Ấn Độ đã khởi động lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm hạt nhân Arihant, chiếc đầu tiên được thiết kế và đóng ở trong nước.
Arihant có thể chạy được lâu nhờ vào năng lượng hạt nhân. |
Thủ tướng Manmonhan Singh gọi đây là ‘bước nhảy vọt.... của năng lực công nghệ đất nước’.
Các phân tích gia cho rằng đây là chiếc tàu ngầm có tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới mà không phải của năm cường quốc hạt nhân được thừa nhận.
Hồi năm ngoái, nước này đã gia nhập cùng nhóm năm quốc gia này – Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc – trở thành nước có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân khi họ đặt hàng Nga đóng một chiếc tàu ngầm để biên chế vào hải quân của họ.
Tàu ngầm hạt nhân sẽ mở ra cánh cửa thứ ba cho năng lực phòng vệ của Ấn Độ. Trước đây quân đội nước này đã có thể phóng tên lửa đạn đạo từ trên bộ và trên không.
Giả sử các cuộc chạy thử trên biển đều thành công thì chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân này sẽ đi vào hoạt động trong vòng hai năm tới, phóng viên BBC Jonathan Marcus cho biết.
Một khi được trưng dụng, tàu ngầm hạt nhân Arihant có thể chở theo thủy thủ đoàn gồm 100 người. Nó cũng có khả năng ở dưới nước rất lâu và do đó có nhiều khả năng không bị phát hiện.
Để so sánh, các tàu ngầm chạy bằng dầu máy già cỗi của Ấn Độ cần phải trồi lên mặt nước thường xuyên để nạp năng lượng.
Hồi năm ngoái Ấn Độ đã thuê một tàu ngầm hạt nhân do Nga đóng có tên là INS Chakra trong thời hạn 10 năm với số tiền thuê là khoảng 1 tỷ USD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.