(HNM) - Theo đánh giá của cơ quan chức năng, từ nay đến tết Bính Thân, ùn tắc giao thông sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là lượng phương tiện cá nhân đăng ký mới tăng khoảng 20.500 phương tiện/tháng, chưa kể lượng người và phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội tăng mạnh.
(Tiếp theo số báo ngày 2-2 và hết)
(HNM) - Theo đánh giá của cơ quan chức năng, từ nay đến tết Bính Thân, ùn tắc giao thông sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là lượng phương tiện cá nhân đăng ký mới tăng khoảng 20.500 phương tiện/tháng, chưa kể lượng người và phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội tăng mạnh.
CSGT Công an TP Hà Nội hướng dẫn giao thông. Ảnh: Mạnh Hà |
Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần phối hợp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông và tiếp tục siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ. Phó Chủ tịch UBATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, Hà Nội có nhu cầu đầu tư hạ tầng rất lớn nhưng nguồn vốn còn hạn hẹp nên nhiều dự án triển khai chậm.
Phương tiện cá nhân tăng nhanh trong khi ý thức chấp hành quy định về trật tự ATGT của một bộ phận người dân chưa cao. Mạng lưới vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng yêu cầu… "Dự báo, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là trong nội đô từ đường vành đai 3 trở vào và trên một số tuyến đường trục hướng tâm, đường vành đai", ông Hùng nhận định.
Trao đổi về những giải pháp bảo đảm ATGT, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết, Công an Hà Nội sẽ phối hợp với Sở GT-VT tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng cùng bảo vệ dân phố, tự quản, thanh niên tình nguyện điều khiển, hướng dẫn, phân luồng, bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn thành phố.
Các lực lượng chức năng sẽ tập trung nhân lực tại khu vực nội thành, các tuyến, địa bàn, nút giao thông trọng điểm, tuyến đường, phố có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao. Công an thành phố cũng tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến hướng vào trung tâm thành phố, tuyến vành đai để kịp thời xử lý các sự cố giao thông bất ngờ, không để xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ. Đại tá Đào Vịnh Thắng đề nghị trong năm 2016, cơ quan chức năng của Bộ GT-VT dỡ bỏ rào chắn đối với những công trình không thi công trên địa bàn thành phố; Cục Đăng kiểm không đăng kiểm đối với những trường hợp bị "phạt nguội" mà không nộp phạt…
Còn Thượng tá Trịnh Văn Sỹ, Phó phòng CSGT Hà Nội cho biết, từ nhiều năm qua, thành phố đã tổ chức các chuyến xe miễn phí đưa đón công nhân các khu công nghiệp về quê ăn Tết, qua đó giảm ùn tắc giao thông. Năm nay, thành phố cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải tăng xe, tăng lượt đáp ứng nhu cầu đi lại của công nhân và nhân dân. "Dịp tết Nguyên đán 2016 thành phố tiếp tục đề nghị Học viện Cảnh sát nhân dân tăng cường 500 học viên để cùng tham gia hướng dẫn, bảo đảm ATGT, giảm tối đa ùn tắc, mục tiêu không để xảy ra ùn tắc kéo dài quá 30 phút", ông Sỹ cho biết.
Nói về các giải pháp bảo đảm ATGT của lực lượng thanh tra giao thông, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho rằng, trước mắt, Sở GT-VT sẽ phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng tại các ngã tư, các nút giao thông có mật độ phương tiện lớn, tổ chức giao thông tại Bến xe Mỹ Đình và Bến xe Giáp Bát theo phương án liên ngành đã thống nhất, bảo đảm chất lượng xe tham gia hoạt động trên tuyến, số lượng xe dự phòng tối đa để giải tỏa lượng khách tăng cao vào các ngày cao điểm. Ngoài ra, cũng cần gắn vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác tổ chức giao thông, xử lý các vi phạm về trật tự ATGT tại các tuyến đường do địa phương quản lý.
Những ngày giáp Tết, lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao. |
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Tân, Thanh tra Sở sẽ tiếp tục rà soát các điểm rào chắn tại công trường, xử lý các vi phạm về rào chắn, thời gian thi công, vệ sinh môi trường, ATGT và an toàn lao động, đôn đốc các chủ đầu tư dự án trọng điểm khẩn trương thi công hoàn thành đúng tiến độ. Đồng thời, nhanh chóng triển khai các dự án đã được phê duyệt và có vai trò quan trọng trong giảm ùn tắc giao thông như, khởi công xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn, đoạn từ đường Tôn Thất Tùng kéo dài đến Sông Lừ; tuyến Vành đai 2 (Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng); cải tạo nút giao thông Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; cầu Mai Động; đẩy nhanh tiến độ dự án tuyến xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa…
Tăng cường giám sát
Trong buổi làm việc với các lực lượng chức năng về bảo đảm ATGT, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố cho biết, HĐND thành phố sẽ tăng cường công tác giám sát bảo đảm ATGT trong năm 2016. Đặc biệt, sẽ có những đoàn giám sát đột xuất; đơn vị nào làm chưa tốt sẽ bị đề nghị kiểm điểm trách nhiệm trước UBND thành phố. Ông Nam cũng lưu ý, Thanh tra Sở GT-VT cần tập trung vào 4 nhiệm vụ chính trong khoảng thời gian từ nay tới sau tết Nguyên đán.
Thứ nhất, yêu cầu các chủ đầu tư dự án hạ tầng giao thông dỡ bỏ hàng rào đối với những công trình không thi công. Nếu như không dỡ bỏ được toàn bộ thì phải thu gọn. Thứ hai, lực lượng thanh tra cần phân làn, cắm biển tại những nút giao thông, những cầu, hầm mới. Thứ ba, phối hợp với công an, chính quyền địa phương xử lý xe chạy lòng vòng đón khách; xử lý nạn chặt chém tăng giá vé. Thứ tư, cần xử lý nghiêm việc lấn chiếm lòng hè đường; các cơ quan chức năng phải chỉ rõ được quận nào làm được, quận nào chưa làm được để có hướng xử lý.
Theo kế hoạch bảo đảm ATGT TP Hà Nội năm 2016, thành phố đặt mục tiêu giảm 5-10% TNGT trên cả 3 tiêu chí; giảm 8-10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc mới; tiếp tục thực hiện đồng bộ và thường xuyên các giải pháp về tổ chức, điều hành giao thông, chống ùn tắc giao thông; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT...
Nhận xét về công tác ATGT tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường đánh giá, TP Hà Nội đã làm quyết liệt, có nhiều điểm mới trong bảo đảm trật tự ATGT như: xử lý rượu bia, xe quá tải, cơi nới thùng xe. Bộ GT-VT đã phối hợp với thành phố thực hiện nhiều giải pháp giảm tải tại các bến xe, nhất là ở Mỹ Đình. Hiện cơ quan chức năng đang nghiên cứu sửa đổi nghị định xử phạt vi phạm giao thông theo hướng "phạt về kinh tế nhưng đồng thời nâng được văn hóa giao thông".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.