đó có sự coi trọng đúng mức về ATTP; các nhà sản xuất, kinh doanh cũng đã hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ các điều kiện bảo đảm ATTP đối với sản phẩm làm ra hoặc kinh doanh, phục vụ nhu cầu của cộng đồng. Để có kết quả đó, chúng tôi luôn coi trọng vấn đề truyền thông nâng cao kiến thức, trách nhiệm của người quản lý, sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Đây chính là chìa khóa để công tác bảo đảm ATTP thu được hiệu quả như mong muốn.
TS Trần Ngọc Tụ. |
- Những điều ông nói liệu có là trên... lý thuyết vì thực tế công tác bảo đảm ATTP hiện đang tồn tại nhiều bất cập?
- Qua kiểm tra và qua số liệu điều tra của chúng tôi, hiện tỷ lệ người quản lý nắm bắt những văn bản quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực ATTP chiếm tới 85%; người tiêu dùng là 76%; đối tượng là nhà sản xuất, kinh doanh cũng đạt xấp xỉ 80%. Đây là chỉ số phản ánh nhận thức của từng nhóm đối tượng.
- Ông nhận xét như thế nào về công tác truyền thông hiện nay?
- Hiện các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý từ thành phố tới các quận, huyện, phường, xã đều luôn coi trọng vấn đề thanh kiểm tra, giám sát đối với ATTP. Và có thể thấy, các cơ quan truyền thông đều nhanh chóng cập nhật, phản ánh kết quả, cả mặt tích cực cùng những hạn chế yếu kếm. Đây cũng chính là kênh thông tin đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng trong công tác ATTP, giúp cho bạn đọc, người xem, người nghe nâng cao kiến thức, hiểu biết để sử dụng những sản phẩm bảo đảm ATTP.
... và những vấn đề bất cập
- Tuy nhiên, theo góc độ truyền thông, ông có cho rằng hiện nay đa phần là thông tin tiêu cực, mặt trái về những vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật cụ thể; mới chỉ nặng về thông tin sự việc chưa chú ý tới đối tượng đích trong truyền thông là nhà quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, giúp cho từng nhóm đối tượng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi?
- Tôi cho rằng, nhiều khi thông tin hiện nay mới nặng về... hấp dẫn, giật gân như chỗ này bắt giữ được thực phẩm bẩn, chỗ kia sản xuất chưa đạt vệ sinh mà thiếu sự phân tích về vai trò, trách nhiệm, thậm chí là thái độ của từng nhóm đối tượng đích ví dụ như những lỗ hổng trong công tác quản lý, cách thức làm ăn chộp giật, vô trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sự dễ dãi của người tiêu dùng... Cùng với đó, công tác truyền thông còn mang tính kỳ cuộc, chưa thường xuyên, thiếu sự vào cuộc đồng bộ giữa các cơ quan truyền thông.
- Tồn tại thực trạng đó, một phần trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng trong lĩnh vực này?
- Tôi thừa nhận điều đó. Có những thời điểm, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý và báo chí chưa thực sự chặt chẽ, thậm chí về quan điểm tuyên truyền đối với từng vụ việc cụ thể nhiều khi cũng chưa có sự đồng thuận. Đây là những vấn đề rất cần nhanh chóng khắc phục để cơ quan quản lý các cấp và cơ quan truyền thông thể hiện một cách hiệu quả nhất trách nhiệm chung với cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sản phẩm thực sự an toàn khi tiêu thụ ngoài thị trường. Và đây cũng là lý do Bộ Y tế ban hành Kế hoạch 675.
- Ý ông nói là cơ quan truyền thông và cơ quan chuyên môn phải chia sẻ, đồng thuận trong mục tiêu tuyên truyền?
- Đây là vấn đề rất quan trọng, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, nhiều khi công tác tuyên truyền trở thành phản tác dụng, gây hoang mang cho thị trường, thiệt hại cho cơ sở sản xuất, kinh doanh. Vậy nên những bài viết phải cung cấp đầy đủ thông tin, phân tích đánh giá đúng thực trạng, đưa ra khuyến cáo cần thiết cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, định hướng chuẩn mực cho người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
- Ông có thể nêu dẫn chứng?
