Chiều thứ bảy, khu phố ẩm thực Tạ Hiện đông kín người. Yoon Kyu Hee - doanh nhân trẻ người Hàn Quốc có tâm hồn rất Việt Nam - hoàn toàn quên mất cái oi nóng của chiều hè cuối tháng 7, hào hứng hoà vào bầu không khí náo nhiệt nơi đây. Nét ảm đạm của những ngày Hà Nội phải hạn chế hoạt động ở nơi công cộng để phòng dịch Covid-19 tưởng như chưa từng tồn tại. Sau khi Việt Nam chính thức mở cửa hoạt động du lịch kể từ ngày 15-3-2022, hàng quán và các điểm cung cấp dịch vụ đã nhộn nhịp trở lại, những khu phố ẩm thực lại sáng đèn đến khuya. Bức tranh ẩm thực Hà Nội lại mở ra với nhiều màu sắc, sôi động và gần gũi...

Yoon Kyu Hee cho người đối diện cảm giác rằng anh có thể nói tiếng Việt thành thạo như tiếng mẹ đẻ. Cả tuần bận rộn với công việc, chàng trai trẻ quyết định dành nguyên một chiều cuối tuần để lang thang nơi phố cổ Hà Nội. “Tôi sống ở Hà Nội từ khi lên 3, đến nay đã là hơn 20 năm, đã khám phá hầu hết các món ngon nhưng vẫn thích la cà phố xá, ăn ở vỉa hè... Ở Hà Nội, thích nhất là cảm giác cuối chiều được ngồi trên phố Tạ Hiện uống bia và “chém gió” với bạn bè. Đêm xuống, cả nhóm kéo nhau ra phố Tống Duy Tân ăn cơm đảo, phở đường tàu…”, Yoon Kyu Hee cười tươi rói, nói về ẩm thực đường phố Hà Nội hệt như một người trẻ sinh ra tại Hà Nội và sành ăn.

Kể về món ăn Hà Nội thân thuộc nhất, doanh nhân 9X chia sẻ: “Tôi thích nhất bún đậu mắm tôm, một món ăn gây nghiện từ hình thức, màu sắc đến mùi vị. Mỗi lần đi xa, về đến Hà Nội là kiểu gì tôi cũng ăn bún đậu cho đỡ thèm”.

Lee Jung Joon, một doanh nhân người Hàn Quốc khác lại gắn bó với Hà Nội theo cách riêng. Anh là quản lý văn phòng của Công ty TNHH Quốc tế VINAKNF có trụ sở ở tỉnh Yên Bái, chỉ cuối tuần mới về Hà Nội. “Tôi muốn dành thời gian nghỉ ngơi cuối tuần tại Hà Nội, đơn giản bởi Hà Nội luôn cho tôi cảm giác bình yên, thú vị. Tôi mê phở bò đến khó tin, lúc nào cũng có thể ăn. Phở Hà Nội cho cảm giác riêng có, không lẫn với bất cứ nơi nào khác, nhờ hương vị đậm đà, màu sắc bắt mắt, cầu kỳ”, anh Lee Jung Joon chia sẻ.

Yoon Kyu Hee thưởng thức ẩm thực Hà Nội chiều cuối tuần.

Còn với nhóm du khách châu Âu đến cửa hàng Cà phê Giảng nằm trên phố Nguyễn Hữu Huân, sự hấp dẫn của quán nhỏ có truyền thống 3 đời nổi tiếng Hà Nội này nằm ở chính những bộ bàn ghế cũ kỹ, một không gian "đặc quánh Hà Nội" của những năm 1990 trở về trước với những người dân bản địa thân thiện hòa cùng nhịp sôi động, đa sắc màu của du khách quốc tế khắp năm châu. Quán luôn tấp nập khách từ sáng đến tối muộn. Thực đơn của quán có hàng chục món, chủ đạo là cà phê, nhưng đồ uống được gọi nhiều nhất luôn là món cà phê trứng đặc trưng, một cốc có giá khoảng 30.000 đồng. Menu được niêm yết công khai ngay trước bàn dành cho khách.

