Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ăn chay đúng cách để bảo vệ sức khỏe

An Hà| 17/09/2021 05:04

(HNMCT) - Những vụ việc về thực phẩm không an toàn, thông tin về tác hại khi ăn nhiều đạm động vật, đặc biệt là thịt đỏ, đang khiến nhiều người e ngại, bắt đầu lựa chọn ăn chay với hy vọng bảo vệ sức khỏe.

Lợi, hại ra sao?

Chị Đào Minh Hương ở phố Kim Mã (Hà Nội) cho biết, chị ăn chay trường đã được 3 năm và tiếp tục chế độ này trong thời gian tới. “Lúc đầu, do cơ thể chưa thích ứng nên rất mệt mỏi. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 1 - 2 tuần, cơ thể thích ứng dần và đến nay tôi luôn cảm thấy khỏe mạnh. Nếu như trước kia, khi giảng bài, tôi chỉ cần đứng khoảng 1 giờ là đã thấy muốn ngồi nghỉ thì nay tôi có thể đứng giảng 2 - 3 giờ mà vẫn thấy bình thường”, chị Hương chia sẻ.

Giống như chị Hương, có nhiều người ăn chay trường cảm thấy cơ thể khỏe hơn so với trước đó. Lý giải về điều này, một số chuyên gia y tế cho rằng, ăn chay trường làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa do thức ăn chay có nhiều chất xơ nên thời gian đi qua đường tiêu hóa nhanh hơn, cơ thể thải trừ chất cặn bã tốt hơn. Một chế độ ăn chủ yếu là thực vật và rất ít chất béo bão hòa giúp nồng độ cholesterol xuống thấp, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp, thừa cân béo phì.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, không ít chuyên gia lo ngại rằng, xu hướng ăn chay trường có thể dẫn đến một “cuộc khủng hoảng choline” - một chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe của não bộ và các chức năng khác. Chất này có nhiều trong thịt và hải sản.

Bác sĩ Hồ Thu Mai, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City cho hay, dưới góc độ dinh dưỡng, cơ thể con người cần 50% thức ăn được chế biến từ động vật và 50% thức ăn chế biến từ thực vật để đảm bảo năng lượng hoạt động cả ngày. Mỗi ngày, một người cần cung cấp đủ cho cơ thể 4 nhóm chất dinh dưỡng cơ bản: Bột đường - đạm - béo - vitamin và khoáng chất. Trong khi đó, người ăn chay thường có xu hướng ăn nhiều nhóm bột đường, thiếu đạm, nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu hụt canxi, sắt, kẽm, i ốt và một số loại vitamin. Về lâu dài, ăn chay trường có thể gây ra rối loạn chuyển hóa, mất cân bằng dinh dưỡng bởi cơ thể mất đi men chuyển hóa thức ăn có nguồn gốc từ động vật. Đó cũng là lý do khiến người ăn chay trường chỉ cần ngửi thấy mùi thịt cá là cảm thấy tanh hôi, không chịu nổi.

Ngoài ra, không ít người theo chế độ ăn chay trường nhưng vẫn bị mỡ máu, bệnh gout, đường huyết cao, loãng xương do chế độ ăn thiếu cân bằng dinh dưỡng.

Xây dựng chế độ ăn chay hợp lý

Vụ việc một nữ bệnh nhân 57 tuổi phải vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) trong tình trạng giảm ý thức, ngừng tuần hoàn, suy thận cấp, viêm phổi nặng, hạ kali, magie máu, suy tim sau quá trình ăn chay dài là minh chứng cho hệ lụy của việc ăn chay không đúng cách. Các chuyên gia khuyến cáo, người ăn chay trường phải bổ sung đủ dưỡng chất từ các loại hạt, rau củ, trái cây, ngũ cốc, đậu nành, đạm thực vật.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải, mỗi người cần ít nhất 5 phần trái cây, rau quả mỗi ngày (mỗi phần tương đương 80g). Bởi rau quả bổ sung chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa và phòng ngừa táo bón. Carbohydrate có nguồn gốc từ gạo, bánh mỳ, ngũ cốc, khoai tây chiếm hơn 1/3 lượng thức ăn. Ngoài tinh bột, các loại thực phẩm này còn chứa chất xơ, canxi, sắt và vitamin nhóm B.

Người ăn chay cũng nên sử dụng thường xuyên các sản phẩm sữa. Đây cũng là nguồn cung cấp protein, canxi, các vitamin A, B12. Lưu ý chọn các loại ít béo và ít đường. Bên cạnh đó, chế độ ăn nên gồm nhiều loại đậu (đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu nành) giàu đạm, ít béo, giàu chất xơ, vitamin, chất khoáng; đảm bảo lượng chất béo chưa bão hòa từ dầu thực vật (dầu oliu, dầu hướng dương, dầu hạt cải...). Đặc biệt, cần giảm số lượng và số lần ăn thực phẩm nhiều béo, muối và đường như kem, chocolate, bánh quy, bánh ngọt, bánh kem. Những loại thực phẩm này cung cấp năng lượng ở dạng béo, đường và rất ít chất dinh dưỡng.

Còn theo Tiến sĩ Từ Ngữ, chuyên gia dinh dưỡng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, người ăn chay trường cần ăn đủ bữa để tránh tình trạng mệt mỏi. Ngoài 3 bữa chính, người ăn chay có thể bổ sung thêm 2 - 3 bữa phụ với hoa quả, các loại hạt. Sau khi đã có chế độ ăn chay hợp lý, cân đối, người dân vẫn cần theo dõi sức khỏe, cân nặng thường xuyên để điều chỉnh thực đơn hằng ngày một cách hợp lý.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng, cho hay, người ăn chay phải thường xuyên “lắng nghe cơ thể”, khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá chế độ ăn đã phù hợp hay chưa. Người bắt đầu chế độ ăn chay nên dựa vào tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn hợp lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ăn chay đúng cách để bảo vệ sức khỏe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.