- Đầu năm vừa qua, Công ty Bidart Bros ở Bakerfield, California đã tự nguyện thu hồi sản phẩm táo Granny Smith và táo Gala do kết quả kiểm tra môi trường đã kết luận thiết bị đóng gói táo bị nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes. Một số tờ báo đã nêu thông tin trên, việc cảnh báo người tiêu dùng là cần thiết, song thông tin không đầy đủ đã khiến người tiêu dùng hoang mang, tẩy chay tất cả các loại táo nhập khẩu. Trong khi đó, các nhà quản lý của chúng ta đã khẳng định, 90% táo nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam xuất phát từ bang Wasinhton D.C. chứ không phải ở bang California nên người tiêu dùng không cần phải quá lo lắng. Tiếc rằng, việc nêu thông tin của một số tờ báo là không đầy đủ.
Một ví dụ khác, mấy năm trước một trang báo mạng đưa tin (cả bài viết và video clip) ở làng Đông Ngàn (Đông Hội, Đông Anh) có công nghệ "biến" trứng gà Trung Quốc thành trứng gà ta bằng cách sử dụng hóa chất tẩy trắng. Thời đại thông tin bùng nổ nên không riêng Hà Nội, người tiêu dùng trong cả nước bị rúng động. Dù đó chỉ là thông tin thất thiệt nhưng hiệu ứng tiêu cực xuất hiện ở người tiêu dùng, trứng gà bị tẩy chay khiến người chăn nuôi không thể tiêu thụ sản phẩm. Rồi những thông tin kiểu như ăn bưởi sẽ mắc bệnh ung thư, rau to, rau non là do dùng chất kích thích "lớn như thổi", ăn vải bị viêm não hay sữa nhiễm melamin… Kết cục của những thông tin đó là rau để làm phân xanh, sữa bị đổ đầy ra đường, vải ế ẩm…
Đó là những thông tin không chính xác, làm thiệt hại rất lớn cho người sản xuất và gây hoang mang cho người tiêu dùng, thậm chí gây rối loạn cho xã hội. Lại có những tờ báo đăng tải bài, tin sản phẩm không bảo đảm ATTP, lấy ảnh minh họa những vi phạm của đơn vị A, cơ sở B từ mấy năm trước khiến họ lao đao, nói đi nói lại, "được vạ thì má đã sưng"... Xây dựng thương hiệu, củng cố lòng tin của người tiêu dùng cần có cả quá trình, nhưng sụp đổ thì chóng vánh lắm...
- Phải chăng vì vậy nên nhiều doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh rất... ngại cơ quan truyền thông?
- Tôi cho rằng, trong xã hội nghề nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp và thêm vào đó là năng lực chuyên môn. Người sản xuất, kinh doanh mà thiếu đạo đức, quy trình, dây chuyền làm ra sản phẩm lạc hậu, không bảo đảm vệ sinh... thì làm sao có thể tạo ra sản phẩm sạch?
Cùng chung trách nhiệm
- Ở một khía cạnh khác, có nhiều ý kiến cho rằng, công tác thanh kiểm tra ATTP cần phải làm liên tục, phát hiện sớm cái sai, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, tuy nhiên cơ quan chuyên môn chưa làm tốt điều đó?
- Chúng tôi xác định, giữa nhà quản lý về ATTP và các cơ sở, đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có những nhiệm vụ cụ thể và công việc mang tính đặc thù riêng, song cùng chung trách nhiệm là tạo ra sản phẩm cho cộng đồng bảo đảm ATTP, cung cấp đủ dinh dưỡng và bảo đảm chất lượng.
Công tác thanh kiểm tra ATTP của chúng tôi cũng là nhằm thực hiện trách nhiệm đó đối với cộng đồng, đối với xã hội. Cụ thể với nhà quản lý là phải hướng dẫn, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP tới đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh để họ có kiến thức, trách nhiệm tạo ra sản phẩm sạch cho xã hội, đồng thời phải thực hiện kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nhằm phát hiện, xử phạt nghiêm những cơ sở có sai phạm. Như vậy, quan hệ của nhà quản lý và đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh là "chung một chiến hào", không phải cơ quan quản lý chỉ chăm chắm xử phạt, ngược lại đối tượng sản xuất, kinh doanh chỉ chú tâm vào trốn tránh trách nhiệm, che giấu các hành vi vi phạm. Tuyên truyền, vận động, giáo dục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật chính là cách ngăn ngừa tốt nhất những vi phạm xảy ra.
- Có phải vì lý do đó mà công tác kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực này còn nặng về nhắc nhở, châm trước...?