Sanny, du khách đến từ Canada cùng nhóm bạn tỏ rõ vẻ thích thú khi thưởng thức cà phê trứng. Quây quần quanh chiếc bàn nhỏ, nhóm của cậu hào hứng nhấp từng ngụm nhỏ cà phê, ánh mắt toát lên vẻ ngạc nhiên thích thú của người lần đầu nếm một món lạ. “Tôi từng thử rất nhiều loại cà phê như capuchino, latte, jamocha… nhưng cà phê trứng ở đây hoàn toàn khác. Độ gắt trong hương vị của cà phê và vị ngọt ngào, béo ngậy của trứng gà đã tạo nên thứ nước uống vô cùng độc đáo, khác biệt. Tôi rất thích!”, Sanny hài lòng nói.

Cảm xúc ẩm thực

Chuyên gia ẩm thực người Pháp Brillat Savarin từng nói: “Hãy nói cho tôi biết anh thích ăn gì, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người thế nào”. Bằng cách diễn đạt này, có lẽ Brillat Savarin muốn nói đến vai trò quan trọng của ẩm thực đến sự định hình tính cách của mỗi người. Như thế, ẩm thực không còn là vấn đề "thuần ăn uống" như cách hiểu thông thường mà đó còn là là một sự trải nghiệm khiến ta nhớ mãi; là văn hóa, là nghệ thuật giao tiếp, ứng xử…

Theo nhà văn hóa Hữu Ngọc, nét đặc sắc của ẩm thực Hà Nội còn bao gồm những câu chuyện liên quan gắn với văn hóa, gia phong, nền nếp gia đình, con người Hà Nội. Những món ngon như: Chả cá Lã Vọng, phở Bát Đàn, cà phê trứng, bún thang, phở cuốn, kem Tràng Tiền, bánh tôm Hồ Tây, nộm bò khô… đều đi liền với những câu chuyện khởi nghiệp vừa gian khó, vừa cơ duyên, hay gắn với những ký ức đong đầy yêu thương, hoài niệm của người thưởng thức.

Trong không gian bài trí mộc mạc, trên tầng 2 của quán cà phê Giảng, anh Vũ Khắc Sơn, quản lý quán, kể: “Cà phê Giảng nổi tiếng với cà phê trứng, do ông nội chúng tôi - đầu bếp của khách sạn 5 sao Metropole sáng tạo vào năm 1946. Thời đó, sữa là thứ nguyên liệu đắt đỏ nên ông đã nghĩ ra cách thay sữa bằng váng trứng, tạo nên một tách cà phê thơm ngon không thua kém gì capuchino của người phương Tây”.

Quán cà phê Giảng từng qua nhiều lần sửa sang, mở rộng, thiết kế lại nhưng vẫn giữ phong cách tối giản. “Có những chiếc ghế cũ chúng tôi phải mất nhiều công để gia cố lại. Có những chiếc quạt, đồng hồ… từ thời bao cấp vẫn còn được giữ lại để phục vụ khách. Chúng tôi kiên định với phong cách cũ, mong muốn du khách đến đây có thể tìm lại ký ức đẹp của riêng mình. Có những cặp vợ chồng đến Giảng để ôn lại kỷ niệm tình yêu. Những người già đến uống cà phê để tìm lại thời thanh xuân. Du khách nước ngoài đến Giảng để trải nghiệm một không gian văn hóa kiểu Hà Nội xưa, lãng đãng và chậm rãi…”, anh Vũ Khắc Sơn chia sẻ.

Anh Vũ Khắc Sơn, quản lý quán Cà phê Giảng.

Hà Nội 36 phố phường, nhiều con đường không chỉ gắn với các phường buôn, phố nghề, mà còn nổi tiếng với những món ăn chuyên biệt như: Chả cá trên phố Chả Cá, nộm bò khô trên phố Hồ Hoàn Kiếm, ô mai phố Hàng Đường, bánh cốm phố Hàng Than...