- Tôi cho rằng, với một cơ sở sản xuất, kinh doanh khi đi vào hoạt động, chưa có kinh nghiệm, chúng ta phải hướng dẫn cặn kẽ, góp ý giúp cho họ phát triển đúng định hướng, bảo đảm các quy định về ATTP. Nhưng từ 6 tháng tới 1 năm thì dù là sai phạm nhỏ cũng phải kiên quyết xử lý. Nghiêm khắc và quyết liệt như vậy mới có thể làm tốt việc sàng lọc, giúp những cơ sở thực sự có chất lượng tồn tại và phát triển, những cơ sở ý thức không cao, thiếu điều kiện cần thiết buộc phải dừng hoạt động. Trên thực tế, thống kê những vi phạm về ATTP được các cơ quan chức năng xử lý năm sau luôn cao hơn năm trước. Đặc biệt trong năm 2014, trên địa bàn Hà Nội, tổng số tiền xử phạt hành chính các vi phạm trong lĩnh vực này lên tới gần 9 tỷ đồng.
- Ông có cho rằng chế tài xử lý các vi phạm hiện nay còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe?
- Chúng tôi cũng có những biện pháp xử phạt mạnh để các cơ sở tránh vi phạm và tái vi phạm. Đã gọi là xử phạt thì phải xử phạt nghiêm minh, không có chuyện bao che. Và mức xử phạt đều căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật mà ở đây là theo quy định của Nghị định 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là quy mô nhỏ, lẻ thì mức độ xử phạt được tính gấp 7 lần theo tổng giá trị thực phẩm vi phạm là khá nặng. Ví dụ một hàng bán cơm bình dân không nằm ở trung tâm, thực phẩm có giá trị nhiều khi chỉ là một con gà hay cái chân giò luộc, khi có vi phạm về ATTP phải xử phạt vài triệu đồng họ thường nói rằng: "Thôi thì các bác cứ thu hết đồ ăn chứ chúng em làm gì có chừng ấy tiền để nộp phạt". Hay kiểm tra, xử lý những vi phạm ở các làng nghề truyền thống cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự vì hầu hết việc sản xuất, kinh doanh của bà con đều là quy mô nhỏ lẻ...
- Lại có ý kiến phân tích, hiện nay lực lượng chức năng là quá mỏng so với yêu cầu của công tác quản lý chất lượng ATTP. Ông nhận xét như thế nào về ý kiến này?
- Tôi không cho là như vậy dù trên thực tế Hà Nội hiện có khoảng 58.000 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và khoảng 26.000 bếp ăn tập thể. Lý do là sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm của chúng ta cơ bản vẫn là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên việc kiểm soát rất khó khăn, song đây là giai đoạn quá độ, dịch chuyển từ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ sang quy mô lớn. Chắc chắn tới đây khi áp dụng quy hoạch vùng sản xuất, việc nuôi trồng được thực hiện ở quy mô tập trung theo kiểu trang trại, việc kinh doanh cũng sẽ hình thành chuỗi phân phối, cung cấp sản phẩm... thì công tác quản lý mới hiệu quả, chất lượng sản phẩm được kiểm soát tốt hơn, sản phẩm đưa ra tiêu thụ ngoài cộng đồng sẽ bảo đảm an toàn hơn.
- Để bảo đảm ATTP, hiện nay một số cơ quan truyền thông thường khuyến cáo người dân cần trở thành "Người tiêu dùng thông thái", ý kiến của ông về nội dung này?
- Theo tôi, người tiêu dùng cần chặt chẽ và thận trọng trong lựa chọn sản phẩm. Phải nói như vậy vì hiện nay người dân của chúng ta còn quá dễ dãi, ví dụ như đi làm về, vẫn ngồi trên xe máy, táp vào lề đường là có thể mua ngay thức ăn chín bày bán sẵn, tiện lợi thật nhưng khó bảo đảm ATTP. Tương tự như vậy, có nghịch lý là những hàng quán xập xệ, mất vệ sinh lại thường đông khách lui tới với lý do ăn uống cho dân dã, giá cả lại phải chăng. Rồi về nguồn gốc thực phẩm, bao bì, hạn sử dụng, địa chỉ sản xuất... đều là những vấn đề chưa được người tiêu dùng coi trọng đúng mức. Tựu trung lại, chúng ta nên chặt chẽ đối với những sản phẩm trực tiếp liên quan tới sức khỏe và sự an toàn của bản thân, đó cũng là thể hiện ý thức, trách nhiệm với cộng đồng.
- Cảm ơn ông về những nội dung trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.