Quán nộm bò khô nổi tiếng nhất trên phố Hồ Hoàn Kiếm là cửa hàng Long Vi Dung, được người trong cuộc khẳng định là có tuổi đời ngót 70 năm. Chị Đinh Thị Hạnh, nàng dâu thứ của bà Dung kể: Nộm bò khô Bờ Hồ có từ sau năm 1945, khi ấy, ông nội của bà Dung thường xuyên đẩy xe bán nộm dạo quanh Bờ Hồ. Khi cụ mất, nghề được truyền cho hai người con trai là ông Long Vi Ổn và ông Long Vi Cường. Đời nọ nối đời kia, nộm Long Vi Dung giờ đây trở thành thương hiệu ẩm thực được nhiều người tìm đến ở các cơ sở tại Mã Mây, Hàng Giầy, Hồ Hoàn Kiếm. Sau 4 đời duy trì, quán có cách chế biến riêng, trong đĩa nộm luôn có đầy đủ vị bò khô, gân bò, thịt xá xíu, lạc, húng láng, tỏi sấy…

“Nhiều người đến với chúng tôi vì họ nhớ hình ảnh bán nộm dạo với tiếng kéo lách cách. Cũng có khách nước ngoài tìm đến vì tò mò, sau là thích thú”, chị Hạnh cho biết.

Khác với hình ảnh hiu hắt, phố xá vắng lặng của 1 năm trước, giờ đây, đường phố Hà Nội đã vô cùng tấp nập, sôi động với nhịp sống mới. Thời điểm này, khách quốc tế đến Hà Nội đã đông hơn. Cuối tuần, trên phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố ẩm thực Tạ Hiện, Tống Duy Tân, Đinh Liệt, Lương Ngọc Quyến, Hàng Buồm, Tô Tịch, Gầm Cầu…, sự nhộn nhịp mang đến một bức tranh tươi mới cho du lịch Thủ đô.

Theo Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, ẩm thực đường phố có sức thu hút lớn với du khách. Tuy nhiên, nhiều năm nay, những phố ẩm thực cũ hoặc mới hình thành của Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng nên chưa thu hút được lượng khách ổn định, đặc biệt là dòng khách cao cấp.

Con phố Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm) thông với ngõ Cấm Chỉ, vẫn được biết đến với cái tên “Phố văn hóa ẩm thực”, hay "Phố ẩm thực không ngủ". “Phố văn hóa ẩm thực” chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3-2002, được quy hoạch trở thành địa chỉ văn hóa ẩm thực thu hút khách du lịch, cho phép hoạt động cả ngày và đêm. Nhưng sau 20 năm, “Phố văn hóa ẩm thực” chưa phát huy giá trị như kỳ vọng.

Chị Hồ My, một du khách từ thành phố Hồ Chí Minh trở lại phố Tống Duy Tân sau “mùa” dịch Covid-19 nhận xét: “Hàng quán đã hoạt động trở lại, khách đến đông hơn. Tuy nhiên, sau nhiều năm, các món ăn ở đây vẫn đơn điệu. Nhiều biển quảng cáo, quầy hàng, khu để xe phát triển tự phát làm giảm mỹ quan”.

Còn với Sophia Weper, một du khách người Mỹ lần đầu đến Hà Nội, các khu phố ẩm thực của Hà Nội cho cô cảm giác thân thiện, mới lạ. “Nhưng chúng tôi hơi ái ngại về vấn đề vệ sinh, thiếu biển chỉ dẫn để tìm các địa chỉ uy tín”, cô nói.

Tương tự như phố ẩm thực Tống Duy Tân, khu “phố Tây” Tạ Hiện cũng là địa chỉ vui chơi đêm thu hút du khách trong và ngoài nước bậc nhất của Hà Nội. Dù vậy, chất lượng các món ăn tại đây vẫn là vấn đề khiến nhiều du khách dè dặt. “Các món ăn ở đây khá rẻ, chủ yếu là những món ăn nhanh như: Chân gà chiên, khoai tây chiên, mì xào… Những món đặc sắc mang hương vị truyền thống của Hà Nội không có nhiều”, anh Nguyễn Duy Hưng, một du khách từ Huế tới Thủ đô nhận xét.

Ở góc độ du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển du lịch ẩm thực, đóng góp lớn vào việc phát triển kinh tế đêm của Thủ đô. Nhưng để trở thành “đặc sản” đêm của Hà Nội thì những phố ẩm thực cần phải có sự chuyển mình, thay đổi mạnh mẽ hơn, mạnh dạn hơn trong đổi mới, nâng cấp dịch vụ, có chỉ dẫn rõ ràng cho du khách. Việc phát huy giá trị ẩm thực trong phát triển du lịch, tăng hiệu quả kinh tế không chỉ dựa trên cái có sẵn, mà Hà Nội cần nâng tầm chất lượng để thu hút được dòng khách cao cấp, có mức chi trả cao.


Back To Top